Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH “PHƯƠNG THUỐC” HỮU HIỆU TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH NỘI SINH CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG

 Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, kể từ khi có Đảng, không thể phủ nhận một chân lý “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”[1].

Bên cạnh phần đông cán bộ, đảng viên luôn phấn đấu vì sự tiến bộ, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, thì vẫn còn một số không ít thiếu ý chí, thiếu tu dưỡng, lơ đãng, đánh rơi nhân phẩm, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, của tổ chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[2]. Để nhận ra những hạn chế và sai lầm của mình, không còn cách nào khác phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Thực hiện tự phê bình và phê bình là phải thường xuyên, liên tục, không xao nhãng, cũng như việc rèn luyện đạo đức, phải thực hiện hàng ngày. Bởi một người có được chút ít thành tích, dễ sinh ra kiêu căng, nếu thiếu sự khiêm tốn; một người chẳng may mắc phải khuyết điểm trong công việc, dễ sinh ra sợ sệt, chán nản, nếu không có ý chí phấn đấu. Để khắc phục tình trạng đó, người cán bộ, đảng viên phải ghi khắc một điều “Chớ thấy thành tích mà kiêu. Chớ thấy khuyết điểm mà nản. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê bình để mãi tiến bộ”[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[4]. Mỗi cá nhân, tổ chức phải tự rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên phải là những người đi tiên phong, làm gương, nếu không thì “Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”[5].

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn giữ vững bản lĩnh của một Đảng cầm quyền, luôn vượt qua mọi thử thánh, khó khăn, là bởi Đảng luôn nhận ra rằng “Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ”.[6]

Trước những thách thức mới của thời đại, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ chức vụ cao, giữ vị trí trọng yếu của bộ máy đảng và nhà nước trong thời gian gần đây là do xa rời nguyên tắc tự phê bình và phê bình hoặc thực hiện không đúng theo nội dung nguyên tắc đó. Cũng với quan điểm đó, Nghị quyết Trung ương tư khóa XIII của Đảng nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế”.

          Để khắc phục những hạn chế trên, tốt hơn hết phải thực hiện có hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình. Đây là phương thuốc hữu hiệu, là yếu tố sống còn của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông.”[7]

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần:

1. Xác định đối tượng để có phương pháp phê bình phù hợp

Một, đối với những người có chí tiến thủ, hăng hái trong công việc, trong quá trình làm việc, vì lợi ích, nhiệm vụ chung mà sơ xuất mắc lỗi lầm, nhưng có chí hướng phấn đấu, sửa chữa, thật thà nhìn nhận khuyết điểm, thì trên tinh thần “tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”, chúng ta thẳng thắn phê bình, góp ý, xây dựng, rút kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra phương án tối ưu định hướng cho họ tiến bộ.

Hai, đối với những người chưa nắm vững công việc, chuyên môn không sâu, vì muốn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến sai sót trong quá trình làm việc, chúng ta chỉ dẫn, định hướng cho họ sửa chữa, tạo điều kiện cho họ có cơ hội học hỏi, có hướng sửa đổi, nghiên cứu thêm để tiến bộ.

Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà bao che, làm chiếu lệ, mà chúng ta phải thực hiện “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”[8]. Theo đó “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”[9]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa”.[10] Như vậy, một người chân chính là người dám mạnh dạn tự phê bình, dám thừa nhận những hạn chế và kiên quyết sửa đổi.

Ba, đối với những người có chút ít kiến thức, nhưng không thạo chuyên môn, khi được phân công một lĩnh vực nào đó, không chịu học hỏi, trong công việc làm đại khái, chiếu lệ, thiếu khoa học, kém hiệu quả, thậm chí dẫn đến sai phạm; sai phạm thì thiếu thành khẩn, tìm cách lẫn trách, khi được nhắc nhở thì bảo thủ, chậm sửa chữa, “cãi bừa”. Những trường hợp này, trước hết tổ chức nơi đó phải mạnh dạn làm cho người sai phạm thấy được hạn chế của họ, phải thật sự tự giác, thật thà nhận khuyết điểm và “tự mình phê phán để tự cải tạo một cách nhanh chóng, nghiêm túc, thật thà, sâu sắc và triệt để”[11]. Bởi: “Kỷ luật của Đảng là tự nguyện tự giác; đã tự nguyện tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm, tất cả đảng viên già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bớt lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ”[12].

Bốn, đối với những người khi được giao cho nhiệm vụ nào đó, trong khi năng lực kém, nhận thức hạn chế, nhưng tự cho rằng ta đây am hiểu, rồi tỏ vẻ kiêu căng, bất hợp tác, tách rời mình khỏi tổ chức, thờ ơ trong công việc chung, làm việc bất tuân, trong công việc thì vun vén lợi ích cá nhân, bất chấp ý kiến của tập thể, khi nhắc nhở, góp ý thì cố tình chống đối, tự cho rằng mình nắm vững mọi điều, không đóng góp vào việc chung của tập thể, khi yêu cầu có ý kiến thì không, chờ đợi có điều kiện, mượn diễn đàn công kích, khoét sâu vào những điểm mà bản thân cho rằng đó là hạn chế của người khác, nhưng thật ra đó lại là điều mình chưa hiểu tới… Đó là căn bệnh hẹp hòi. “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết.

Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân.

Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá, v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!

Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể”[13].

Những căn bệnh này cần phải trị cho tận gốc, cho “tiệt nọc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bệnh này nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”[14]. “Rồi sinh ra thói "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", "trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm", sinh ra thói "thậm thà thậm thụt" và những thói xấu khác”[15]. Nếu để những căn bệnh này tồn tại thì rất nguy hiểm. Nó có thể lôi kéo, lây lan, gây cản trở và làm hại cho tổ chức, tập thể, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. “Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng”[16].

Hội nghị Trung ương tư khóa XIII của Đảng xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh “là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Đảng xác định như vậy, bởi lẽ, thực tế nhiều nơi, ngay trong tổ chức xuất hiện căn bệnh so bì, tỵ nạnh, nảy sinh óc kèn cựa, cho mình là hơn cả mọi người, không chịu thua ai; trong công việc sợ người khác hơn mình, phát hiện người trẻ tuổi nhưng lại hơn mình thì tìm cách “dìm” chân họ lại. “Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”[17].

Năm, lại có hiện tượng dĩ hòa vi quý, trong công việc thì hề hà, thiếu quyết đoán, làm sợ sai, rồi dùng quyền ra oai, lôi bè kéo cánh, lập “cánh hẩu”, mượn danh tập thể. Đó là “óc bè phái”; “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”[18]. Thực trạng này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ từ rất sớm. Một bộ phận “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng”[19].

Những căn bệnh này hết sức nguy hiểm. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”[20].

2. Mạnh dạn và cương quyết tự phê bình và phê bình

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.[21]

Thực tế vẫn còn tình trạng trong tự phê bình thì không dám nói thật, thiếu thành khẩn, lấp liếm khuyết điểm, khi được người khác phê bình thì sinh ra ấm ức, ghi chép, lưu giữ để tìm cơ hội trả đũa. Trong công việc khi được đề cập đến việc làm thì không giải thích được, ậm ừ cho qua. Ngoài miệng thì vận dụng chủ trương, khi làm thì phê bình và tẩy chay người ngay thẳng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: “tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”[22]. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”[23]. “Vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín”[24]. Do đó, công tác tự phê bình và phê bình phải được thực hiện một cách có hệ thống từ trên xuống. “Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình. Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch”[25].

Để phát huy và tăng cường sức mạnh của Đảng, từng cá nhân phải nêu cao tính tự giác, tiên phong, tự nhận diện ra hạn chế, khuyết điểm, thành khẩn thừa nhận và mạnh dạn, nghiêm túc tự phê bình trước tập thể. Trên cơ sở đó, tập thể đóng góp, phê bình để ngày càng tiến bộ. Chúng ta phải mạnh dạn đấu tranh loại bỏ những thói hư, tật xấu, trước hết là ở trong mỗi con người chúng ta, bởi trong “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[26]. Mỗi cá nhân phải thật sự mạnh dạn, chủ động, gương mẫu tự phê bình và phê bình, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết Trung ương tư khóa XIII của Đảng “Không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà phải chủ động tiến công, đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[27], xây dựng và củng cố đạo đức của người cách mạng.

Đạo đức của người cách mạng là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, tận hiếu với nhân dân. “Trung thành với Đảng với nhân dân thì không giấu giếm khuyết điểm của mình mà cũng không nỡ để người khác giấu giếm khuyết điểm, vì khuyết điểm có hại đến lợi ích của cách mạng cho nên phải mở rộng tự phê bình và phê bình, để sửa chữa sai lầm, cùng nhau tiến bộ”[28].

Trên cơ sở sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên sẽ làm cơ sở, căn cứ để mọi người dân “bắt chước” noi theo, “quyết tâm có gì “trong ba lô trút ra hết để làm theo”[29]. Theo đó, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình” theo Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét