Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới

Tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam chứa đựng trong đó lõi cốt nhân cách văn hóa của người quân nhân. Tác giả của tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là nhân dân Việt Nam, thể hiện tình cảm, niềm tin của nhân dân với bộ đội. Đồng thời, Nhân dân cũng trao niềm vinh dự và trách nhiệm to lớn cho bộ đội khi quân đội được gắn với tên của vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc. Mặt khác, “Bộ đội Cụ Hồ” cũng đã đem lại niềm tin cho nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy trong tình hình hiện nay, khó khăn, thách thức nào đang đặt ra trong việc giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ? Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh. Ảnh: Báo QĐND Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh cho rằng, Nhân dân vinh danh Bộ đội Cụ Hồ, đó là đánh giá cả quá trình lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng danh hiệu cao quý đó không phải có rồi thì sẽ giữ được mãi mãi. Kể cả anh hùng, được phong anh hùng rồi có khi vẫn hư hỏng. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội hôm nay phải thấm nhuần danh hiệu cao quý này, để không ngừng phấn đấu, vươn lên. Đã là quân đội thì phải trung thành. Quân đội trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Thứ hai, quân đội phải giỏi để sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Càng vinh dự thì càng phải phấn đấu không ngừng, không được để những điều xấu ảnh hưởng đến danh tiếng của Bộ đội Cụ Hồ. Mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động dữ dội đến đời sống xã hội, quân đội cũng không nằm ngoài phạm vi tác động đó. Điều này đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Thiếu tướng Hoàng Kiền cho rằng, kinh tế thị trường mang lại những giá trị vật chất, làm cho đời sống của nhân dân tốt hơn nhưng trong môi trường quân đội, vẫn phải thực hiện một chế độ chung. Nếu đã chấp nhận con đường binh nghiệp thì phải chấp nhận khó khăn, gian khổ, phải đi xa, đóng quân ở biên giới, hải đảo, không được gần gia đình, phải có sự hi sinh nhất định. Là Bộ đội Cụ Hồ thì phải là xác định tư tưởng chính trị, phải tiếp tục quán triệt để cho mọi cán bộ, chiến sỹ thông suốt, thấy được trách nhiệm của mình, nghĩa vụ của mình, thấy sự phấn đấu, hy sinh của mình. PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hoá và Phát triển. Ảnh: Báo Hà Nam Còn theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, kinh tế thị trường là một hoàn cảnh đặc biệt. Nó đang tác động rất nhiều đến con người và tất cả các tầng lớp trong xã hội. Mọi ngành nghề trong xã hội đều chịu tác động của kinh tế thị trường, trong đó có cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Nguyễn Trãi từng viết thế này: “Non cao, non thấp mây thuộc. Cây cứng, cây mềm gió hay”. Chúng ta chú ý câu thứ hai. Cây cứng, cây mềm gió hay. Cây cứng hay mềm thì phải ở trong gió bão mới biết. Cho nên khi tiếp xúc với hoàn cảnh, nên nhớ rằng, con người cũng giống như cây trước gió bão. Nó phải thể hiện sự cứng cáp của nó. Có cứng hay mềm thì phải vào gió bão mới biết. Kinh tế thị trường là hoàn cảnh đặc biệt. Nó tác động đến con người nhưng không phải ai vào kinh tế thị trường cũng có thể bị thay đổi". PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, cán bộ và chiến sỹ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam cần rèn luyện bản lĩnh của người quân nhân cách mạng. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, chúng ta phải giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phải có lòng tự trọng, danh dự. Và đặc biệt là phải có bản lĩnh, có bản lĩnh thì sẽ vượt qua được những thách thức đến từ kinh tế thị trường. Con người trưởng thành không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Và luôn vững vàng trước những tác động trái chiều của kinh tế thị trường. Nói một cách cụ thể hơn, là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường, phải vượt qua được những thách thức, những cám dỗ, những tác động trái chiều từ kinh tế thị trường đem đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét