Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

 

TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ KINH TẾ TRI THỨC ĐẾN SỰ THAY ĐỔI CỤC DIỆN THẾ GIỚI 

Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra cả về bề rộng và chiều sâu làm thay đổi kết cấu của tất cả các không gian địa - kinh tế, địa - chính trị, cũng như các cấu trúc quyền lực và phương thức vận hành của chúng.

Từ khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ XX, khoa học - kỹ thuật hiện đại có những đặc điểm mới, đánh dấu cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ ba trong lịch sử thế giới. Đó là cuộc cách mạng chủ yếu về công nghệ với sự ra đời của máy tính điện tử thế hệ mới được sử dụng trong mọi hoạt động kinh tế và đời sống xã hội, về vật liệu mới, về những dạng năng lượng mới và công nghệ sinh học, về phát triển tin học. Việc áp dụng những công nghệ hoàn toàn mới đã tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm hẳn tiêu bao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất. Trong giai đoạn trước, máy móc thay thế lao động cơ bắp, trong giai đoạn cách mạng tin học, máy tính làm nhiều chức năng của lao động trí óc.

Nền kinh tế tri thức, còn gọi là kinh tế dựa vào tri thức (Knowledge - Based Economy) là nền kinh tế chủ yếu dựa vào trí thức, trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất phân phối và sử dụng tri thức và thông tin. Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) xác định: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế.

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức đang làm thay đổi tận tầng sâu của nền sản xuất vật chất, tác động mạnh mẽ đến cơ cấu xã hội, làm biến động các giá trị văn hóa, tinh thần, tư tưởng, làm đảo lộn tương quan lực lượng trong cục diện thế giới... Với việc tạo ra các công cụ lao động và phương pháp tổ chức, quản lý sản xuất mới, cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức khai sinh ra một thời đại kinh tế mới, khác nhiều so với thời đại kinh tế công nghiệp hàng trăm năm qua. Tuy thời đại kinh tế không đồng nghĩa với thời đại như một phạm trù lịch sử, nhưng sự ra đời của một thời đại kinh tế mới hiển nhiên đặt tiến trình vận động của thời đi ngày nay vào bối cảnh, điều kiện chứa dụng thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức chưa hề có tiền lệ.

Về mặt bản chất, toàn cầu hóa là tất yếu lịch sử được quyết định bởi trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất do cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra và nó hướng tới một thế giới như một chính thể thống nhất, công bằng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa đang mang nặng tính chất tư bản chủ nghĩa, do chủ nghĩa tư bản chi phối với mục tiêu chiến lược là thiết lập các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu. Tính hai mặt phức tạp như vậy của toàn cầu hóa đang và tiếp tục tạo ra cục diện vừa hợp tác chặt chẽ, vừa đấu tranh quyết liệt giữa các quốc gia trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an ninh, chính trị. Trong bối cảnh này, mọi liên minh và các hình thức tập hợp lực lượng trên vũ đài quốc tế đều phải được cấu trúc lại, làm phong phú gấp bội các xu hướng lịch sử so với cách đó hai đến ba thập kỷ.

Trong xu thế vận động của tình hình thế giới hiện nay, dưới góc độ lãnh đạo quản lý đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân cần phải thường xuyên bám sát thực tiễn, tổng kết lý luận và xử lý thấu đáo, hợp lý mọi vấn đề, dù là nhỏ nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét