Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao

Là quốc gia ven biển với đường bờ biển dài trên 3.260 km, nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố có biển và khoảng một nửa dân số sống ở các tỉnh, thành phố ven biển. Vì thế, biển Đông đã trở thành nhân tố trọng yếu đối với phát triển kinh tế biển nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết tiếp tục khẳng định: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế biển phải bảo đảm tính bền vững, đồng thời gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc? Để thực hiện "mục tiêu kép" đó, cần phải tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường khả năng bám biển của ngư dân gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Những năm qua, nhà nước đã ban hành một số chính sách "đặc thù" nhằm thu hút và khuyến khích người dân ra đảo lập nghiệp, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Đồng thời, không ngừng động viên ngư dân bám biển ở những ngư trường truyền thống như vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vì sự hiện diện của họ chính là những "cột mốc sống", khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Cùng với khuyến khích, động viên ngư dân thì việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, cung cấp các điều kiện thiết yếu để duy trì khả năng bám biển cho ngư dân cũng là yêu cầu quan trọng. Trong đó, việc thực hiện phủ sóng mạng thông tin di động mặt đất, mạng thông tin vệ tinh và đài phát thanh cho các vùng biển và các đảo trọng yếu là nội dung không thể thiếu, góp phần tạo tâm lý yên tâm, vững vàng công tác, vững vàng bám biển cho các lực lượng sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên đưa công tác huy động nhân lực tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, biển đảo vào các nội dung diễn tập của cơ quan, đơn vị; qua đó giúp ngư dân đối phó có hiệu quả với các tình huống va chạm trên biển, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho ngư dân - chủ thể gắn liền với sự phát triển kinh tế biển

Nhận thức của ngư dân về chủ quyền biển, đảo đóng vai trò quan trọng, then chốt, là yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; phổ biến, quán triệt Luật Biển Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các công ước quốc tế liên quan đến biển, đảo mà Việt Nam là thành viên và pháp luật về biển của các nước trong khu vực thông qua các chương trình thiết thực được tổ chức trên toàn quốc, như chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động.

Thứ ba, xây dựng Cảnh sát biển - lực lượng thực thi pháp luật trên biển - ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Thực thi pháp luật trên biển có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, để bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế trên các vùng biển của Việt Nam, việc xây dựng lực lượng Cảnh sát biển ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là yêu cầu tất yếu khách quan và cần tập trung vào các nội dung sau: Nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển; đầu tư vũ khí, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng Cảnh sát biển; tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của Cảnh sát biển.

Thêm vào đó, cần tăng cường năng lực, phẩm chất, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ trên biển. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; luôn đề cao lòng yêu nước, khôn khéo, linh hoạt trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vững vàng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giữ vững quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước./. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét