Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

 

QUẢN LÝ TOÀN CẦU LÀ TẤT YẾU LỊCH SỬ 

Ngày nay, vì lợi ích quốc gia, dân tộc của mình, nhiều nước có những điều kiện thuận lợi về địa chính trị, kinh tế, an ninh (bao gồm an ninh truyền thống và phi truyền thống) đều không đi theo chủ nghĩa đa phương, không muốn cùng toàn cầu gánh vác trách nhiệm chung của nhân loại. Vậy họ có tồn tại được không? Khi mà các vấn đề đang biểu hiện rõ nét mang tính toàn cầu…Các vấn đề toàn cầu trở nên ngày càng nghiêm trọng, đặt các quốc gia - dân tộc và các chủ thể quốc tế khác phải phối hợp tư duy và hành động vì sự sinh tồn của hành tinh. Muốn cho hành tinh tồn tại, vận động, phát triển, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cần tham gia vào hoạt động quản lý.

Quản lý toàn cầu là một sản phẩm của lịch sử, có nguyên nhân từ chính sự vận động của nền kinh tế, xã hội, môi trường và chính trị của thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Xét từ nguyên nhân kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế và nguy cơ khủng hoảng tiềm tàng thường trực đặt ra nhu cầu sống còn phải xác lập một cơ chế quản lý hữu hiệu trên quy mô toàn thế giới. Nhiều quá trình và hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế tài chính - tiền tệ, vượt khỏi năng lực điều hành riêng biệt của chính phủ quốc gia. Mặc dù các tổ chức kinh tế quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... có nhiều cố gắng trong việc đưa ra các định chế duy trì trật tự kinh tế toàn cầu, nhưng do các hạn chế bên trong, mô hình quản lý của các tổ chức đó cũng không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng phức tạp của thực tế.

Xét từ nguyên nhân xã hội và môi trường, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội công dân phải cùng nhau hành động trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, bệnh tật, khủng hoảng môi trường sinh thái; đồng thời cùng nhau xác lập một kiểu quan hệ mới trong xã hội quốc tế chứa đựng sự đồng thuận giữa người với người và giữa người với tự nhiên.

Xét từ nguyên nhân chính trị, cơ cấu quyền lực quốc tế cũ không còn phù hợp với thế giới hiện đại và cũng không đáp ứng được yêu cầu xác lập trật tự kinh tế, chính trị thế giới sau Chiến tranh lạnh. Bản thân khái niệm “chính trị quốc tế” (International Politic) truyền thống trước kia cũng là một thứ chính trị của các quốc gia, do các quốc gia triển khai là chủ yếu và chịu sự chi phối rất lớn của lợi ích quốc gia. Chính trị thế giới (World Politic) trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, trong đó có quản lý toàn cầu, là chính trị của thế giới như một chỉnh thể, không đóng khung trong lợi ích quốc gia, không cho phép sự đồng nhất theo quốc gia trong quá trình xây dựng chương trình nghị sự, trong thiết kế cơ cấu tổ chức và trong hoạt động.

Quản lý toàn cầu có một số điểm khác với quản lý bởi chính phủ truyền thống. Chủ thể sử dụng quyền lực quản lý không nhất thiết phải là chính phủ, mà có thể trở nên rất đa dạng như một thiết chế liên kết khu vực; một hiệp hội quốc tế của các công dân tự nguyện thuộc nhiều quốc gia; hoặc một tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Cơ sở và tính chất của quyền lực quản lý toàn cầu không mang tính mệnh lệnh pháp quy, có sức mạnh cưỡng chế mà đều mang tính đồng thuận, thống nhất và tự nguyện. Chiều hướng vận hành của quyền lực quản lý toàn cầu không thuần túy theo chiều từ trên xuống dưới, mà đã nguyên, đa chiều, trong đó phổ biến là theo chiều ngang. Hoạt động quản lý không còn là một quá trình ban bố mệnh lệnh, chế định chính sách đơn hướng, mà là một quá trình tác động qua lại giữa các chủ thể Phạm vi quản lý toàn cầu vượt ra khỏi khuôn khổ lãnh thổ quốc gia, vừa có thể là một không gian bao gồm bộ phận của lãnh thổ nhiều quốc gia; vừa có thể là một không gian bao gồm toàn bộ lãnh thổ của nhiều quốc gia; hoặc toàn bộ lãnh thổ thế giới. Đây chính là cơ sở thực tiễn trực tiếp cho sự ra đời của sự quản lý toàn cầu không cần chính phủ toàn cầu (Global Govemance whithout Global Government).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét