Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Cảnh giác trước màn hình “ảo”

 Tiktok là một trong những kênh mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Lướt Tiktok, ta có thể gặp nhiều video với chủ đề, nội dung, hình ảnh phong phú, đa dạng từ giải trí, âm nhạc, nghệ thuật… đến chính trị, thời sự trong nước và quốc tế. Thậm chí, nhiều khi những thông tin, sự việc mà trong nội bộ còn chưa tỏ, chưa thông nhưng trên Tiktok đã xuất hiện hàng trăm video với vô số kết luận, vô số “thuyết âm mưu” được đặt ra. Khi dùng mạng xã hội này, các tài khoản khi đăng tải video đều có thể lựa chọn giữa việc chia sẻ chỉ mình tôi – bạn bè – công khai. Song, không phải Tiktoker nào cũng sử dụng “quyền công khai” ấy đúng việc, đúng chỗ, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Mới đây, hai tài khoản Tiktok là "kênh tin tức 24 giờ" và "Lebaongoc475" có đăng video với nội dung về “sư thầy cầm chổi". Trong video là hình ảnh một nhà sư cầm chổi đuổi theo một người chạy quanh sân chùa, với chú thích sư thầy cầm chổi đuổi người đến cầu tài, cầu an xin lộc. Theo đó Tiktoker "kênh tin tức 24 giờ" chú thích rằng: "Mùng 6 Tết người dân đi lễ chùa không hiểu có truyện gì sư thầy cầm chổi đuổi người tới cầu tài". Còn Tiktoker "Lebaongoc475" lại viết: "Trời ơi, ko hỉu sao sáng mùng 7 tết mọi người đến chùa cầu an xin lộc lại bị sư thầy cầm chổi rượt chạy bán sống bán chết". Nhưng nội dung của những lời chú thích trên hoàn toàn sai sự thật và sự việc này đã diễn ra cách đây gần 4 năm, không phải là sự việc mới xảy ra.

Theo đó, video trên ghi lại cảnh xảy ra vào ngày 17-11-2018 tại chùa Vạn Phước (xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đó là cảnh Đại đức Thích Chúc Minh đuổi bắt người vào chùa trộm tiền công đức. Thế nhưng đến nay video trên được lấy lại và gắn nội dung sai sự thật như đã nói ở trên với lượng theo dõi, lượt xem video của hai Tiktoker nói trên lên đến hàng chục ngàn lượt. Những lời chú thích sai sự thật của Tiktoker nói trên đã làm ảnh hưởng đến chùa, khiến người dân địa phương rất bức xúc.

Có thể thấy, hiện tượng nhiều người chỉ vì câu view, câu like mà “bán rẻ sự thật” không còn quá xa lạ với các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Hiểm họa từ những chú thích sai sự thật, những video cắn ghép, bóp méo sự thật hiện diện không chỉ với nạn nhân, mà còn với cả cộng đồng, cả xã hội. Vì vậy, cơ quan chức năng phải vào cuộc và mạnh tay xử lý những kẻ vì "câu view", "câu like" mà gán ghép, chú thích sai sự thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét