“Dĩ công vi thượng”

Nhân dịp Hội thảo kỷ niệm lần thứ 115 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2005), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại một hồi ức về lời dạy của Bác đối với Đại tướng.

Đó là một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức “Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Hang nhỏ nằm sâu trong khe núi. Trong hang tối, không khí ẩm và lạnh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhặt những cành củi khô nhóm một ngọn lửa sưởi ấm cho Bác. Khói bốc cay sè, củi nổ tí tách. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, đồng chí Võ Nguyên Giáp lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Câu chuyện đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động vũ trang khởi nghĩa. Bỗng nhiên Bác dừng lại nói: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận ngày nay. Dĩ công vi thượng là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân”.

Sau đó, ngày 28-5-1948, tại lễ thụ phong quân hàm Đại tướng đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp-Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ý nghĩa của việc phong quân hàm: “Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí”.

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Lời nhắn nhủ của Bác trong lễ phong tướng đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt cuộc đời. Sau này, rất nhiều báo chí nước ngoài tung hô ông là “vị tướng huyền thoại”, “thiên tài quân sự”... nhưng ông đã khiêm nhường trả lời: “Vị tướng tài nhất là Nhân dân Việt Nam”. Trong một cuộc hội thảo, Đại tướng cho rằng, ở Việt Nam, danh hiệu vẻ vang nhất là danh hiệu đảng viên và nhấn mạnh: “Chúng ta nhớ tới biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc 10.000 ngày, không quản gian khổ hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng. Tại mặt trận, trước tình huống khó khăn, gay go, quyết liệt đã vang lên tiếng thét: “Các đảng viên cộng sản tiến lên!”, “Ai là người theo Ðảng hãy tiến lên!”. Hai tiếng đảng viên thiêng liêng và hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên đã có sức mạnh cổ vũ đồng đội xông lên tiêu diệt kẻ thù, giành thắng lợi”. Từ đó, Đại tướng cho rằng: “Cán bộ cấp càng cao thì tác dụng gương mẫu càng quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể, ở Trung ương và địa phương, thủ trưởng các ban, ngành, các đơn vị sản xuất và chiến đấu hãy nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

“Suốt đời phục vụ nhân dân”

Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 36/SL phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan quân đội. Dự lễ phong quân hàm ngày 1-9-1959, Bác Hồ căn dặn: “Dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”. Thay mặt những đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát biểu và trân trọng hứa: “Luôn luôn làm đúng lời căn dặn của Bác, giữ vững lập trường trọn đời phục vụ nhân dân”.

Thực hiện lời hứa với Bác, suốt cuộc đời mình, bao giờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng giữ vững nguyên tắc lời nói đi đôi với việc làm. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có bài viết “Học tập tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện của Hồ Chủ tịch” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số 737 ngày 19-5-1960, trong đó khẳng định: “Cảnh nước mất nhà tan đã thôi thúc Hồ Chủ tịch ra đi làm cách mạng với tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện làm tiêu chuẩn hành động và chiến đấu của mình. Cả cuộc đời của Hồ Chủ tịch gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần, năng lực, trí tuệ tình cảm của nhân dân... Người chỉ và chỉ nghĩ đến việc phục vụ nhân dân, sống như nhân dân, nói và viết như nhân dân và vì nhân dân”. Đây là một trong những bài viết quan trọng, như một lời hứa của lực lượng vũ trang đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cuộc đời “sáng trong như ngọc một con người” của ông chính là minh chứng sống động nhất về thực hiện lời hứa của một vị tướng với Bác Hồ.

“Cần nhiều nhân tướng”

Thượng tướng Đàm Quang Trung kể lại một kỷ niệm sâu sắc về một lần được Bác dặn dò khi ông nhận lệnh lên đường vào miền Nam chiến đấu: “Rồi tôi nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu. Trước khi đi, Bác gọi tôi lên gặp để Bác dặn dò. Bác hỏi thăm tình hình gia đình tôi và hỏi chú có gặp khó khăn gì không. Tôi thưa với Bác là tôi đã chuẩn bị sẵn sàng... Trong phòng lúc ấy chỉ có hai Bác cháu. Tự nhiên tôi bỗng cảm thấy bùi ngùi. Ngày mai xa Bác, gần một năm được sống bên Bác, được Bác chăm sóc yêu thương, ân cần dạy dỗ. Thời gian một năm được sống gần Bác, tôi như được qua một trường huấn luyện đặc biệt hiếm có”.

Bác dạy đồng chí Đàm Quang Trung về đạo làm tướng: “Chú lên đường đi chiến trường xa xôi. Bác nói với chú về nhân cách một người làm tướng. Trong tướng có nhiều loại:  Mãnh tướng như Trương Phi, dũng tướng như Quan Vân Trường, hổ tướng như Triệu Tử Long. Các loại tướng như thế đều tốt. Nhưng theo Bác, cuộc chiến đấu của chúng ta cần nhiều nhân tướng, vì đây là cuộc chiến đấu vì con người. Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những vị tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được”.

Không nên nóng nảy với cấp dưới

Năm 2007, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trong đó có chuyện Thượng tướng Phùng Thế Tài được Bác rèn luyện, nhắc nhở sửa chữa tính nóng nảy với cấp dưới. Đồng chí Phùng Thế Tài vốn là chiến sĩ bảo vệ Bác trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Phùng Thế Tài lúc này đã trở thành chỉ huy một đơn vị lớn, nhưng đôi khi, ông hay quát mắng, thậm chí bợp tai cấp dưới (bản tính ông ngay thẳng, tuy đôi lúc nóng nảy nhưng được cán bộ, chiến sĩ dưới quyền yêu quý-TG). Được nghe “dư luận” về Phùng Thế Tài, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn Trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho ông vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ giữa trưa, đồng chí Phùng Thế Tài vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh. Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói: “Chú uống đi”. Đồng chí Phùng Thế Tài kêu lên: “Trời nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được”. Bác mỉm cười: “Đấy nhé, nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn”. Hiểu ra lời dạy của Bác, đồng chí Phùng Thế Tài nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…

“Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”

“Đạo làm tướng” đầy đủ nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được Người đưa ra tại Hội nghị Quân sự lần thứ V (tháng 8-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy mỗi tướng lĩnh phải: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”.

Theo quan điểm của Bác: Làm tướng không phải để hưởng lợi cá nhân, mà phải tuyệt đối trung thành, phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân được tốt hơn. Vinh dự thật to lớn nhưng trách nhiệm hết sức nặng nề. Mỗi sĩ quan cấp tướng phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách, tuân thủ kỷ luật, Hiến pháp, pháp luật. Người làm tướng phải có tri thức, đạo lý, nhân cách, có dũng khí, sống nhân văn, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là chỗ dựa đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới con mắt của nhân dân, người làm tướng cũng phải thực sự là hình mẫu tiêu biểu của sự khiêm nhường, cầu thị, trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ, có khả năng dẫn dắt cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.