Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

CHỮA “BỆNH” GIẤU KHUYẾT ĐIỂM!

     “Thuốc đắng dã tật”! Có thẳng thắn, thành khẩn nhận rõ khuyết điểm thì mới quyết tâm và biết cách sửa chữa hiệu quả...
Thấy người bạn cùng học sĩ quan vừa được đơn vị đề nghị cấp trên khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhưng tâm trạng lại không vui, tôi hỏi chuyện thì bạn tâm sự: “Tớ đang phải viết lại bản báo cáo thành tích. Đồng chí chỉ huy đơn vị bảo viết báo cáo sao cho thật “đẹp”, chỉ cần nêu ưu điểm, thành tích; bỏ hạn chế, khuyết điểm đi, vì Chiến sĩ thi đua mà tự nhận nhiều khuyết điểm thì cấp trên sẽ đánh giá các đồng chí khác trong đơn vị còn nhiều khuyết điểm hơn. Nhưng viết kiểu như vậy thì tớ thấy rất ngượng”...
Nghe bạn kể, tôi liên hệ với một số câu chuyện khác và thấy, việc giấu khuyết điểm không phải cá biệt mà khá phổ biến. Có đơn vị chuẩn bị tổng kết, chỉ huy nhiều lần yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo phải chỉnh sửa lại vì trong phần hạn chế, khuyết điểm đề cập rất thẳng thắn những tồn tại, hạn chế.
Theo ý thủ trưởng thì “đừng tự bôi mỡ vào người cho kiến đốt”, phần hạn chế, khuyết điểm chỉ nên ghi chung chung để cấp trên không thấy gì “gợn”, không phê bình đơn vị. Vì cách nghĩ ấy nên ở không ít đơn vị, báo cáo tổng kết “né” những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, trách nhiệm; khiến việc tổng kết thiếu thiết thực, kém hiệu quả.
Cổ nhân đã đúc rút “Nhân vô thập toàn”! Con người không ai là hoàn hảo, tránh được hết những thiếu sót, khuyết điểm. Đối với tập thể cũng vậy! Khó tập thể nào chỉ có những ưu điểm, thành tích mà không có tồn tại, hạn chế.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”. Và chính Người đã căn dặn: “Người phạm sai lầm phải dũng cảm nhận lỗi nhưng đi kèm với đó phải quyết tâm sửa chữa, khắc phục”.
Thực tế cho thấy, nếu các tập thể, cá nhân chỉ “khoe” những điều tốt đẹp, cố gắng che giấu những điều chưa tốt, vì sợ cấp trên biết khuyết điểm, hạn chế của mình nên không dám báo cáo thật thì chắc chắn sẽ dẫn đến không sửa được thiếu sót, khuyết điểm để trưởng thành, tiến bộ. Nguy hiểm hơn, “bệnh” giấu khuyết điểm sẽ dần lan truyền và ngày càng nguy hiểm.
“Thuốc đắng dã tật”! Có thẳng thắn, thành khẩn nhận rõ khuyết điểm thì mới quyết tâm và biết cách sửa chữa hiệu quả. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều quy định, chỉ thị yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện đúng quy định báo cáo trung thực, chống “bệnh” giấu khuyết điểm, nghiêm túc tự phê bình và phê bình...
Yếu tố quyết định là lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải nhận thức đúng và gương mẫu, đi đầu trong thực hiện thì mới có thể lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương cho cấp dưới. Nếu người đứng đầu đơn vị nghiêm túc tự nhận khuyết điểm thì không khí dân chủ sẽ được phát huy cao độ, cán bộ, đảng viên sẽ mạnh dạn, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, phát huy tinh thần trách nhiệm, tự hoàn thiện bản thân, xây dựng tập thể ngày càng vững mạnh. Khi đó, sẽ không có môi trường cho “bệnh” giấu khuyết điểm tồn tại./.
Theo: Báo QĐND.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét