Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH “PHƯƠNG THUỐC” HỮU HIỆU TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH NỘI SINH CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG

 Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, kể từ khi có Đảng, không thể phủ nhận một chân lý “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”[1].

Bên cạnh phần đông cán bộ, đảng viên luôn phấn đấu vì sự tiến bộ, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, thì vẫn còn một số không ít thiếu ý chí, thiếu tu dưỡng, lơ đãng, đánh rơi nhân phẩm, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, của tổ chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[2]. Để nhận ra những hạn chế và sai lầm của mình, không còn cách nào khác phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Thực hiện tự phê bình và phê bình là phải thường xuyên, liên tục, không xao nhãng, cũng như việc rèn luyện đạo đức, phải thực hiện hàng ngày. Bởi một người có được chút ít thành tích, dễ sinh ra kiêu căng, nếu thiếu sự khiêm tốn; một người chẳng may mắc phải khuyết điểm trong công việc, dễ sinh ra sợ sệt, chán nản, nếu không có ý chí phấn đấu. Để khắc phục tình trạng đó, người cán bộ, đảng viên phải ghi khắc một điều “Chớ thấy thành tích mà kiêu. Chớ thấy khuyết điểm mà nản. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê bình để mãi tiến bộ”[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[4]. Mỗi cá nhân, tổ chức phải tự rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên phải là những người đi tiên phong, làm gương, nếu không thì “Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”[5].

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn giữ vững bản lĩnh của một Đảng cầm quyền, luôn vượt qua mọi thử thánh, khó khăn, là bởi Đảng luôn nhận ra rằng “Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ”.[6]

Trước những thách thức mới của thời đại, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ chức vụ cao, giữ vị trí trọng yếu của bộ máy đảng và nhà nước trong thời gian gần đây là do xa rời nguyên tắc tự phê bình và phê bình hoặc thực hiện không đúng theo nội dung nguyên tắc đó. Cũng với quan điểm đó, Nghị quyết Trung ương tư khóa XIII của Đảng nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế”.

          Để khắc phục những hạn chế trên, tốt hơn hết phải thực hiện có hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình. Đây là phương thuốc hữu hiệu, là yếu tố sống còn của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông.”[7]

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần:

1. Xác định đối tượng để có phương pháp phê bình phù hợp

Một, đối với những người có chí tiến thủ, hăng hái trong công việc, trong quá trình làm việc, vì lợi ích, nhiệm vụ chung mà sơ xuất mắc lỗi lầm, nhưng có chí hướng phấn đấu, sửa chữa, thật thà nhìn nhận khuyết điểm, thì trên tinh thần “tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”, chúng ta thẳng thắn phê bình, góp ý, xây dựng, rút kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra phương án tối ưu định hướng cho họ tiến bộ.

Hai, đối với những người chưa nắm vững công việc, chuyên môn không sâu, vì muốn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến sai sót trong quá trình làm việc, chúng ta chỉ dẫn, định hướng cho họ sửa chữa, tạo điều kiện cho họ có cơ hội học hỏi, có hướng sửa đổi, nghiên cứu thêm để tiến bộ.

Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà bao che, làm chiếu lệ, mà chúng ta phải thực hiện “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”[8]. Theo đó “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”[9]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa”.[10] Như vậy, một người chân chính là người dám mạnh dạn tự phê bình, dám thừa nhận những hạn chế và kiên quyết sửa đổi.

Ba, đối với những người có chút ít kiến thức, nhưng không thạo chuyên môn, khi được phân công một lĩnh vực nào đó, không chịu học hỏi, trong công việc làm đại khái, chiếu lệ, thiếu khoa học, kém hiệu quả, thậm chí dẫn đến sai phạm; sai phạm thì thiếu thành khẩn, tìm cách lẫn trách, khi được nhắc nhở thì bảo thủ, chậm sửa chữa, “cãi bừa”. Những trường hợp này, trước hết tổ chức nơi đó phải mạnh dạn làm cho người sai phạm thấy được hạn chế của họ, phải thật sự tự giác, thật thà nhận khuyết điểm và “tự mình phê phán để tự cải tạo một cách nhanh chóng, nghiêm túc, thật thà, sâu sắc và triệt để”[11]. Bởi: “Kỷ luật của Đảng là tự nguyện tự giác; đã tự nguyện tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm, tất cả đảng viên già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bớt lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ”[12].

Bốn, đối với những người khi được giao cho nhiệm vụ nào đó, trong khi năng lực kém, nhận thức hạn chế, nhưng tự cho rằng ta đây am hiểu, rồi tỏ vẻ kiêu căng, bất hợp tác, tách rời mình khỏi tổ chức, thờ ơ trong công việc chung, làm việc bất tuân, trong công việc thì vun vén lợi ích cá nhân, bất chấp ý kiến của tập thể, khi nhắc nhở, góp ý thì cố tình chống đối, tự cho rằng mình nắm vững mọi điều, không đóng góp vào việc chung của tập thể, khi yêu cầu có ý kiến thì không, chờ đợi có điều kiện, mượn diễn đàn công kích, khoét sâu vào những điểm mà bản thân cho rằng đó là hạn chế của người khác, nhưng thật ra đó lại là điều mình chưa hiểu tới… Đó là căn bệnh hẹp hòi. “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết.

Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân.

Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá, v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!

Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể”[13].

Những căn bệnh này cần phải trị cho tận gốc, cho “tiệt nọc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bệnh này nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”[14]. “Rồi sinh ra thói "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", "trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm", sinh ra thói "thậm thà thậm thụt" và những thói xấu khác”[15]. Nếu để những căn bệnh này tồn tại thì rất nguy hiểm. Nó có thể lôi kéo, lây lan, gây cản trở và làm hại cho tổ chức, tập thể, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. “Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng”[16].

Hội nghị Trung ương tư khóa XIII của Đảng xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh “là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Đảng xác định như vậy, bởi lẽ, thực tế nhiều nơi, ngay trong tổ chức xuất hiện căn bệnh so bì, tỵ nạnh, nảy sinh óc kèn cựa, cho mình là hơn cả mọi người, không chịu thua ai; trong công việc sợ người khác hơn mình, phát hiện người trẻ tuổi nhưng lại hơn mình thì tìm cách “dìm” chân họ lại. “Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”[17].

Năm, lại có hiện tượng dĩ hòa vi quý, trong công việc thì hề hà, thiếu quyết đoán, làm sợ sai, rồi dùng quyền ra oai, lôi bè kéo cánh, lập “cánh hẩu”, mượn danh tập thể. Đó là “óc bè phái”; “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”[18]. Thực trạng này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ từ rất sớm. Một bộ phận “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng”[19].

Những căn bệnh này hết sức nguy hiểm. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”[20].

2. Mạnh dạn và cương quyết tự phê bình và phê bình

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.[21]

Thực tế vẫn còn tình trạng trong tự phê bình thì không dám nói thật, thiếu thành khẩn, lấp liếm khuyết điểm, khi được người khác phê bình thì sinh ra ấm ức, ghi chép, lưu giữ để tìm cơ hội trả đũa. Trong công việc khi được đề cập đến việc làm thì không giải thích được, ậm ừ cho qua. Ngoài miệng thì vận dụng chủ trương, khi làm thì phê bình và tẩy chay người ngay thẳng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: “tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”[22]. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”[23]. “Vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín”[24]. Do đó, công tác tự phê bình và phê bình phải được thực hiện một cách có hệ thống từ trên xuống. “Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình. Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch”[25].

Để phát huy và tăng cường sức mạnh của Đảng, từng cá nhân phải nêu cao tính tự giác, tiên phong, tự nhận diện ra hạn chế, khuyết điểm, thành khẩn thừa nhận và mạnh dạn, nghiêm túc tự phê bình trước tập thể. Trên cơ sở đó, tập thể đóng góp, phê bình để ngày càng tiến bộ. Chúng ta phải mạnh dạn đấu tranh loại bỏ những thói hư, tật xấu, trước hết là ở trong mỗi con người chúng ta, bởi trong “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[26]. Mỗi cá nhân phải thật sự mạnh dạn, chủ động, gương mẫu tự phê bình và phê bình, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết Trung ương tư khóa XIII của Đảng “Không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà phải chủ động tiến công, đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[27], xây dựng và củng cố đạo đức của người cách mạng.

Đạo đức của người cách mạng là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, tận hiếu với nhân dân. “Trung thành với Đảng với nhân dân thì không giấu giếm khuyết điểm của mình mà cũng không nỡ để người khác giấu giếm khuyết điểm, vì khuyết điểm có hại đến lợi ích của cách mạng cho nên phải mở rộng tự phê bình và phê bình, để sửa chữa sai lầm, cùng nhau tiến bộ”[28].

Trên cơ sở sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên sẽ làm cơ sở, căn cứ để mọi người dân “bắt chước” noi theo, “quyết tâm có gì “trong ba lô trút ra hết để làm theo”[29]. Theo đó, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình” theo Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

 

Ý NGHĨA CỦA VIỆC GẮN XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỚI XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

 Trong tiến trình cách mạng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau từ đó có sự nhận thức và quan điểm chỉ đạo khác nhau về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Chúng ta đều biết, qua 92 năm lãnh đạo, cầm quyền sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng bản lĩnh, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự gương mẫu, hy sinh, phấn đấu không mệt mõi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt; bằng thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ.

Nhiệm vụ xây dựng Đảng được Đảng ta đề cập xuyên suốt và có những bổ sung mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại hội X (2006), Đảng ta tập trung thực hiện “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[1], Đại hội XI (2011) thì “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[2], Đại hội XII (2016) nhấn mạnh “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”[3]Đại hội XIII (2021), Đảng ta đã bổ sung những nhận thức mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”[4]. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo đó là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh[5].

Điểm mới ở đây là đã bổ sung “xây dựng hệ thống chính trị” cùng với “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Sự bổ sung này là phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hiện nay. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Đảng đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thông chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước bởi những nội dung sau:

- Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị là khẳng định tính đồng bộ, chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau giữ xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.

Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện, tiền đề xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Điều này, đã được kiểm chứng qua thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.

Chúng ta biết rằng, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau; là hai vấn đề trong một chỉnh thể thống nhất. Bởi vì, từ khi giành được chính quyền, Đảng vừa là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chi phối mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị chính là thước đo năng lực lãnh đạo, uy tín và cầm quyền của Đảng.

Việc mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị khẳng định một điều rất quan trọng: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng; phạm vi thực hiện không chỉ đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mà còn cả các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Thứ hai, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được phản ánh địa vị của Đảng trong đời sống chính trị, xã hội; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước mạnh, liêm chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình thì mới đưa được những đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.

Thực tiễn qua 92 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo của Đảng thể hiện qua hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những vấn đề này được Đảng ta coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ. Vì vậy, Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định quan điểm chỉ đạo: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Thứ ba, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trên thực tế cho thấy, sự suy thoái suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ diễn ra trong tổ chức đảng, mà còn diễn ra trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, để ngăn chặn, đầy lùi những suy thoái trên không chỉ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà phải tăng cường xây dựng Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, nhằm tạo sự đồng bộ, chặt chẽ.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta đứng trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhau; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyền hóa” ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi, phải coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn liền với xây dựng Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và đối với lợi ích của nhân dân.

- Thứ tư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa thực hiện tốt hơn nữa mối quan hệ mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Mục đích xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhằm hướng đến phục vụ lợi ích thiết thân của nhân dân; bảo đảm thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là hướng đến mục tiêu Đảng vững mạnh, Nhà nước mạnh, liêm chính, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Tất cả mục tiêu này đều hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa quan trọng giúp cho Đảng tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, qua đó khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước và tham gia xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tóm lại, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH GÓP PHẦN NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, BIỂU HIỆN “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

 Năm 1969, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong tác phẩm này, Bác đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[1]. Quán triệt lời dạy của Bác, Đảng Cộng sản Việt Nam qua 92 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Có được những thành tựu này là do Đảng ta thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác tự phê bình và phê bình, đây cũng là vũ khí sắc bén, là phương thức quan trọng trong lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta.

      Tự phê bình và phê bình vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động tự phê bình và phê bình là làm rõ ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng, cấp ủy và cán bộ, đảng viên, qua đó tìm biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo trong từng giai đoạn cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là thứ “vũ khí thần diệu” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bài báo Tự phê bình, phê bình, sửa chữa (1956), Người chỉ rõ: “Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ”[2]. Hồ Chí Minh nói: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[3].

      Tiếp tục kế thừa các quan điểm của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay, Đảng ta đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình. Đây là việc làm cấp bách, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

      Có thể nhận thấy, chưa bao giờ vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên lại nóng bỏng như hiện nay. Kể từ khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời đến nay, Đảng ta đã phát hiện và thi hành kỷ luật rất nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ, đảng viên cấp cao, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

      Trong bối cảnh hiện nay, nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên phần lớn là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp chưa thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình; nhận thức về việc tự phê bình, kiểm điểm còn mang nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, tự phê bình và phê bình chưa thật sự tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Mặt khác, việc thực hiện các nội dung, quy trình tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng chưa thật sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Một số cấp ủy, trước hết là đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa nhìn nhận đúng khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Có tình trạng, tổ chức đảng, người có nhiều ưu điểm chưa được động viên khen thưởng thỏa đáng; trái lại, người có khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được khen thưởng, đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý thậm chí được bổ nhiệm, luân chuyển hay giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn; mượn tự phê bình và phê bình để... lấy lòng nhau: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”[4]. Do đó, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình đang trở thành yêu cầu cấp thiết để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch và xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng.

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ những phương hướng và giải pháp sau đây:

      Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình. Mỗi người cần phải có thái độ, phương pháp đúng, phê bình dựa trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, tự phê bình mình cũng như phê bình người khác một cách “triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”[5]. Kiên quyết chống bệnh tự mãn, kiêu ngạo, ba hoa, phải thực hành khẩu hiệu “chí công vô tư”. Người được phê bình phải cầu thị, nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí mình, phải có ý chí quyết tâm khắc phục sai lầm, khuyết điểm, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét. Hết sức tránh thái độ “giấu bệnh sợ thuốc”, bị phê bình thì im lặng, không tìm cách sửa đổi. Hồ Chí Minh gọi đó là “thái độ không thật thà, không đúng đắn”, thái độ đó sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng, bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

      Hai là, duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc của Đảng, việc thực hiện nó gắn liền với kỷ luật, kỷ cương của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nghiêm túc ở từng đảng viên. Khi tiến hành phê bình và tự phê bình phải đảm bảo đúng nguyên tắc, song cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo. Nếu chỉ dùng phương pháp cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc thì rất khó tiếp thu. Phê bình không đúng lúc, đúng chỗ, không khôn khéo sẽ có tác dụng ngược lại thậm chí gây ra hậu quả khó lường bởi vì lời chê như một mồi lửa, lòng tự ái, kiêu căng của con người giống như một kho thuốc súng. Tuân Tử đã từng nói: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve,  nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.

Tự phê bình và phê bình là để học cái hay, cái tốt, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau, tìm ra điểm yếu của nhau để chê bai. Phê bình và tự phê bình là làm cho tính dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn.

      Ba là, tăng cường đẩy mạnh học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng thực hiện tự phê bình và phê bình. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị tư tưởng cho cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cùng với đó tiếp tục thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ...”[6].

Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực hiện công tác tự phê bình và phê bình.

      Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu (bí thư chi bộ). Mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương mẫu mực về thực hiện tự phê bình và phê bình, coi tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên như “ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”[7], nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

      Tính tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên còn thể hiện, đối với mình phải thật thà tự phê bình mình trước, công khai thừa nhận, đối với đồng chí phải kiên quyết đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm để cùng nhau sửa chữa, cùng nhau tiến bộ; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên, ai cũng phải thực hiện tự phê bình và phê bình.

      Tự phê bình và phê bình là một quy định, nội dung quan trọng trong sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng nói chung và chi bộ nói riêng. Bí thư, phó bí thư chi bộ nhất thiết phải duy trì có hiệu quả hoạt động này, phải khéo léo gợi mở vấn đề, khuyến khích các đảng viên mạnh dạn thảo luận, trình bày ý kiến của bản thân, phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Các ý kiến phải được tôn trọng, tổng hợp, xem xét trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh, dân chủ phải đặt trong tổ chức, có kỷ luật, kỷ cương. Tuyệt đối không được lợi dụng dân chủ trong sinh hoạt để đả kích, nói xấu nhau, hoặc dân chủ hình thức, mang tính chất xuôi chiều.

     Tóm lại, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa quan trọng và trực tiếp góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao uy tín và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; là cơ sở để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng đã đề ra. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc này để mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Giải pháp nâng cao hoạt động ngăn chăn, đẩy lùi những suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên


          Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống vừa  là vấn đề cơ bản, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài; vừa là vấn đề cấp bách, phải tiến hành bằng những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, không chủ quan với những kết quả bước đầu. Khi sự suy thoái đạo đức, lối sống đã trở nên “nghiêm trọng và kéo dài”, khi nó đã len lõi vào cả cán bộ cấp chiến lược làm xói mòn niềm tin của nhân dân thì ngăn chặn và đẩy lùi nó phải được tiến hành bằng nhiều giải pháp, cụ thể như sau:

Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của đảng, trình độ lý luận chính trị và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Đây là giải pháp cơ bản, giữ vai trò nền tảng trong nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức Đảng. Vì “tư tưởng không thông vác bi đông cũng thấy nặng”. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức đúng và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của đường lối đổi mới. Đồng thời chủ động kịp thời có dự báo về tình hình tư tưởng, phê phán các quan điểm sai trái, bất mãn, phản động kịp thời, thường xuyên bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với nhận thức của từng đối tượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong[8]. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tăng cường tính chiến đấu; đồng thời, phải thường xuyên rèn luyện hàng ngày. Khi thấy những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu nảy sinh ở cơ quan, đơn vị mình, phải thể hiện rõ thái độ bất bình, dũng cảm đấu tranh. Mọi sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc nể nang, né tránh không dám đấu tranh cũng đồng nghĩa với việc dung túng, bao che cho tiêu cực, lạc hậu, để chúng có điều kiện nảy sinh, tồn tại và phát triển. Đối với tổ chức đảng các cấp, một mặt phải tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về chính trị, năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, lối sống; mặt khác, phải khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch, nhận xét, bổ nhiệm, đề bạt đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị; phương pháp học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng, kết hợp chặt chẽ hình thức phổ biến, quán triệt làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn; gợi mở những vấn đề thực tế đang đặt ra với các hình thức tọa đàm, trao đổi, phát huy tìm tòi, sáng tạo của mỗi cá nhân; đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học để làm rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng. Coi trọng phương pháp nêu gương, cấp trên nêu gương trước cấp dưới, noi gương học tập các điển hình tiên tiến, thực hiện tốt chế độ thông tin tình hình, định hướng tư tưởng.

2.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát là nhằm góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn và hạn chế cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trong thời gian tới, toàn Đảng cần tăng cường những giải pháp cụ thể hơn, đó là: Cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp phải quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII),  Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng về những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Từ đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao. Người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở mỗi cấp và cấp trên phải thực sự gương mẫu thực hiện để làm gương cho cấp dưới. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát với tinh thần kiên quyết, kiên trì, thực sự dân chủ. Khi nhận xét, đánh giá, kết luận, xem xét xử lý tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm phải thận trọng, khách quan, công minh, chính xác, thấu tình đạt lý. Công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên sửa chữa, khắc phục hạn chế, yếu kém, vi phạm (nếu có), bảo đảm công tâm, nghiêm minh, chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả. Kiểm tra, xem xét việc giải quyết những vụ việc có thông tin hoặc đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm; bảo đảm xét xử kịp thời, nghiêm minh, trước hết là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay đạt hiệu quả, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cần nhìn thẳng vào sự thật để xử lý nghiêm minh, triệt để những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là giải pháp có ý nghĩa răn đe, giáo dục chung cho mọi cán bộ, đảng viên đối với những vi phạm khi vướng vào các tiêu cực suy thoái đạo đức, lối sống. Theo đó, mọi vi phạm của cán bộ, đảng viên phải được kiểm tra, xác minh, kết luận, xử lý nghiêm minh và công khai, kịp thời, chính xác, đúng tính chất, mức độ vi phạm theo kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Điều này khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ[9]. Kết quả xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên phải được thông báo công khai, rộng rãi trong cơ quan, đơn vị mới có tác dụng răn đe đối với những cán bộ, đảng viên khác.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với hệ thống các giải pháp, hành động quyết liệt, không khoan nhượng để loại bỏ sự suy thoái và biến chất của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Tất cả hệ thống chính trị đều có vai trò, trách nhiệm trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thành công trong cuộc đấu tranh này góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức chiến đấu của đảng viên, tổ chức đảng và năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch và vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Phòng chống, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện là vấn đề cấp bách, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, sức chiến đấu của Đảng. Khắc phục sự suy thoái sẽ đạt kết quả cao khi thực hiện đồng thời các giải pháp ngăn ngừa và phòng chống suy thoái đạo đức lối sống./.