Trong tiến trình cách mạng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau từ đó có sự nhận thức và quan điểm chỉ đạo khác nhau về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Chúng ta đều biết, qua 92 năm lãnh đạo, cầm quyền sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng bản lĩnh, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự gương mẫu, hy sinh, phấn đấu không mệt mõi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt; bằng thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ.
Nhiệm vụ xây dựng Đảng được Đảng ta đề cập xuyên suốt và có những bổ sung mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại hội X (2006), Đảng ta tập trung thực hiện “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[1], Đại hội XI (2011) thì “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[2], Đại hội XII (2016) nhấn mạnh “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”[3]. Đại hội XIII (2021), Đảng ta đã bổ sung những nhận thức mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”[4]. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo đó là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”[5].
Điểm mới ở đây là đã bổ sung “xây dựng hệ thống chính trị” cùng với “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Sự bổ sung này là phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hiện nay. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Đảng đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thông chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước bởi những nội dung sau:
- Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị là khẳng định tính đồng bộ, chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau giữ xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.
Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện, tiền đề xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Điều này, đã được kiểm chứng qua thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.
Chúng ta biết rằng, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau; là hai vấn đề trong một chỉnh thể thống nhất. Bởi vì, từ khi giành được chính quyền, Đảng vừa là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chi phối mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị chính là thước đo năng lực lãnh đạo, uy tín và cầm quyền của Đảng.
Việc mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị khẳng định một điều rất quan trọng: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng; phạm vi thực hiện không chỉ đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mà còn cả các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
- Thứ hai, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được phản ánh địa vị của Đảng trong đời sống chính trị, xã hội; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước mạnh, liêm chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình thì mới đưa được những đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Thực tiễn qua 92 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo của Đảng thể hiện qua hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những vấn đề này được Đảng ta coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ. Vì vậy, Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định quan điểm chỉ đạo: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
- Thứ ba, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trên thực tế cho thấy, sự suy thoái suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ diễn ra trong tổ chức đảng, mà còn diễn ra trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, để ngăn chặn, đầy lùi những suy thoái trên không chỉ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà phải tăng cường xây dựng Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, nhằm tạo sự đồng bộ, chặt chẽ.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta đứng trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhau; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyền hóa” ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi, phải coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn liền với xây dựng Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và đối với lợi ích của nhân dân.
- Thứ tư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa thực hiện tốt hơn nữa mối quan hệ mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Mục đích xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhằm hướng đến phục vụ lợi ích thiết thân của nhân dân; bảo đảm thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là hướng đến mục tiêu Đảng vững mạnh, Nhà nước mạnh, liêm chính, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Tất cả mục tiêu này đều hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa quan trọng giúp cho Đảng tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, qua đó khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước và tham gia xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tóm lại, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét