Thu ngân sách tăng trong điều kiện khó khăn
Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác tài chính -NSNN năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành Tài chính và ngành Thuế vào thành tích chung của đất nước, cũng như của Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách tăng hơn so với năm ngoái là kết quả tích cực, rất đáng phấn khởi”.
Trong năm 2021, đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Độc lập, chủ quyền được giữ vững; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại đạt thành tích rất quan trọng, nhất là ngoại giao vắc xin đã giúp chúng ta “đi sau về trước” về tiêm chủng phòng chống COVID-19. GDP quý IV tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng 10%, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu đủ chi. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt 668,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Đặc biệt, thu ngân sách cao hơn năm 2020 và tăng so với dự toán, nhờ đó có nguồn để chi cho các nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ, trong đó NSNN đã dành hơn 70.000 tỷ đồng hỗ trợ gần 43 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai. Đây là những con số biết nói, cho thấy sự cố gắng chung của cả nước, trong đó có sự đóng góp của ngành tài chính, ngành thuế. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách tăng hơn so với năm 2020 là kết quả tích cực, rất đáng phấn khởi. Không chỉ vượt dự toán thu, ngành tài chính - thuế còn tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, áp dụng quản lý thuế điện tử ở các khâu, đặc biệt là triển khai hóa đơn điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Với những kết quả này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính - thuế vào kết quả, thành tích chung của đất nước và của Chính phủ.
Năm 2022, dự báo tình hình đất nước có thời cơ và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ đã xác định 2022 là năm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, do đó, nhiệm vụ tài chính-ngân sách phải triển khai trên cơ sở này. Cụ thể, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Tài chính cần thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai 6 quan điểm trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Chính phủ xác định trong thực hiện năm 2022.
Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh, thực hiện những công việc chưa dự báo hết được, không để bị động bất ngờ về các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách. Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược về các vấn đề tài chính - NSNN cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Ngành tài chính phải có chính sách khuyến khích thu trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Khi nào khó khăn, thì Nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp, khi thuận lợi thì doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ với NSNN.
Đồng thời, điều hành chính sách tài khóa phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ để cùng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh tăng thu ngân sách, giảm các khoản chi không cần thiết. Nâng cao tính minh bạch, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong các lĩnh vực này, ngành tài chính phải đi đầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống quý báu, đổi mới, phát triển, tôi tin tưởng và giao nhiệm vụ cho ngành tài chính đạt kết quả, thành tích năm 2022 nhiều hơn, cao hơn năm 2021; thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “nền tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển” và 8 chữ vàng mà Người đã tặng cho ngành đó là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét