Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

ƯU TIÊN ĐẢM BẢO NHÀ Ở CHO LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỂ CBCS YÊN TÂM CÔNG TÁC

 Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đồng tình với sự ban hành nghị quyết và cho rằng điều này là hết sức cần thiết để khơi thông nguồn lực, phát huy tốt giá trị của đất đai, tuy nhiên phạm vi thí điểm cần phù hợp quy hoạch và có quy trình chặt chẽ.

Liên quan quy định thí điểm đối với đất quốc phòng, an ninh (hiện đã được quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở), đại biểu nhận định phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang là vấn đề rất lớn, việc thí điểm đối với phần đất quốc phòng, an ninh sẽ phát huy giá trị của loại đất này. "Việc thí điểm là hợp lý, khoản 2, Điều 3 và khoản 3, Điều 4 đã quy định rất chặt chẽ", ông nhấn mạnh.

Theo dự thảo nghị quyết, đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thì ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện dự án nhà ở thương mại để ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua đối với CBCS thuộc lực lượng vũ trang; phần diện tích nhà, đất còn lại (nếu có) được bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng khách hàng khác có nhu cầu theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản công là đất quốc phòng, đất an ninh, tài sản trên đất quốc phòng, đất an ninh quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 83 của Luật Đất đai.

Tán thành với quan điểm trên, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, nếu được thì nên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chăm lo nhà ở xã hội cho lực lượng của mình. Ông lý giải: "Lực lượng vũ trang có tính đặc thù - lực lượng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh trên mọi lĩnh vực, trong mọi giai đoạn. Nên việc đảm bảo nhà ở đối với hai lực lượng này để CBCS yên tâm công tác là cần thiết. Tôi thống nhất rất cao với việc thí điểm nghị quyết này".

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm làm nhà ở thương mại chứ không phải nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang, nên chăng tách phần thí điểm nhà ở cho lực lượng vũ trang thành một nghị quyết riêng, không nằm trong nội dung thí điểm phát triển nhà ở thương mại nói chung?

ĐBQH Trịnh Xuân An giơ biển tranh luận, không đồng tình việc làm nghị quyết riêng vì sẽ tạo ra sự phức tạp. "Bản chất của việc thí điểm là nếu đáp ứng các tiêu chí của Luật Đất đai chúng ta mới cho thí điểm, để khơi thông và làm tăng nguồn lực đất đai. Đồng thời, nếu rà soát thì đất quốc phòng, an ninh không nhiều. Khi đáp ứng đủ các tiêu chí ở đây, về dự án, quy hoạch..., cho thí điểm theo khoản 3, Điều 4 sẽ rất chặt chẽ, không nhất thiết phải làm nghị quyết riêng", ông phân tích.

Về bố trí nhà cho CBCS LLVT, đại biểu cũng khẳng định, lực lượng Quân đội, Công an sẽ hiểu rõ nhất lực lượng của mình cần gì, phải phù hợp lực lượng chứ không phải xây lên bán rộng rãi, đồng thời chúng ta có danh mục, xác định được tiêu chí và thiết kế như này là hợp lý.

Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, việc ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện dự án nhà ở thương mại để ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua đối với CBCS thuộc lực lượng vũ trang là quy định được thiết kế nhằm tạo điều kiện nhanh chóng đưa các diện tích đất quốc phòng, an ninh chuyển thành đất ở theo đúng quy hoạch, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho CBCS lực lượng vũ trang. Nghị quyết được thiết kế theo hướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án. Khi lựa chọn được rồi, thủ đầu tư dự án phải thực hiện các quy trình, thủ tục, điều kiện... tương tự như các dự án khác mà không có nguồn gốc đất quốc phòng, an ninh. Việc sắp xếp, xử lý tài sản công thì được dẫn chiếu sang Luật Đất đai.

"Đây là vấn đề thí điểm, còn những ý kiến thể hiện sự băn khoăn thì Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình ra Quốc hội và được cấp có thẩm quyền đồng ý về mặt chủ trương. Vì vậy, mong Quốc hội ủng hộ, đồng thuận với chính sách này", Bộ trưởng thông tin thêm./.

St Dịu Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét