Ngày 22/4 có lẽ sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của xã Đồng Tâm (dù nhìn dưới góc độ nào) thì cùng thời điểm đó, tại Đà Nẵng, cũng có một sự kiện làm nức lòng hàng ngàn người lao động miền Trung bởi cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Từ rất sớm, đã có nhiều công nhân lao động hướng về Cung thể thao Tiên Sơn, TP Đà Nẵng để được tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Thủ tướng. Buổi gặp gỡ đã diễn ra chân tình, ấm áp, với tình cảm trân quý của người lao động với Thủ tướng đồng thời là tấm lòng nơi Thủ tướng với người lao động.
Đặc biệt, khi Thủ tướng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động cùng với Thủ tướng tặng mẹ con chị Phan Thị Tuyết Sương (công nhân công ty điện tử Foster, Đà Nẵng - một người mẹ đơn thân) căn hộ thì cả hội trường vỡ òa trong tiếng vỗ tay hưởng ứng.
Nhiều công nhân còn xúc động khi nghe Thủ tướng chia sẻ: “Tôi rất đau lòng khi đọc những tin trẻ em bị bạo hành trong những nhà giữ trẻ tự phát. Còn những trường hợp như vậy là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với người lao động”.
Cùng thời điểm này, tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có cuộc đối thoại trực tiếp với 50 người dân đại diện và đông đảo bà con nơi đây. Có thể nói, đây là “nút thắt”, tháo gỡ “chảo lửa” mang tên Đồng Tâm những ngày qua.
Trái ngược hẳn với cái nóng hừng hực căng thẳng của không khí đối đầu, sự có mặt của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác cũng “nóng hừng hực” nhưng ở đây là niềm vui và sự tin tưởng. Biển người vây lấy Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi ông tới Nhà văn hóa thôn Hoành.
Trái với những băn khoăn, cảnh giác, lo lắng trước đây, sau buổi đối thoại, bà con hòa cùng đoàn lãnh đạo thành phố tới nơi giữ 19 cán bộ chiến sĩ với tâm lý cởi mở, thân thiện. Ông Chung đi tới đâu, người dân vỗ tay hò reo tới đó.
Như vậy là trước sau như một, người dân Đồng Tâm luôn khẳng định và giữ nguyên vẹn một điều, họ không chống Đảng, chống Nhà nước mà phản ứng trước tiêu cực, sai trái của chính quyền cơ sở và cả những bất cập của chủ trương, chính sách. Họ cần được lắng nghe, đối thoại và giải thích.
Họ vui mừng khi nghe người đứng đầu Thành phố bày tỏ sự chia sẻ nỗi bức xúc, băn khoăn của bà con Đồng Tâm trong thời gian qua, nhất là khi ông Chung nói:
"Về nội dung kiến nghị Bí thư Đảng ủy xã nêu, tôi có thể nói với bà con với tư cách Chủ tịch UBND TP, trước tiên tôi ghi nhận việc làm của bà con dẫn đến hậu quả đó có nguyên nhân bức xúc từ đất đai trên địa bàn vừa qua… Tôi ghi nhận bà con có tinh thần, có sự hợp tác với tôi, có những cuộc nói chuyện kéo dài đến 4-5h sáng… Bà con đã cho cán bộ, chiến sĩ ăn uống đầy đủ, mua quần áo, không đánh đập, khi về không thương tích gì cả. Thậm chí bà con cho các đồng chí ăn ngon hơn ở nhà. Tôi sẽ có trách nhiệm báo cáo với Trung ương đầy đủ các tình tiết này".
Về trường hợp cụ Lê Đình Kình (82 tuổi, vừa được TP hủy bỏ quyết định tạm giữ) và tình cảm của người dân Đồng Tâm, ông Chung nói: "Sức khỏe của cụ rất tốt. Chúng ta ngoài tình cảm ra còn tình người với nhau, nên tôi thường xuyên vào thăm cụ. Tôi rất mừng vì các cụ vẫn tin vào Đảng, tin vào chính quyền thành phố. Tôi cho rằng hôm nay là thời điểm chín muồi để gặp gỡ các cụ ở đây. Tôi xin cảm ơn sự chân thành của các cụ; cảm ơn tất cả các cụ, các ông, các bà... đã cộng tác với tôi. Tôi hứa với các cụ, tôi sẽ là người chỉ đạo để làm sao giải quyết những vấn đề một cách công tâm, công bằng nhất. Quan điểm nhất quán của Thành ủy, Trung ương là kiên trì đối thoại với bà con".
Nhớ lại vụ việc ở Thái Bình cách đây 20 năm (1996 & 1997), không chỉ có một xã như Đồng Tâm mà cùng trong một thời điểm, có tới đã có hàng chục điểm nóng, thậm chí hơn Đồng Tâm rất nhiều. Ông Phạm Thế Duyệt khi đó là Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị đã được cử làm Tổ trưởng Tổ Thái Bình (tổ phó là ông Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn).
Xác định không có “thế lực thù địch” nào ở đây cả, bằng cách xử lý mềm mỏng nhưng kiên quyết, lấy tuyên truyền, vận động nhân dân cộng với hệ thống pháp lý, tổ Thái Bình của ông Duyệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập lại trật tự xã hội trong toàn tỉnh, không để sự việc lan sang các địa phương khác đồng thời từng bước lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Sau đó, một loạt quan chức từ thôn, xã đến Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh bị điều chuyển, mất chức, sa vòng lao lý. Đặc biệt, vụ việc ở Thái Bình còn là cơ sở để Đảng ban hành Nghị quyết về dân chủ cơ sở. Đây chính là nền tảng có tính định hướng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.
Trở lại với cuộc đối thoại ở Đồng Tâm, một lần nữa cho thấy lòng dân vẫn tin ở Đảng, Nhà nước nhưng cũng kiên quyết không chấp nhận những gì mà họ cho là khuất tất, tiêu cực và nhất là thiếu niềm tin nơi chính quyền cơ sở.
Họ cần phải được đối xử công bằng và giải thích thỏa đáng mà như vậy, chỉ có một phương cách tốt nhất (cũng là để xử lý những vụ việc tương tự), đó là đối thoại công khai, minh bạch, thẳng thắn, chân tình với dân. “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu vẫn xong – Thanh Tịnh”.
Lịch sử đã hơn một lần chứng minh, sức mạnh của những người Cộng sản là tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân chứ không phải là khuất phục bằng nòng súng và còng số 8.
Xin chúc mừng thắng lợi (dù không dễ dàng) của nhân dân Đồng Tâm và của chính quyền Hà Nội.
Song, về sâu xa, vẫn còn đó sự băn khoăn như lời phát biểu của Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trước UB Thường vụ Quốc hội cùng ngày 22/4: “Chuyện ở Mỹ Đức (Hà Nội) có xu hướng lây lan đến địa bàn khác, vấn đề khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai cần được quan tâm giám sát trong thời gian tới”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét