Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Không thể phủ nhận những giá trị căn bản của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943

Vì vậy, cần phải nhận thức thấu đáo, khách quan về những giá trị căn bản của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.

1. Trước hết, cần phải hiểu đây là một bản đề cương để căn cứ vào đó mà các cấp vạch ra những kế hoạch, công việc cụ thể nhằm không đi chệch ra khỏi những đường hướng chính ấy, để có thể đánh giá thành công và thất bại của những hoạt động cụ thể dựa trên các căn cứ chứ không phải là thành bại ngẫu nhiên. Xét về phương diện này thì 3 phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng” hoàn toàn chính xác. Vì là một cương lĩnh nên các khái niệm này lúc đó cũng mang tính định hướng, trong đó mục tiêu cứu quốc, tập hợp lực lượng để giành độc lập dân tộc, nghĩa là làm cách mạng xã hội rồi mới làm cách mạng văn hóa (nội dung Đề cương) và trong thực tế, đến “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh, một số nội dung cụ thể của nội hàm khái niệm mới xác định. Cho đến nay, qua nhiều văn bản, nghị quyết, Cương lĩnh, Đảng ta vừa bổ sung các nội dung mới cho những khái niệm này, vừa điều chỉnh những điều chưa hợp lý của các thời kỳ lịch sử trước đó. Đây là một sự vận động bình thường của đời sống.

Thế nhưng, một số người hay bắt bẻ câu chữ, tự cho mình là người không giáo điều phê phán người khác không có quan điểm lịch sử trong khi chính họ lại là những người bất chấp thực tế nên mang sẵn định kiến, chỉ dựa vào câu chữ mà tách những tư tưởng ấy ra khỏi hoàn cảnh. Năm 1943, các nguyên tắc được xác định cũng chỉ là những định hướng nhằm mục tiêu cho cuộc cách mạng xã hội sắp nổ ra. Vậy thì những gì trái với dân tộc, đại chúng, khiến cho mục tiêu này không đạt được vừa trái với quan điểm của Đảng, vừa không khoa học nằm ở khía cạnh ấy. Nó gắn với mục tiêu cứu nước bằng những hành động có ích, thiết thực, chứ không phải những xu hướng tư tưởng xã hội và văn hóa mang màu sắc “mị dân”, “phản dân tộc”, “xa đại chúng”... đang lan tràn trong đời sống xã hội thời kỳ đó. Quan điểm “mượn màu duy vật”, cực đoan theo xu hướng Trotsky cũng bị phê phán vì nó không mang tinh thần khoa học. Nói như thế để thấy tính chất cứu quốc của bản Đề cương được đặt lên hàng đầu mang ý nghĩa ấy.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát định hướng của văn hóa mới bằng một luận điểm rất sâu sắc là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sau đó là văn hóa kháng chiến, kiến quốc, văn hóa tham gia vào đời sống mới, sửa chữa thói hư tật xấu cho cán bộ, chống tham nhũng, làm cho dân tộc Việt đoàn kết, tự cường bằng cách nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí. Tinh thần ấy trở thành đạo đức xã hội “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đã tập hợp mọi lực lượng xã hội, tôn giáo, đảng phái cho mục đích giành độc lập dân tộc, là phương châm hành động tất cả cho tiền tuyến, tiếng hát át tiếng bom, là động lực tinh thần và nguồn lực phát triển nhằm mục đích vì hòa bình, tự do, dân chủ, vì sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Đây không phải là văn hóa ứng dụng mà là văn hóa hành động, là lối sống của cả xã hội, là đạo đức của thời đại chứ không phải chỉ là những nghiên cứu lý thuyết xa rời thực tiễn. Cái đích của đường lối văn hóa mới đã nói lên bản chất vấn đề.

2. Không phải đến bây giờ Đảng mới nói đến những bất cập của Đề cương hay những luận giải về Đề cương trong “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” như một số người hay phê phán. Tính sơ lược trong cách phân kỳ văn hóa, xác định tính chất văn hóa ở từng giai đoạn lịch sử hay cách luận giải về “nội dung tân dân chủ” và “hình thức dân tộc” cũng là dễ hiểu vì hoàn cảnh công bố văn bản và trình độ lý luận về những vấn đề chuyên môn ở thời điểm ấy chưa vượt ra khỏi hạn chế của hoàn cảnh.

Phục vụ công nông binh, phục vụ kịp thời, phục vụ tuyên truyền cho những nhiệm vụ chính trị là mệnh lệnh của Tổ quốc trong giai đoạn ấy và văn nghệ sĩ cũng hiểu rằng Tổ quốc cần họ thực hiện trách nhiệm công dân trước khi chọn chỗ đứng cho riêng mình. Nhà văn Nam Cao đã nói đến tâm tư của mình và cũng là nhận thức chung của giới văn nghệ sĩ là “sống đã rồi hãy viết” vì sự sống còn của dân tộc quan trọng hơn những theo đuổi riêng tư, kể cả chuyện cầm bút. Trăn trở của các nhà văn Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi... trong kháng chiến chống Pháp là những suy nghĩ thực của họ. Họ chân thành muốn thay đổi, chân thành muốn cống hiến, chân thành muốn đứng cùng đội ngũ của những người ở tuyến đầu vì bản chất công việc của họ là như vậy, trách nhiệm công dân của họ là vậy. Họ nhận thức được chân lý, niềm tin khoa học nhờ một phần ánh sáng soi đường của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.

3. Cuộc sống biến chuyển nhanh, những đúc kết, nghiên cứu, khái quát cũng cần có thời gian. Bản chất của văn hóa là tinh thần cộng sinh, kế thừa và phát triển, luôn có yếu tố tự bảo vệ để bảo tồn những gì là của mình nhưng cũng luôn cởi mở tiếp nhận các yếu tố từ bên ngoài, bản địa hóa nó, biến nó thành nội lực của chính mình để làm phong phú thêm cho chính nó. Tiếp nhận Chủ nghĩa Mác là một cách như vậy. Mở cửa, hội nhập quốc tế, nhịp bước cùng thời đại như chủ trương của Đảng ta hiện nay là từng bước thực hiện tinh thần ấy. Hòa nhập, nhịp bước cùng thời đại không có nghĩa là bỏ lại những gì của riêng mình để chạy theo người khác mà cần đóng góp vào trào lưu chung bằng những thứ của riêng mình, là tinh hoa của mình.

Quá trình toàn cầu hóa là một cuộc chơi lớn, cởi mở nhưng cũng sòng phẳng và khắc nghiệt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi đến tận cùng của cái dân tộc sẽ bắt gặp cái chung của nhân loại, hay nói chính xác hơn là trong chiều sâu của mỗi nền văn hóa của các dân tộc cũng chứa đựng phần chung của con người. Một nền văn hóa lấy dân tộc, nhân dân, đất nước làm điểm tựa sẽ bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, sẽ như liều kháng sinh văn hóa giúp cho dân tộc ấy, đất nước ấy đủ sức đề kháng trước những xu hướng không lành mạnh, có hại trong quá trình hội nhập. Đảng ta coi sự nghiệp cách mạng văn hóa là của toàn dân, trong đó đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ là một xu hướng khoa học và nhất quán. Bởi vì ngay từ những năm đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó vừa là định hướng, vừa là mục tiêu cho chúng ta xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, nhân dân hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét