Cô đã dày công đi tìm dòng mật từ hoa cây dừa và bắt tay vào nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa. Tới nay, sau hơn 3 năm ra đời, các sản phẩm từ mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) không chỉ giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm mà quan trọng hơn cả là gia tăng giá trị kinh tế lên tới 3-5 lần, góp phần đưa sản vật địa phương vươn xa.

Từ quả dừa bấp bênh...

Năm 2018, cùng với sự đồng hành của người chồng, “vốn liếng” Thạch Thị Chal Thi mang về quê để khởi nghiệp đó chính là tấm bằng thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm cùng với một chút kinh nghiệm tích góp được trong quá trình làm việc tại TP Hồ Chí Minh.Trong giới khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, cái tên Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã không còn xa lạ. Năm 2020, dự án “Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa Sokfarm” đã xuất sắc vượt qua 346 dự án tham gia cuộc thi từ 56 tỉnh, thành phố trên cả nước giành giải Quán quân Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức. Nhưng tôi chú ý tới nhân vật này nhiều hơn khi Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards năm 2021 ở hạng mục Inclusive Business-doanh nghiệp phát triển bao trùm. Đáng chú ý, Thạch Thị Chal Thi, cô gái Khmer là một trong 6 cá nhân được vinh danh tại Chương trình vinh quang Việt Nam tháng 9-2022 vừa qua.

Biết Thạch Thị Chal Thi có chuyến công tác tại Hà Nội, tôi hẹn gặp cô sau giờ làm việc. Câu chuyện của chúng tôi được mở đầu với niềm vui của Sokfarm, khi Sokfarm vừa cho ra mắt sản phẩm thứ 7 được chế biến từ mật hoa dừa, đó là nước tương mật hoa dừa. Sản phẩm này mới xuất hiện trên thị trường nhưng được người tiêu dùng đón nhận khi được định vị là dòng gia vị từ thiên nhiên, ít muối hơn 65% so với nước tương từ đậu nành.

Nói về ý tưởng khởi nghiệp của mình, Chal Thi không giấu được sự xúc động khi nhớ về những ngày tháng khổ cực của gia đình cũng như nhiều bà con quê mình. Người dân quê cô quanh năm chỉ sống dựa vào mấy công dừa, ruộng lúa nhưng giá dừa thì bấp bênh, có lúc còn bỏ mọc mầm vì chẳng có thương lái tới mua. Ngày khăn gói rời quê lên TP Hồ Chí Minh học, nhất là mỗi lần nghe cha gọi điện rầu rĩ kể chuyện quả dừa rớt giá đã thôi thúc cô phải làm gì đó cho cây dừa. Đỉnh điểm vào năm 2018, khi dừa khô tại Trà Vinh rớt giá thê thảm (1.200 quả dừa thu được khoảng 2 triệu đồng) nhưng 2ha dừa của gia đình cũng không tiêu thụ được. “Trà Vinh vốn là vùng có nguồn nguyên liệu dừa đứng thứ hai cả nước, nhưng chứng kiến lượng dừa bỏ đi rất nhiều, giá lại quá rẻ so với công sức của người nông dân, tôi xót xa cho bố mẹ và những người nông dân miền Tây”, Chal Thi tâm sự.

Nối lại dòng mật hoa dừa

Thạch Thị Chal Thi (ngồi giữa) người mang tới giá trị gia tăng cao cho cây dừa. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Khát khao đổi thay cho quê nghèo, với kiến thức của một thạc sĩ công nghệ thực phẩm, cùng với sự ủng hộ của chồng, tháng 10-2018, Chal Thi cùng chồng là thạc sĩ Phạm Đình Ngãi (quê ở Đồng Tháp) quyết định bỏ lại công việc thu nhập ổn định ở TP Hồ Chí Minh để trở về Trà Vinh. “Phải làm điều gì đó tăng giá trị cho cây dừa. Tôi muốn nông dân quê mình giàu hơn”, là nỗi niềm được Chal Thi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với tôi.

Dòng mật ngọt giá trị cao, thích ứng biến đổi khí hậu

Tôi hỏi Chal Thi: Quyết tâm là vậy, nhưng làm thế nào để gia tăng giá trị cho cây dừa là câu hỏi khó chưa có lời giải? Thạch Thị Chal Thi mỉm cười và nói: Đó là một hành trình dài của thất bại-làm lại-thất bại-làm lại và cuối cùng ông trời không phụ lòng người. Qua tìm hiểu, Chal Thi biết nghề thu mật từ hoa dừa là nghề truyền thống của đồng bào Khmer nhưng đã bị thất truyền từ lâu. Ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines... ngoài thu hoạch dừa lấy trái, người ta còn tạo ra các sản phẩm giá trị khác như mật hoa dừa. Đáng nói, năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng đã công nhận đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới, dựa trên 3 yếu tố là: Cải thiện kế sinh nhai, phù hợp với biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dùng. Từ một diện tích giống nhau, cây dừa có thể cho lượng đường cao hơn 50-70% so với cây mía.

Cơ sở để lấy mật từ hoa dừa là có, thế nhưng tìm đủ mọi cách cây dừa vẫn không chịu tiết mật. Lúc đó, nhiều người ở quê còn xì xào Chal Thi “bị điên” hay cố ý phá hoại mùa màng. Thế rồi, mất gần nửa năm, thử mọi cách, dòng mật ngọt từ hoa dừa đã chảy trong niềm vui sướng vỡ òa của vợ chồng Chal Thi. Theo Chal Thi, muốn cây dừa tiết mật cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Đầu tiên phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm kết hợp tăng cường phân bón hữu cơ. Đặc biệt để dừa tiết nhiều mật, người thợ phải dùng tay massage làm nóng hoa dừa, dùng chày gõ nhẹ lên hoa thông tuyến mạch. Đáng chú ý, thợ lành nghề mới biết tác động lực mạnh nhẹ ra sao, bởi làm mạnh quá hoa dừa bị giập mà nhẹ quá thì dừa không tiết mật được. Ngoài ra, độ tuổi của hoa dừa cũng quyết định chất lượng mật, bởi hoa non quá thì nước đục, còn để hoa già quá thì dừa ra ít nước. Một cây dừa có thể thu mật hoa liên tục trong 9 tháng, sau đó nghỉ ngơi 3 tháng để phục hồi.

Có trong tay những lít mật dừa đầu tiên, bài toán khác lại tới, đó là làm sao cô đặc lại thành mật hoa dừa. Đây lại là chặng đường gian nan khác với vợ chồng Chal Thi. Sau nhiều tháng miệt mài với hàng trăm đợt nấu thử thất bại vì nước dừa không hài hòa độ ngọt và độ chua, độ cô đặc... đến tháng 9-2019, sản phẩm mật hoa dừa của Chal Thi chính thức trình làng thị trường. Những chai mật hoa dừa đầu tiên được gửi bạn bè, đồng nghiệp dùng thử và nhận được những tín hiệu tốt. Những người bạn góp phần giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. “Mật hoa dừa phù hợp với nhu cầu ăn kiêng vì lượng đường thấp nhưng giàu khoáng chất. Cây dừa là thế mạnh của Việt Nam, nếu tận dụng được, cơ hội để phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa là rất lớn”, Chal Thi nói.

Chal Thi cho hay, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) được thành lập vào tháng 6-2019. Tính tới thời điểm này, đây là doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường Việt Nam sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa, hoàn toàn tự nhiên và giữ bản sắc địa phương. Tiếp những tháng ngày sau đó, nhiều tin vui đã tới với Sokfarm. UBND tỉnh Trà Vinh chứng nhận sản phẩm mật hoa dừa, nước uống mật hoa dừa đạt tiêu chuẩn OCOP. Năm 2021, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận các sản phẩm của Sokfarm là ngành hàng thực phẩm Việt Nam chất lượng cao-chuẩn hội nhập. Mật hoa dừa cũng là một trong 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của tỉnh Trà Vinh được Bộ Công Thương công bố... Để tiêu thụ được sản phẩm, Chal Thi tận dụng mọi cơ hội. Đó là, đem hàng đi quảng bá, giới thiệu ở các hội chợ trong và ngoài nước, tham gia các cuộc thi khởi nghiệm sáng tạo, tham gia bán hàng trên các nền tảng xã hội... Đến nay, Sokfarm đã có hệ thống phân phối hơn 30 tỉnh, thành phố qua hơn 400 đại lý và có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba và đại lý tại Nhật Bản, Hà Lan... Hiện tại, doanh nghiệp này đang có 7 sản phẩm trên thị trường gồm mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, hạt cacao mật hoa dừa, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa, nước tương từ mật dừa. Mỗi tháng Sokfarm cho ra thị trường 20.000 sản phẩm thành phẩm, doanh thu mang về hơn 3 tỷ đồng mỗi tháng; doanh thu Công ty tăng trưởng khoảng 200% mỗi năm. “Để đưa sản phẩm mật dừa tới tay người tiêu dùng, có chỗ đứng trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước và xuất khẩu, Công ty đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh trong việc xây dựng thương hiệu, nguồn vốn, thúc đẩy thương mại. Kinh nghiệm cho thấy, thương mại hóa sản phẩm nếu bắt nguồn từ văn hóa địa phương, kết hợp với lợi thế vùng, miền và công nghệ để khẳng định chất lượng, sản phẩm sẽ được lan tỏa xa hơn”, Chal Thi chia sẻ.

Theo tính toán của Chal Thi, trồng dừa lấy mật sẽ giúp người nông dân tăng gấp 3-5 lần so với lấy quả. Bởi, một bông hoa dừa sẽ khai thác mật liên tục trong 25 ngày, tương đương 20-25 lít mật/hoa/tháng. Với mức giá mật dừa đang được thu mua 10.000 đồng/lít, một bông hoa dừa sẽ mang lại 200.000-250.000 đồng/tháng. Trong khi đó, một cây sẽ ra trung bình 13 hoa mỗi năm. Bên cạnh đó, trồng dừa lấy mật còn thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi, nếu độ mặn quá cao, cây sẽ bị rụng quả, nhưng hoa lại không hề bị ảnh hưởng.

Ước mơ về chuỗi giá trị nông nghiệp hạnh phúc

Chal Thi cho biết, hiện tại ngoài 35 công nhân làm việc ở xưởng sản xuất (80% là người dân tộc Khmer),với mong muốn góp phần tạo việc làm, tạo thêm nguồn thu cho người nông dân, Sokfarm đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật lấy mật hoa dừa đến nông dân và mua mật từ bà con. Hiện nay, Công ty có hơn 70 hộ nông dân tham gia trong mô hình liên kết, với 20ha dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA (Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ), mức thu nhập trung bình của nông dân là 15-25 triệu đồng/tháng.

Tôi có hỏi, điều thành công nhất với Chal Thi đến thời điểm này là gì? Chal Thi chia sẻ, có được thành công như hôm nay là do ngay từ đầu Sokfarm đã xác định được giá trị cốt lõi và định hướng chuẩn hóa từ khâu quy trình sản xuất, bộ nhận dạng và văn hóa doanh nghiệp được đồng bộ. Giá trị của doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh cũng đã được đưa vào tên của thương hiệu rất rõ ràng. Sok là một từ trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc và Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc. “Sokfarm muốn tạo ra một chuỗi giá trị nông nghiệp hạnh phúc. Mật hoa dừa Sokfarm là sản phẩm sẽ mang đến niềm tự hào và hạnh phúc cho các nông hộ, nhà sản xuất, nhà bán hàng và những người luôn yêu thương Sokfarm”, Chal Thi chia sẻ.

Đánh giá thị trường cho các sản phẩm từ mật dừa rất lớn, Sokfarm đang lên kế hoạch mở rộng quy mô xưởng, mở rộng diện tích liên kết với nông dân và triển khai trồng giống dừa chuyên lấy mật hoa, mỗi cây có thể cho từ 25-30 lít mật hoa trong 25 ngày khai thác. Đưa ra mục tiêu cho Sokfarm, Chal Thi mong muốn mỗi năm đưa ra thêm 1-2 sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa; vào năm 2030 sẽ liên kết được ít nhất 1.000 hộ nông dân; tạo được việc làm cho hơn 300 người dân nhờ vào nhà máy sản xuất mật hoa dừa tại Trà Vinh. Tương lai, mật hoa dừa không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thực phẩm, cô gái Khmer và các cộng sự còn hướng tới sản phẩm các loại mỹ phẩm để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, họ cùng nhau phát triển ngành khai thác mật hoa dừa, tạo sinh kế cho người nông dân quê hương cải thiện cuộc sống... “Định hướng của Sokfarm là xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng, một sản phẩm vùng, miền gắn liền với văn hóa Khmer địa phương, đưa khoa học và chế biến vào sản phẩm nông nghiệp để nâng cao tính chủ động của sản phẩm, đặc biệt thông qua sản phẩm giúp chúng tôi tạo giá trị cho địa phương, tăng thêm kinh tế thu nhập địa phương, sản xuất ra các sản phẩm vùng, miền và còn phù hợp với xu thế tiêu dùng và biến đổi khí hậu tại miền Tây-Việt Nam”, Chal Thi tâm sự.

VŨ DUNG

nguồn báo QĐND