Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

“Đối tác”, “đối tượng” trong tình hình mới

 

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11/9/2001 được xem là một trong những ví dụ điển hình. Một ngày sau sự kiện khủng bố đó, ngày 12/9/2001, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 1368, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa trong việc phòng ngừa và trấn áp khủng bố, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc ban hành pháp luật, phù hợp với các công ước, nghị quyết về chống khủng bố của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ đó, chống khủng bố trở thành chủ đề nổi bật trong quan hệ quốc tế khi Mỹ đưa quân vào Áp-ga-ni-xtan và tập hợp liên quân 40 nước với hơn 130.000 quân, bao gồm các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lật đổ chính quyền Ta-li-ban, tuyên bố mục tiêu kiểm soát để không cho lực lượng khủng bố An Kê-đa có cơ sở hoạt động an toàn ở Áp-ga-ni-xtan(3). Tiến đếp, tháng 3-2003, Mỹ tấn công I-rắc. Sau hơn ba tuần, liên quân Mỹ, Anh và một số nước khác đã chiếm Thủ đô Bát-đa (I-rắc).

Trong khu vực Đông Nam Á cũng xảy ra một số sự kiện đáng chú ý. Tháng 4-2001, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ép sát máy bay do thám EP3 của Mỹ, được cho là đã bay vào bờ biển phía Nam của Trung Quốc ở khu vực đảo Hải Nam. EP3 của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Theo một số học giả, sự kiện này cho thấy Trung Quốc đã thay đổi quan niệm về Mỹ, về chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tự tin hơn trong ứng phó với các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Tháng 11-2002, tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ VIII, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - kết thúc 10 năm kể từ khi ý tưởng về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được đưa ra trong một văn kiện của ASEAN vào năm 1992.

Quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ trong thời gian đó cũng có nhiều điểm nổi bật. Đối với Trung Quốc, ngày 30/12/1999, tại Thủ đô Hà Nội, “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được ký kết. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác lập được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền. Ngày 25/12/2000, hai bên đã ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời, ký kết Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Đối với Mỹ, hai bên đã ký kết hiệp định thương mại song phương vào ngày 13/7/2000 (có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2001), mở ra tiềm năng xuất khẩu lớn cho hàng hóa của Việt Nam, cũng như tạo cơ sở để Việt Nam đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh các hoạt động nhân đạo, như tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), hai bên nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân...

Ở trong nước, tháng 2/2001, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên bị bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch, phản động xúi giục, lôi kéo, đã tham gia tụ tập đông người, gây rối, biểu tình, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về chính trị, xã hội và kinh tế trên địa bàn. Có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, dẫn đến sự việc này. Nguyên nhân bên trong trước hết bắt đầu từ những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm cuối thế kỷ XX, nhưng chưa được sự quan tâm, chia sẻ và giải quyết kịp thời của chính quyền cơ sở. Nguyên nhân bên ngoài là do tổ chức phản động lưu vong FULRO và các lực lượng thù địch, phản động đã lợi dụng cơ hội này để ngụy trang bằng lớp vỏ “thiện nguyện vì dân”, thực hiện những âm mưu, thủ đoạn cơ hội chính trị. FULRO khi đó có trụ sở tại thành phố Xpác-ten-bớc thuộc bang Cô-lô-ra-đô (Mỹ).

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét