Người xưa nói
“sai một ly, đi một dặm”. Chỉ cần một thông tin nhạy cảm liên quan đến chiến
lược an ninh quốc gia, quốc phòng, quân sự, đối ngoại… bị rò rỉ, lộ trên mạng
xã hội (MXH), thì thông tin đó không phải đi một dặm, mà là chạy siêu tốc với
cả vạn dặm trong thời gian ngắn, nghĩa là mức độ nguy hại đã nhân lên gấp bội. Với tính chất siêu kết nối, tốc độ lan
tỏa thông tin siêu nhanh, bất cứ thông tin nào xuất hiện trên MXH cũng có thể
đến với mọi người có mặt ở khắp nơi trên thế giới trong thời gian ngắn. Nếu đó
là những thông tin tích cực, lành mạnh, nhân văn sẽ góp phần nhân lên những
điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong xã hội. Ngược lại, nếu đó là những thông
tin tiêu cực, độc hại sẽ như thứ “đại dịch” lây lan, gây ra những tác hại không
nhỏ đối với môi trường thông tin, môi trường văn hóa xã hội.
Thời
gian qua, trong khi đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn có ý
thức phòng gian bảo mật, đề cao trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ bí mật nhà nước,
thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ quan, lơ là, khinh suất, thiếu
cảnh giác, làm rò rỉ, lộ, lọt thông tin nội bộ cơ quan, đơn vị và những thông
tin nhạy cảm liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, gây bất
lợi cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Thống
kê của các cơ quan chức năng cho thấy: Trong khoảng 10 năm qua đã phát hiện hơn
1.000 vụ làm lộ bí mật nhà nước. Bên cạnh những trường hợp cố tình làm lộ bí
mật nhà nước phải xử lý nghiêm minh, vẫn còn nhiều trường hợp làm rò rỉ thông
tin nội bộ, thông tin nhạy cảm của cơ quan, đơn vị xuất phát từ sự thiếu hiểu
biết, từ sự vô tư đến mức vô tâm của chính những người sử dụng MXH. Thế nên mới
xảy ra tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” bởi tốc độ lan truyền
“chóng mặt” của thông tin trên MXH.
Luật
Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 không chỉ quy định những vấn đề liên quan đến
các chiến lược an ninh chính trị, an ninh quốc gia, cơ yếu, quốc phòng, quân
sự, đối ngoại… nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, mà
còn quy định những nội dung không được phép để rò rỉ, tán phát, như: Thông
tin về quy trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; đề
thi, đáp án thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, nâng ngạch công
chức, viên chức; đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi
cấp quốc gia…
Để
xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và lộ thông tin
thuộc bí mật nhà nước, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động mặt trái của
thời đại công nghệ số và MXH không dễ quản lý, kiểm soát một sớm một
chiều, còn xuất phát từ ý thức chủ quan của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị
chưa làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức trong thực hiện công tác phòng gian, bảo mật và quản lý thông tin nội
bộ; đồng thời vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là, mất cảnh giác dẫn
đến vô ý làm rò rỉ thông tin nội bộ và lộ bí mật nhà nước. Cùng với đó, tình
trạng lưu trữ tài liệu mật trong máy tính xách tay và trong các thiết bị lưu
trữ có kết nối internet còn khá phổ biến cũng làm cho công tác bảo vệ bí mật
nhà nước chưa được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả.
Trong bối cảnh
MXH bùng nổ hiện nay, thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và thông tin bí
mật nhà nước rất dễ bị rò rỉ vì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là
người ta có thể ghi âm, ghi hình, chụp ảnh “lén” trong một cuộc họp, hội nghị,
hội thảo có nội dung nhạy cảm rồi đăng tải, tán phát trên internet, MXH. Chỉ
một chút sơ suất, lơ là của ban tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có thể
tạo cơ hội cho những người thiếu ý thức chính trị vi phạm các quy định về bảo
vệ thông tin nội bộ, bí mật nhà nước rồi gây ra những hệ lụy, hậu quả đáng
tiếc. Điều này đặt ra cho các cơ quan, đơn vị phải đề ra những quy định nội bộ
để phòng ngừa việc rò rỉ thông tin nhạy cảm từ ngay cơ quan, đơn vị mình.
Bên
cạnh đó, cần chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt
chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên văn thư, bảo mật, cơ yếu và những người làm việc
trong các cơ quan tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, nội chính, tư pháp,
xuất nhập cảnh… Đây là lực lượng cốt yếu trong việc lưu giữ những thông tin nội
bộ, thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước. Nếu đội ngũ này không được
kiểm soát, quản lý sâu sát về mọi phương diện, nhất là về các mối quan hệ xã hội,
thì có thể làm rò rỉ thông tin gây bất lợi cho việc bảo vệ bí mật nhà nước.
Một
giải pháp không kém phần quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học
công nghệ để làm tốt công tác bảo mật đường truyền mạng, bảo mật cổng thông
tin, trang thông tin điện tử; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn
thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị, tạo dựng các “tường lửa” để phòng, chống
hiệu quả tin tặc tấn công, lấy cắp thông tin nội bộ, thông tin thuộc bí mật nhà
nước trên mạng máy tính.
Sử
dụng MXH là một nội dung thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin
của mọi người dân, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nhưng
quyền tự do đó cần được đặt trong khuôn khổ luật pháp, đạo đức xã hội để bảo
đảm cho người sử dụng MXH vừa được thể hiện nhu cầu kết nối, bày tỏ,
chia sẻ chính đáng của mình, vừa góp phần phòng ngừa nguy cơ rò rỉ thông tin
nội bộ và lộ bí mật nhà nước./.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa