Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao

Là quốc gia ven biển với đường bờ biển dài trên 3.260 km, nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố có biển và khoảng một nửa dân số sống ở các tỉnh, thành phố ven biển. Vì thế, biển Đông đã trở thành nhân tố trọng yếu đối với phát triển kinh tế biển nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết tiếp tục khẳng định: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế biển phải bảo đảm tính bền vững, đồng thời gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc? Để thực hiện "mục tiêu kép" đó, cần phải tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường khả năng bám biển của ngư dân gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Những năm qua, nhà nước đã ban hành một số chính sách "đặc thù" nhằm thu hút và khuyến khích người dân ra đảo lập nghiệp, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Đồng thời, không ngừng động viên ngư dân bám biển ở những ngư trường truyền thống như vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vì sự hiện diện của họ chính là những "cột mốc sống", khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Cùng với khuyến khích, động viên ngư dân thì việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, cung cấp các điều kiện thiết yếu để duy trì khả năng bám biển cho ngư dân cũng là yêu cầu quan trọng. Trong đó, việc thực hiện phủ sóng mạng thông tin di động mặt đất, mạng thông tin vệ tinh và đài phát thanh cho các vùng biển và các đảo trọng yếu là nội dung không thể thiếu, góp phần tạo tâm lý yên tâm, vững vàng công tác, vững vàng bám biển cho các lực lượng sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên đưa công tác huy động nhân lực tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, biển đảo vào các nội dung diễn tập của cơ quan, đơn vị; qua đó giúp ngư dân đối phó có hiệu quả với các tình huống va chạm trên biển, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho ngư dân - chủ thể gắn liền với sự phát triển kinh tế biển

Nhận thức của ngư dân về chủ quyền biển, đảo đóng vai trò quan trọng, then chốt, là yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; phổ biến, quán triệt Luật Biển Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các công ước quốc tế liên quan đến biển, đảo mà Việt Nam là thành viên và pháp luật về biển của các nước trong khu vực thông qua các chương trình thiết thực được tổ chức trên toàn quốc, như chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động.

Thứ ba, xây dựng Cảnh sát biển - lực lượng thực thi pháp luật trên biển - ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Thực thi pháp luật trên biển có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, để bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế trên các vùng biển của Việt Nam, việc xây dựng lực lượng Cảnh sát biển ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là yêu cầu tất yếu khách quan và cần tập trung vào các nội dung sau: Nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển; đầu tư vũ khí, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng Cảnh sát biển; tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của Cảnh sát biển.

Thêm vào đó, cần tăng cường năng lực, phẩm chất, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ trên biển. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; luôn đề cao lòng yêu nước, khôn khéo, linh hoạt trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vững vàng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giữ vững quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước./. 

 

Những "cột mốc sống" nơi biên giới

Sau gần một năm triển khai, Ðề án xây dựng "Ðiểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn quân khu giai đoạn 2019-2025" (Ðề án 811), đến nay toàn tuyến biên giới khu vực Quân khu 7 quản lý đã xây dựng được 10 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Riêng Bình Phước xây dựng được bốn điểm dân cư liền kề, hỗ trợ chỗ ở cho 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở, tình nguyện lên sinh sống trên điểm dân cư biên giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho biết: Hiện nay trên tuyến biên giới Bình Phước đã xây dựng 11 chốt dân quân bố trí xen kẽ giữa các đồn biên phòng để phối hợp tuần tra bảo vệ an ninh biên giới. Chủ trương xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là việc làm rất có ý nghĩa nhằm tạo thế liên hoàn, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; góp phần đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo khu vực vùng biên; thu hút dân cư lên sinh sống và từng bước hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới; phát huy vai trò mỗi người dân là cột mốc sống giữ biên cương. Ngoài ra, để giúp các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, tỉnh còn vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ các hộ vật dụng cần thiết trong nhà như: ti-vi, quạt, nồi cơm điện, tủ... Vận động Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình một cặp dê giống trị giá sáu triệu đồng, góp phần giúp các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế.

Ðể thực hiện thành công Ðề án 811, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch "Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025". Sau khi có kế hoạch, Bộ CHQS tỉnh phối hợp huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp và Bù Gia Mập thành lập đoàn khảo sát năm vị trí xây dựng điểm dân cư biên giới tại các xã: Lộc Hòa, Lộc An, Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh); Ðắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) và Thanh Hòa (huyện Bù Ðốp). Căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lượng xây dựng theo hình thức cuốn chiếu và đến nay đã hoàn thành cơ bản. Những hộ dân đến sinh sống trên vùng đất mới đã trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, từng bước phủ xanh đất trống.

Ðại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Việc xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân là một chủ trương lớn của Quân khu 7 và của tỉnh nhằm tăng dày các khu dân cư trên tuyến biên giới, thúc đẩy sự phát triển khu dân cư, đánh thức tiềm năng kinh tế vùng biên, tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc và là chỗ dựa cho bộ đội biên phòng, dân quân thường trực và các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

 

Chính sách “An dân giữ đất biên cương”


Đề án xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt Dân quân biên giới; điểm Dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng thực hiện ở Bình Phước đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước hình thành lực lượng tại chỗ, chỗ dựa vững chắc hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, đồng thời thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”. Đề án góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. “Tôi là công dân sống trong điểm dân cư biên giới. Gia đình tôi rất phấn khởi vì cuộc sống ổn định và cũng rất tự hào khi cùng chung sức, chung lòng với các lực lượng vũ trang bảo vệ tuyến biên giới” - anh Nguyễn Ngọc Hải, Điểm dân cư Thanh Hòa, huyện Bù Đốp bày tỏ.

Giai đoạn 2019-2022, Bình Phước đã xây dựng 150 căn nhà tại 11 điểm dân cư biên giới với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 34 tỷ đồng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng, Bộ CHQS tỉnh đảm bảo kinh phí đối ứng hơn 3,5 tỷ đồng, huyện Lộc Ninh hơn 4,1 tỷ đồng, huyện Bù Đốp hơn 1 tỷ đồng… Đã có 493 người đến sinh sống tại các điểm dân cư biên giới, các hộ đều có đơn tình nguyện lên sinh sống tại đây, gồm: các gia đình là bộ đội, công an viên, cán bộ ban CHQS xã, giáo viên, công nhân… Hiện nay, các hộ dân sinh sống ổn định.

Khi đến điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới sinh sống, các hộ dân không chỉ phát triển kinh tế mà còn cùng với lực lượng địa phương tham gia tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới, giữ vững vành đai, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chuyến thăm tỉnh Bình Phước vào đầu tháng 4-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao việc thực hiện các điểm dân cư biên giới của tỉnh Bình Phước. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Xây dựng cư dân ra biên giới là việc thực hiện chính sách vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo đời sống của nhân dân, đồng thời phục vụ cho mục tiêu bảo vệ vững chắc biên giới lãnh thổ Tổ quốc. Việc triển khai trong 4 năm qua của tỉnh Bình Phước trong xây dựng các cụm dân cư ở sát biên giới là rất thiết thực, hiệu quả. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi hoan nghênh và biểu dương sự phấn đấu nỗ lực của tỉnh Bình Phước cũng như Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 trong việc triển khai dự án điểm này. 

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Bình Phước tiếp tục phối hợp với Quân khu 7 xây dựng các điểm dân cư biên giới trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Để rồi ở đó, mỗi bức tường, viên gạch đều mang đậm dấu ấn mối đoàn kết, gắn bó của nghĩa Đảng, tình dân; để rồi sự bình yên và cuộc sống ổn định luôn hiện diện trong mỗi lời nói tiếng cười của người dân, để biên giới trở nên rất gần và tình quân dân luôn ấm áp./.

  

HÀNG LOẠT QUAN CHỨC HẦU TÒA: LỖI CƠ CHẾ HAY PHẨM CHẤT

KHI QUYỀN LỰC
CHƯA BỊ NHỐT TRONG "LỒNG CƠ CHẾ"!
     Dù khẳng định việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống là nhân tố quyết định để cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) không tham nhũng, tiêu cực (TN, TC) nhưng thực tế cho thấy, TN, TC-biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa quyền lực cũng là yếu tố khách quan ở bất kỳ chế độ xã hội và thời đại nào.
Bởi tạo hóa sinh ra con người vốn có lòng tham và những ham muốn mang tính bản năng. Chính vì vậy, muốn ngăn chặn TN, TC thì phải có giải pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Thế nhưng, dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để kiểm soát quyền lực song “lồng cơ chế” vẫn còn những “lỗ hổng”...

Nguy hiểm từ
quyền lực “ngầm”
Tìm hiểu những vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ có chức quyền trong những năm qua, nhất là những vụ án cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật, chúng tôi nhận thấy hầu hết khi đương chức, những cán bộ này như là “vua con”. Dù họ có nhiều việc làm sai trái nhưng cấp dưới không dám ngăn cản, thậm chí buộc phải làm theo. Chẳng hạn, ông Vũ Huy Hoàng có nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ khiến dư luận rất bất bình. Rồi các ông: Nguyễn Bắc Son khi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tất Thành Cang khi làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Chung khi làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội... cùng nhiều cán bộ cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện đã ngang nhiên lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để tham nhũng, trục lợi.

Vì sao Đảng ta đã có quy định về những điều đảng viên không được làm, đã ban hành các quy chế, quy định yêu cầu các cấp ủy và CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức đảng phải gương mẫu thực hiện để chống lạm dụng quyền lực; pháp luật cũng có những quy định khá chặt chẽ để phòng, chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, chống TN, TC, nhưng vẫn có nhiều CB, ĐV, công chức, nhất là cán bộ cấp cao vi phạm như vậy?

Thẳng thắn nhìn nhận chúng ta sẽ thấy, “lỗ hổng” ở đây chính là sự lạm quyền của một số cán bộ cấp cao, của người đứng đầu. Lạm quyền dẫn đến siêu quyền lực, siêu mánh lới, siêu mưu kế đen tối ở một số cán bộ, một số người đứng đầu. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến “lỗ hổng” kiểm soát quyền lực này chính là vai trò của người cầm cân nảy mực. Việc phát huy trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu là phù hợp với thực tế phát triển, nhưng nhiều người đứng đầu không chuẩn mực về đạo đức, tư cách, nhiều trường hợp tham lam vô độ, nịnh trên nạt dưới, tạo bè cánh bao bọc cho mình. Với cơ chế chủ yếu vẫn là xin-cho, người đứng đầu có quyền phân bổ kinh phí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phân công các công việc gắn liền với lợi ích cá nhân; người đứng đầu phẩm chất kém khi đã thích ai, có cảm tình với ai thì người đó được hưởng lợi (và ngược lại) thì khó ai dám trái ý "sếp" mà chủ yếu là lờ đi hoặc đồng lõa với những sai phạm của “sếp” để được lòng (đồng nghĩa với được hưởng lợi).

Thực tế cho thấy, hầu hết những sai phạm của cán bộ lãnh đạo trong những năm qua đều có sự độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm các quy định trong công tác cán bộ, quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản... và cái đích cuối cùng là tham nhũng, trục lợi... Những vi phạm này, không thể nói là tất cả các thành viên cấp ủy, ban lãnh đạo và chi bộ, đồng nghiệp cùng công tác với những cán bộ đó đều “không biết”, mà nhiều người biết rõ nhưng không có ý kiến phản biện. Nhiều trường hợp tập thể phải biểu quyết theo quy định cũng chỉ là để “hợp lý hóa ý muốn của thủ trưởng”! Việc kiểm soát quyền lực thực sự rất khó ở chỗ này và vì thế, nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu đã lạm quyền, bị quyền lực làm cho tha hóa, dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Kiểm tra... không ra vi phạm
Như đã phân tích ở trên, tha hóa quyền lực là một thực tế khách quan, việc cán bộ tha hóa, biến chất cũng không thể tuyệt đối tránh dù ở chế độ xã hội nào. Chính vì thế, cần phải có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát quyền lực, phòng, chống cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Làm cho đội ngũ cán bộ, công chức “không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng” là mong muốn chung của nhân loại cũng như mọi nhà nước. Nhưng để thực hiện được “không cần, không muốn tham nhũng” là vô cùng khó. Do đó, các quốc gia đều chú trọng những giải pháp kiểm soát quyền lực để quan chức “không thể, không dám tham nhũng” và Việt Nam cũng như vậy. Cùng với những quy định chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Đảng, chúng ta có hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

Nhưng những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng và thanh tra, kiểm tra của chính quyền dưới cấp Trung ương hầu như chỉ phát hiện được sai phạm của cán bộ cấp dưới, rất hiếm khi phát hiện ra sai phạm trong cấp ủy, chính quyền cùng cấp, nhất là sai phạm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, khá nhiều tổ chức, cá nhân có vi phạm kéo dài nhưng qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra vẫn không phát hiện ra vi phạm. Thời gian qua, có những người đứng đầu (thậm chí cả ban lãnh đạo) không chỉ vi phạm mà còn ngang nhiên can thiệp, chỉ đạo sai trái hoạt động thanh tra, kiểm tra, khiến cơ quan kiểm tra, thanh tra ở cùng cấp bị vô hiệu hóa. Đây là thực trạng rất đáng báo động. “Lỗ hổng” này đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống TN, TC.

Chúng ta không khỏi giật mình khi ông Nguyễn Đức Chung lúc là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (là công ty gia đình của ông Chung) với giá cao hơn mua trực tiếp từ công ty của Đức, gây thiệt hại cho Nhà nước 36 tỷ đồng. Trước những ý kiến của dư luận, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thanh tra việc mua sắm, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội. Thực hiện quyết định này, Thanh tra TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra và chỉ ra nhiều sai phạm. Nhưng ông Nguyễn Đức Chung lợi dụng chức vụ, nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng, ép buộc Thanh tra thành phố phải kết luận là không có sai phạm, dẫn tới Chánh thanh tra TP Hà Nội phải ký quyết định thay đổi kết luận thanh tra. Sau này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ sự việc.

Nguyên nhân nào khiến cơ quan hoặc cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra bị người đứng đầu hoặc ban lãnh đạo tổ chức đảng, chính quyền vô hiệu hóa, can thiệp, ép buộc phải kết luận sự việc không đúng với bản chất? Câu trả lời vẫn là do chịu chi phối về nhiều mặt, phụ thuộc vào lợi ích, tạo thành một vòng khép kín mang lại lợi ích cho nhau. Thật vô cùng khó để cơ quan, cán bộ cấp dưới dám chỉ ra vi phạm của cán bộ, cơ quan cấp trên có “quyền sinh quyền sát” hoặc có thể gây khó dễ đối với bản thân mình. Đây chính là bất cập lớn cần phải sớm tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc chúng ta gần như “bỏ ngỏ” trách nhiệm, chưa xử lý nghiêm khắc đối với cơ quan và cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra khi không phát hiện ra vi phạm của đối tượng được thanh tra, kiểm tra cũng là một “lỗ hổng” trong kiểm soát quyền lực, dẫn đến vụ việc TN, TC không được phát hiện, ngăn chặn từ sớm nên ngày càng “phát triển” thành vụ việc lớn hơn.

“Khoảng trống”
nhân dân giám sát
Muốn phòng, chống TN, TC hiệu quả thì phải phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, bởi không có gì mà nhân dân không biết và không có gì qua mắt được nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Nhận thức rõ vấn đề này, suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, đến Đại hội lần thứ XIII vừa qua, Đảng đã bổ sung thêm “dân thụ hưởng”. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong phòng, chống TN, TC nói riêng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Quy chế dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, ngày 3-10-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW về hướng dẫn tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải công khai để nhân dân biết về nhiều nội dung, làm cơ sở góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, CB, ĐV... 

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân vẫn là khâu yếu, thậm chí còn tồn tại nhiều “khoảng trống” dẫn đến nhân dân rất khó thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

Đầu tiên, việc công khai, minh bạch là cơ sở, điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia kiểm soát quyền lực, phòng, chống TN, TC, bởi nếu nhân dân không biết thì làm sao có thể kiểm tra, giám sát? Thế nhưng lâu nay, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, đối phó; thậm chí, có tình trạng không thực hiện công khai và hiện tượng cố tình đóng dấu “mật” vào những tài liệu lẽ ra cần công khai. Hình thức công khai cũng chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, dẫn đến rất ít người biết. Đơn cử, việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là biện pháp vô cùng hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, vì quần chúng sẽ giám sát, kịp thời phát hiện những tài sản bất thường, thông báo cho các cơ quan chức năng kiểm tra xem đó có phải là từ thu nhập phi pháp hay không; nhưng hiện nay, chúng ta chưa quy định công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ các cấp để đông đảo nhân dân được biết. Việc phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc (và một số trường hợp khác) cũng ít đơn vị thực hiện nghiêm.

“Khoảng trống” nữa là mặc dù Hiến pháp đã quy định rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Điều 8) và “... Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi công dân” (Điều 28)... song hiện nay, vừa thiếu những quy định chi tiết để thực hiện, vừa chưa có chế tài thực sự hiệu quả để bắt buộc các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản ánh, kiến nghị. Thậm chí, khá nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chấp hành nghiêm quy định tiếp công dân; vẫn còn hiện tượng trù dập, thành kiến với người khiếu nại, tố cáo, chưa thực sự quan tâm giải quyết.

Ngay việc dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là chủ trương nhất quán của Đảng, nhưng chúng ta cũng chưa có đầy đủ quy định để phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong công tác này, đặc biệt là chưa có quy định cụ thể để nhân dân tham gia vào việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và phòng, chống TN, TC trong đội ngũ CB, ĐV, dẫn đến không ít trường hợp chọn nhầm cán bộ hoặc không kịp thời phát hiện cán bộ vi phạm. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của CB, ĐV chưa hiệu quả”...

Thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật thì dư luận nhân dân đều có ý kiến xì xào về phẩm chất đạo đức, lối sống, về tài sản nghi ngờ bất minh từ trước khi những cán bộ này bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Vì thế, khi cán bộ đó bị kỷ luật hoặc truy tố thì người dân ở nơi cư trú và quần chúng cùng cơ quan, đơn vị cũng không mấy bất ngờ, nhất là với những cán bộ ngang nhiên vi phạm hoặc có nhiều dấu hiệu bất thường trong suốt thời gian dài, như: Trịnh Xuân Thanh (thời kỳ công tác tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương), Vũ Huy Hoàng (lúc là Bộ trưởng Bộ Công Thương), Tất Thành Cang (khi là lãnh đạo các cấp ở TP Hồ Chí Minh), hay một số cựu lãnh đạo của TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Thuận, Bộ Y tế...  

Những “lỗ hổng” trong cơ chế kiểm soát quyền lực, cùng với hệ thống pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, nhiều kẽ hở là nguyên nhân cơ bản khiến một số cán bộ thiếu bản lĩnh đã vi phạm pháp luật, kỷ luật. Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở những bài sau./.
Môi trường (Yêu nước) ST.

PHÁT HUY SỨC MẠNH NHÂN DÂN TRONG CUỘC ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH!

         Việc làm cần thiết hiện nay là phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
     Thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục tiêu của chúng là tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm suy yếu rồi dần xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở nước ta.
     Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Phương thức tuyên truyền, chống phá ngày càng tinh vi, nham hiểm
     Hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển mạng di động nhanh nhất thế giới; với khoảng 75 triệu người dân sử dụng internet cho các mục đích thông tin liên lạc, giao lưu văn hóa, học tập, giải trí và kinh doanh điện tử.
     Tuy nhiên, trên môi trường internet, bên cạnh các thông tin bổ ích, tích cực là những thông tin tiêu cực, độc hại không dễ kiểm soát, ngăn ngừa. Thực tế cho thấy, các đài VOA, BBC, RFI, RFA trước kia dùng sóng radio phát vào nước ta nên phần nào bị hạn chế tiếp cận với người nghe, nhưng nay nhờ sử dụng kỹ thuật số nên khả năng chống phá tăng lên gấp nhiều lần. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh livestream phát trực tiếp có thể truyền tải thông tin “xấu, bẩn, độc” đến hàng vạn người nghe, người xem trên khắp thế giới.
     Theo thời gian, phương thức tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trước đây, các luận điệu tuyên truyền "cách mạng màu", xuyên tạc, xét lại lịch sử, bôi xấu hạ bệ lãnh tụ, phủ nhận công lao, vai trò của Đảng với đất nước thường khá rõ ràng, lộ liễu, thậm chí thô thiển, khó thuyết phục, không được nhân dân chấp nhận.
     Mấy năm trở lại đây, trên các trang thông tin tiếng Việt của VOA, BBC, RFI, RFA cũng như một số trang mạng YouTube, Twitter, Facebook của các tổ chức Việt Tân, Triều đại Việt, Tiếng dân, Phố Bolsa TV, Nửa vòng trái đất TV, Hội anh em dân chủ... thường tổ chức những cuộc bàn tròn, đối luận, bình luận, hội luận, kể chuyện lịch sử mà các đối tượng thường sử dụng những thông tin, sự kiện có thật, nhưng được sửa chữa và thêm thắt nhiều tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi tung ra như một dạng thông tin chính thống.
     Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện theo kịch bản dàn dựng công phu để khi tiếp cận, không chỉ người trẻ thiếu hiểu biết, người dân nhận thức hạn chế mà cả những người có học vấn cao, thậm chí một số ít cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu cũng có thể bị mắc lừa.

Phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến “không khói súng”
     Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết số 35 nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân; bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc... Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân.
     Thời gian qua, hàng triệu người dân trong nước khi tiếp cận được các thông tin bẩn đã vô cùng phẫn nộ với các chiêu trò kích động, bịa đặt, bôi xấu, hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng và Nhà nước. Bức xúc trước thực trạng đó, nhiều người dân đã dùng ngay chính những phương tiện cá nhân tự có và sử dụng các mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Zalo của mình để đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của những kênh “truyền thông bẩn” chủ yếu từ nước ngoài.
     Ban đầu là hành động đơn lẻ của những cá nhân riêng lẻ. Sau một thời gian ngắn, vì cùng tư tưởng “chống giặc trên không gian mạng” nên những người dân dần liên kết với nhau một cách tự nguyện, từ tự phát trở thành tự giác, để phối hợp cùng đấu tranh, phản bác các kênh “truyền thông bẩn” và thông tin xấu độc. Họ thuộc nhiều thành phần, giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi, trong đó có cán bộ, công chức, giáo viên, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, bộ đội nghỉ hưu, sinh viên trên khắp mọi miền đất nước và cả một bộ phận người Việt Nam yêu nước đang sinh sống ở nước ngoài.
     Nhiều người dân đã tổ chức các cuộc hội luận, đối luận, tranh luận trực tiếp trên không gian mạng với những đối tượng phản động, chống cộng cực đoan, “cờ vàng” ở nước ngoài và các thành phần “dân chủ cuội”, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở trong nước.
     Thật đáng mừng là các cuộc “chống giặc trên không gian mạng” của người dân đạt được hiệu quả khá tích cực, qua đó làm cho nhiều chủ kênh “thông tin bẩn” phải giảm bớt tần suất, mật độ xuyên tạc chống phá. Vì là trí tuệ tập thể, trí tuệ nhân dân, nhiều người bằng trình độ lý luận, kinh nghiệm hiểu biết thực tiễn, kiến thức lịch sử phong phú vốn có đã phản bác các luận điệu xuyên tạc một cách kịp thời, thuyết phục. Cũng nhờ các cuộc đấu tranh “chống giặc trên không gian mạng” nên nhiều người dân đã tự bổ sung kiến thức cả về lý luận chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội cho bản thân.
     Nếu trước đây, Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành chiến tranh nhân dân giành độc lập cho dân tộc và thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ; thì ngày nay, trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chúng ta tiếp tục thực hiện chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng.
     Cùng các bài viết đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước trên những cơ quan báo chí: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... cũng như nhiều cơ quan báo chí trong cả nước thì hằng ngày, trên không gian mạng cũng diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt của nhiều người dân đối với những phần tử phản động, thù địch, cơ hội chính trị.
     Không ít luận điệu xuyên tạc bịa đặt, bóp méo, xét lại lịch sử của các nhóm phản động ở trong và ngoài nước vừa tung ra online ngay lập tức bị nhiều người dân phản bác bằng lý lẽ thông minh, lập luận sắc bén. Thật khâm phục thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học của một cán bộ cao tuổi nghỉ hưu có thể trích dẫn ngay những câu nói của Bác Hồ về một vấn đề nào đó, Bác nói mấy lần, trong những hoàn cảnh nào, trích dẫn cụ thể, tên sách, tập, trang, dòng, cơ quan và năm xuất bản để phản bác thông tin xuyên tạc lãnh tụ.
     Một thanh niên, một cô giáo dạy trung học cơ sở, một thương binh-cựu chiến binh, một cán bộ nghỉ hưu... đều đồng lòng góp sức, góp công, góp phần tham gia “bẻ gãy” các luận điệu xuyên tạc về Đảng, về lãnh tụ và bôi đen, bóp méo thành tựu công cuộc đổi mới ở Việt Nam...
     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất”.
     Đảng ta dựa vào nhân dân, tin tưởng vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là điều căn bản, cốt yếu tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng là hạt nhân. Từ đó khẳng định chúng ta chỉ có thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước các thế lực thù địch, phản động khi chúng ta biết dựa vào và phát huy sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân./.
Yêu nước ST.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA: NGÀY 01 THÁNG 11 NĂM 1967!

     “…Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”!
     Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, gửi cho báo Pravđa (Liên Xô); Báo Nhân dân, đăng số 4952, ngày 01 tháng 11 năm 1967.
     Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa Mác - Lênin như kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và Người luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó vào thực tiễn cách mạng. Sự khẳng định trên của Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định và đánh giá cao bài học kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng, đó là một trong những bài học có tính nguyên tắc và phổ biến, đảm bảo cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Thực tiễn chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục giành những thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
     Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng ta phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Đối với Quân đội ta, đó cũng là nguyên tắc, nền tảng tư tưởng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn cao tinh thần tự giác, tích cực nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng; đồng thời biết vận dụng sáng tạo vào hoạt động thực tiễn của đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao./.
Môi trường (Yêu nước) ST.
CÁCH NHÌN TỪ 3 LẦN TIỆC TRÀ GIỮA HAI TỔNG BÍ THƯ - NGHI THỨC NGOẠI GIAO TRỌNG THỊ, THÂN TÌNH VÀ TIN CẬY ! 📷 1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà tại Bắc Kinh cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc (12-15/1/2017). 📷 2. Sáng ngày 13/11/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nhà sàn Bác Hồ và dự tiệc trà tại đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình về trà mộc Tân Cương nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên và trà ướp sen Tuyết San cổ thụ của tỉnh Hà Giang. 📷 3. Bắc Kinh, 31/10/2022, Sau buổi lễ trao Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trân trọng mời và cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà. Trong không khí vui vẻ, ấm áp, hai Tổng Bí thư cùng ôn lại kỷ niệm về Tiệc trà thân mật tại Ðại Lễ đường nhân dân trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (vào tháng 1/2017) và tiệc trà tại Khu Di tích Nhà sàn Bác Hồ, Thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (vào tháng 11/2017). Hai Tổng Bí thư cùng đàm đạo, trao đổi về văn hóa trà của hai nước. Hai Tổng Bí thư cùng nhắc lại những bước phát triển lớn trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước thời gian qua. Cả hai Tổng Bí thư cùng bày tỏ vui mừng về những thành tựu tích cực đã đạt được, nhất trí cùng nhau nỗ lực tăng cường giao lưu làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. 🇨🇳🇻🇳 Tiệc trà là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt của Trung Quốc, thể hiện sự gần gũi, tin cậy, thân tình. Đây là cử chỉ đặc biệt, thể hiện sự coi trọng và thiện chí của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam 🇨🇳🇻🇳 30A ST

Lật tẩy những chiêu trò tung hỏa mù, gây ngờ vực


          Tiếp tục nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh mạnh với tội phạm tham nhũng và kinh tế.

          Một số vụ án điển hình như vụ Công ty Việt Á, những "chuyến bay giải cứu", mua sắm thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục… được phát hiện, xử lí. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân bị kỉ luật; đã có những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lí bị khởi tố, bắt giam vì cáo buộc nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

          Và mới đây nhất, tối 20/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, bà Bồ Ngọc Thu về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là diễn tiến của việc mở rộng điều tra vụ án được khởi tố cuối tháng 4/2022 đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị can có hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 476 tỉ đồng…

          Đấu tranh phòng, chống tội phạm lĩnh vực kinh tế từ đầu năm 2022, nổi lên là vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) với hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm thông qua phát hành trái phiếu lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng (khoảng 320 triệu USD); vụ Vạn Thịnh Phát với hành vi gian dối phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư…

          Riêng vụ Trịnh Văn Quyết, theo kết quả điều tra bước đầu, từ năm 2014 đến năm 2016, thông qua việc tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và một số đồng phạm đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư hơn 6.400 tỉ đồng (khoảng 260 triệu USD).

          Những vụ việc trên cho thấy, tội phạm kinh tế đã gây thiệt hại khủng khiếp đối với nền kinh tế nói chung, với các nhà đầu tư và người dân nói riêng. Đã có biết bao người khánh kiệt tài sản, bao gia đình tan nhà nát cửa vì bỗng chốc trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo siêu hạng.

          Và việc điều tra, xử lí cương quyết nhằm ngăn chặn tội phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là nhiệm vụ cấp bách mà Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực thực hiện, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

          Thực tế sờ sờ như vậy song vẫn có những luận điệu ở cả trong và ngoài nước tung hỏa mù dưới chiêu bài: Nào là, Công an Việt Nam đang hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; nào là chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam vẫn chỉ “tắm từ vai” và chỉ nhằm vào những người không cùng cánh hẩu; nào là Công an sắp sửa “sờ gáy” tập đoàn này, doanh nghiệp kia, v.v. khiến một bộ phận dư luận, nhà đầu tư dao động, làm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

          Không chỉ tung hỏa mù, gây ngờ vực vào quyết tâm và hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch còn đặt vấn đề: Càng chống thì tiêu cực, tham nhũng càng nhiều; muốn chống tham nhũng hiệu quả, thì cần thay đổi thể chế…

          Những luận điệu sai trái, trơ trẽn nêu trên được một số người triệt để khai thác, lợi dụng, nhằm mục đích “giảm cường độ” và hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đảo ngược quá trình lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế.

            Nhìn lại 3 năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến hàng vạn người thiệt mạng, sản xuất đình đốn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị trùng xuống; tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mọi mặt đời sống xã hội, quốc phòng và an ninh vẫn được bảo đảm. Đáng mừng, từ cuối năm 2021, sản xuất, xuất khẩu phục hồi, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là sáng sủa nhất ở khu vực và châu Á…

          Trong đó IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4% và thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.

          "Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam" – như nhận định của bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên khi gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội chiều 3/10/2022.

          Đây là một trong nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín với nền kinh tế Việt Nam.

          Thực tế đó cho thấy kết quả, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Đồng thời, việc Bộ Công an khởi tố điều tra một số cá nhân, tổ chức trong các vụ án như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… đã góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

          Đây là việc làm cần thiết, đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế.

          Nói một cách ngắn gọn, những hành vi như “phù phép” vài tỉ đồng thành hàng ngàn tỉ đồng thông qua việc tăng vốn điều lệ khống; sau đó, niêm yết trên sàn chứng khoán rồi bán, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư, của người người dân… thì không thể là một giao dịch kinh tế, dân sự bình thường.

            Đó là tội phạm thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... cần xử lí nghiêm theo pháp luật.

                                                                                                               CAND

Mưu đồ đằng sau “thư ngỏ”, “thư khuyến nghị”!

 

          Chủ trương, quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về củng cố quốc phòng, an ninh với mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột, chiến tranh. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Vừa qua, một số hội, nhóm tự xưng “cải cách, dân chủ” đưa ra cái gọi là “thư ngỏ”, “thư khuyến nghị” nhằm mục đích xuyên tạc chính sách quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước ta, tạo cớ chống phá.

          Bản chất của “thư khuyến nghị”

          Có thể điểm tên các tổ chức tung ra “thư ngỏ”, “thư khuyến nghị” như Lập quyền dân; Diễn đàn xã hội dân sự; Ban vận động văn đoàn độc lập; Bauxite Việt Nam; Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh; Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng; Câu lạc bộ Hoàng Quý… Theo nội dung “thư khuyến nghị”, các hội, nhóm trên đưa ra yêu cầu rằng: Việt Nam đang phải dựa vào Mỹ, Nhật, phương Tây để vừa phát triển kinh tế vừa ngăn ngừa xảy ra chiến tranh; Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa cảng Cam Ranh cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng để “tạo nên một cái thế để đối trọng” với nước khác… Để cổ súy, tung hô, tán dương cho chiêu trò trên, RFA có bài viết lên giọng “khuyến nghị Việt Nam hợp tác với Mỹ và phương Tây” để chống lại các nguy cơ đe dọa chủ quyền biển đảo. Họ đưa tin theo kiểu lập lờ đánh lận con đen, đánh đồng việc liên minh quân sự là một phần của mở rộng, hợp tác quan hệ quốc tế; phủ nhận đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam bằng việc đưa ra luận điệu Việt Nam phải tham gia liên minh quân sự, phải theo bên này để chống bên kia…

          Phương thức chống phá với chiêu bài “khuyến nghị” là không mới, thực ra đó là trò giả tạo, ra vẻ vì đất nước, vì nhân dân nhưng đó là cái vỏ bọc bên ngoài để che đậy những nội dung sai trái, xuyên tạc bên trong với luận điệu kệch cỡm. Cách lập luận, diễn giải mang nặng tính áp đặt chủ quan, phiến diện, thể hiện rõ tư tưởng, ý đồ phá hoại đất nước.

          Mục đính của số hội, nhóm trên nhằm đưa Việt Nam vào việc chọn bên, chia phe, thế đối đầu trong các quan hệ quốc tế, cố tình hướng lái dư luận đến với những nhận thức sai lầm, gieo rắc tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào quốc gia khác trong củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; kích động tâm lý “bài nước này, thân nước kia” trong một bộ phận người dân; gây ra sự hoài nghi, phân tâm về đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước ta, làm giảm ý thức cũng như sự chung tay, cống hiến của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cố tình làm cho thế giới hiểu sai về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện.

          Bảo vệ vững chắc Tổ quốc không đến từ việc liên minh quân sự

          Thực tiễn lịch sử cách mạng của nước ta đã chứng minh, thắng lợi trong giải phóng dân tộc, những thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay không đến từ việc liên minh quân sự, không đến từ việc chọn bên, chia phe, thân bên này chống bên kia trong các quan hệ quốc tế. Việt Nam giành được độc lập, thống nhất đất nước đến từ việc kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực, trong đó xác định nội lực là chính, quyết định, ngoại lực là quan trọng. Thành quả cách mạng ấy là sự kết tinh của ý chí tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước trên thế giới. Bác Hồ đã từng chỉ ra rằng: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Bảo vệ Tổ quốc cũng vậy, không thể trông chờ, ỷ lại vào nước khác mà phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, tiềm lực của đất nước, bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Lịch sử dân tộc ta trải qua mấy nghìn năm, công cuộc dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Chính sách quốc phòng “bốn không” được đúc kết từ truyền thống, kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của ông cha, phù hợp với tình hình thực tiễn thế giới, khu vực và trong nước, chính sách ấy ngày càng chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả trên thực tế.

          Trong chính sách quốc phòng Việt Nam, không liên minh quân sự là chính sách tối ưu, hữu hiệu để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Chúng ta quán triệt và thực hiện nhất quán tinh thần “thêm bạn, bớt thù”. Nếu tham gia liên minh quân sự, buộc chúng ta sẽ phải gắn với một bên, tạo ra sự đối trọng, thế đối đầu với các nước khác - tức là “chuốc” thêm kẻ thù, hoàn toàn trái ngược với tinh thần trên. Đồng thời, tham gia liên minh quân sự thì Việt Nam phải chia sẻ trách nhiệm về tài chính, nhân lực, thậm chí có thể phải nhân nhượng một số lợi ích quốc gia, dân tộc; kéo theo nguy cơ xung đột, chiến tranh, điều mà nhân loại yêu chuộng hòa bình, trong đó có nhân dân Việt Nam không hề mong muốn. Việt Nam chỉ chọn đứng về hòa bình, đứng về lẽ phải, công lý trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

          Trong chính sách quốc phòng “bốn không”, Việt Nam cũng thực hiện nghiêm nguyên tắc không liên kết với nước này để chống nước kia. Nguyên tắc này giúp cho chúng ta có vị thế phù hợp để đối thoại với các nước hay tham gia vào các cơ chế đối thoại quốc phòng an ninh, quan sát viên các hội nghị, các cuộc tập trận ở khu vực.

          Chúng ta tuyên bố rõ ràng với thế giới là không chấp nhận cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước khác. Với quân cảng Cam Ranh, đây là căn cứ riêng của Hải quân Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã cho xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy giao lưu, hợp tác vì hòa bình. Hoạt động của tàu quân sự, hải quân nước ngoài tại cảng quốc tế Cam Ranh hay các cảng khác ở nước ta phải tuân thủ nguyên tắc “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại nước khác”. Đến nay, Việt Nam đã đón tiếp nhiều tàu hải quân nước ngoài, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh, Canada, New Zealand, Nga, Trung Quốc... đến thăm, ghé đậu tại cảng quốc tế Cam Ranh vì mục đích thúc đẩy giao lưu hợp tác trên tinh thần hòa bình, phát triển chung.

          Kiên trì chính sách “bốn không” gắn với mở rộng hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh

          Liên minh quân sự và mở rộng đối ngoại quốc phòng, an ninh là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Việt Nam không tham gia liên minh quân sự không có nghĩa là chúng ta khép kín, không mở rộng hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối ngoại quốc phòng, an ninh. Trong tình hình mới, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; làm sâu sắc, hiệu quả hơn đối ngoại quốc phòng, an ninh; với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; kiên định về chiến lược, linh hoạt về sách lược; đan xen lợi ích và duy trì quan hệ cân bằng với các quốc gia, nhất là các nước lớn; không theo bên này để chống bên khác; không để đất nước rơi vào thế bị bao vây, cô lập, lệ thuộc vào nước ngoài; Việt Nam làm bạn, làm đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững đất nước.

          Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 viết: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”. Điều này cho phép Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động ứng phó trong những tình huống phức tạp hoặc khi có yêu cầu cấp thiết bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Việt Nam thiết lập, mở rộng ngoại giao với 189 trong tổng số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, quan hệ đối ngoại quốc phòng ngày càng phát triển với hơn 80 quốc gia trải rộng cả 5 châu lục, đặc biệt chúng ta có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là minh chứng rõ nét chứng minh đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh đúng đắn, hợp lý, linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, là kết quả của sự hội tụ sức mạnh “ý Đảng, lòng dân” trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Đồng thời, mở ra những thuận lợi, cơ hội để Việt Nam ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và con người, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

          Khuyến nghị được hiểu là đưa ra lời khuyên, lời đề nghị với thái độ trân trọng, chân thành, mang tinh thần xây dựng, vì lợi ích quốc gia dân tộc nhưng cái cách mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã làm hoàn toàn ngược lại. Họ mượn vỏ bọc “khuyến nghị”, lợi dụng “khuyến nghị”, làm méo mó, biến dạng “khuyến nghị”, xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh cũng như phủ nhận mọi nỗ lực và thành tựu trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước trong thời gian qua.

                                                                                                St

Không ngừng đưa quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới

 

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

          Chiều 31/10, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có buổi hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch CHND Trung Hoa Tập Cận Bình.

          Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc, bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau 5 năm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc 
Tập Cận Bình. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

        Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước và quan hệ Việt Nam- Trung Quốc; nhấn mạnh việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên Trung Quốc được đón tiếp sau Đại hội XX  của Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai đảng, hai nước.

         Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, thân tình và hữu nghị.

          Trong bầu không khí chân thành, thẳng thắn, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chúc mừng thành công của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình được Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tín nhiệm tiếp tục bầu làm Tổng Bí thư khóa XX, xác lập là "hạt nhân lãnh đạo" của Trung ương Đảng và trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc; đánh giá Đại hội XX là kỳ đại hội quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của Trung Quốc, mở ra hành trình mới xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc vào năm 2035, hướng tới thực hiện mục tiêu "100 năm thứ hai."

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

          Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các vị tiền bối cách mạng hai nước dày công xây dựng và vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

          Việt Nam cảm ơn sâu sắc về những giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

          Về chính sách đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương quan hệ; kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

          Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chúc mừng thành tựu mà Việt Nam đã giành được trong thời gian qua, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; đánh giá cao việc đại hội đã đề ra những mục tiêu phát triển, đường lối trong các lĩnh vực cho các giai đoạn đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2045 - dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

          Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, sẽ sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giếng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, không ngừng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

          Hai Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng về xu thế phát triển lành mạnh và đánh giá cao những tiến triển tích cực của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua. Trong điều kiện khó khăn của đại dịch COVID-19, hai bên vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao.

          Từ đầu năm 2020 đến nay, hai đồng chí Tổng Bí thư đã 4 lần điện đàm và nhiều lần trao đổi thư, điện nhân các sự kiện chính trị quan trọng của mỗi bên. Hợp tác giữa các ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại), Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp), quốc phòng, công an được thúc đẩy hiệu quả, thực chất.

          Các địa phương của hai nước, nhất là các địa phương ở khu vực biên giới, đã nỗ lực duy trì hợp tác thiết thực, tăng cường quan hệ hữu nghị. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thương mại Việt-Trung chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN, đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Vướng mắc trong một số dự án hợp tác giữa hai nước được tháo gỡ, trong đó Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã chính thức đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả. Hợp tác phòng, chống COVID-19 đạt hiệu quả thiết thực.

          Hai bên nhất trí cho rằng trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai nước và nhân dân hai nước.

          Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững trong thời gian tới.

          Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung.

          Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng, đi sâu hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác giữa hai Đảng và Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, cũng như kinh nghiệm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

          Hai Tổng Bí thư đồng ý sẽ phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai nước, nhất là gặp gỡ cấp cao, Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, nhằm xác định phương hướng và trọng tâm hợp tác phù hợp với nhu cầu và lợi ích của hai bên, góp phần thực hiện hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

          Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trao đổi giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc; làm sâu sắc thêm hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật hai nước, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương.

          Trong cuộc hội đàm, hai đồng chí Tổng Bí thư cũng đi sâu trao đổi về các lĩnh vực hợp tác thực chất, nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương; nhấn mạnh Việt Nam-Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau.

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

          Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên; nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế. Phía Trung Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng chính phủ, đào tạo không dưới 1.000 giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam.

          Hai Tổng Bí thư đã đi sâu trao đổi nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai Tổng Bí thư nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nền tảng xã hội và là nguồn sức mạnh cho quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, bền vững lâu dài.

          Hai Tổng Bí thư đề nghị mỗi bên tiếp tục tạo điều kiện đi lại cho người dân hai nước, sớm khôi phục các chuyến bay thương mại, hợp tác du lịch, giao thương; tiếp tục tạo điều kiện để các địa phương, nhất là các địa phương biên giới hai nước, tăng cường giao lưu, hợp tác, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với một số địa phương giàu tiềm năng của Trung Quốc.

          Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên nhất trí tăng cường quản lý hiệu quả đường biên giới theo các văn kiện, thỏa thuận ký kết giữa hai bên, thúc đẩy sớm vận hành thí điểm hợp tác du lịch tại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).

          Về vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư cùng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai Đảng, hai nước.

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

          Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam trong thời gian gần nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Trung Quốc Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.


                                                                                      Theo Vietnamplus