Chiến tranh, dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhất là đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã phải hy sinh biết bao xương máu mới có được độc lập, tự do; một dân tộc đã có thời kỳ hàng triệu người thiệt mạng vì đói, rét. Bài học lịch sử trong cuộc trường chinh giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân vẫn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nói riêng.
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, suốt nhiều tháng qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giúp sức của nhân dân, bước đầu chúng ta đã có những kết quả nhất định. Mặc dù số người dương tính với virus SARS-CoV-2 ở trong nước tăng, nhưng được kiềm chế rất nhiều so với các nước khác và đặc biệt số lượng bệnh nhân được chữa khỏi ngày càng nhiều. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, trách nhiệm, trí tuệ và tài năng của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhà khoa học; sự đồng tâm hiệp lực, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến chưa có tiền lệ này.
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã minh chứng: Mỗi khi đất nước gặp nguy nan, dẫu đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “triệu người như một”, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đều thu được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Cách đây 74 năm, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm chiến đấu hy sinh với niềm tin tất thắng. Phát huy tinh thần đồng lòng, chung sức, cả dân tộc lại cùng nhau hướng về miền Nam ruột thịt với tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa, tạo báo, táo bạo hơn nữa đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, thu giang sơn, gấm vóc về một mối, trở thành tấm gương, hình mẫu tiêu biểu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trước diễn biến của đại dịch Covid-19, ngay trong phiên họp của Thường trực Chính phủ chiều 30-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Thần tốc” trong chống dịch, cương quyết dồn mọi nguồn lực dập dịch. Thủ tướng cho rằng, đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định đến cục diện “cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, phải tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh; từng gia đình, từng cá nhân phải tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cần lắm sự đồng lòng, chung sức; cần lắm ý thức, trách nhiệm của mọi người. Tự bảo vệ mình trước đại dịch là phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế; là phải vượt qua sự ích kỷ, hẹp hòi, lợi ích cá nhân… Những hành động nhỏ ấy với ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng cũng đã là góp phần tích cực tham gia với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Phải khẳng định, trong suốt những ngày qua, đã có biết bao cán bộ, nhân viên ngành y tế; biết bao cán bộ, chiến sĩ LLVT một bữa ăn chưa đủ đầy, một giấc ngủ chưa trọn vẹn dồn toàn tâm sức bảo vệ sức khỏe cho nhân dân nói chung, chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nói riêng. Họ đã hy sinh tất cả vì sức khỏe cộng đồng, vì sự an toàn của đất nước. Bởi vậy, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở thời điểm quan trọng này, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, mỗi người dân hãy trở thành người chiến sĩ dũng cảm, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân, cùng ngành y tế, bằng những hành động tự giác, trung thực của chính mình với tinh thần: Thần tốc, đồng lòng dập dịch.