Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Hai đối thoại văn hóa của thời đại!


Những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ vượt lên trên ý nghĩa của một phong tục văn hóa, mang ý nghĩa kêu gọi, động viên đồng bào, còn là một đối thoại với thế giới, với nhân loại. Thế nên, cứ thường vào dịp Tết đến, xuân về, Bác đều làm thơ chúc Tết, mỗi lời chúc đều tỏa những ánh sáng ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt. Bài thơ "Chúc năm mới" năm 1942 có thể xem là bài thơ xuân đầu tiên Bác dành tặng toàn thể đồng bào mình. Cũng năm 1942, Bác còn công bố bài thơ "Lịch sử nước ta", một tác phẩm mang rất nhiều ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hiện nay..

Cách đây 80 năm, dịp Tết Nhâm Ngọ 1942, ở hang Cốc Bó, Bác Hồ viết bài thơ “Chúc năm mới” in trên Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1-1-1942. Thời điểm này, Chiến tranh thế giới thứ hai đang căng thẳng, phát xít Đức cùng phe xâm lược đang tạm chiếm ưu thế, nhưng với nhãn quan chiến lược toàn cầu, tác giả có lời chúc: “Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!/ Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi”. Hai câu thơ ở hai thế tương phản trời vực có hai chữ “sẽ” khẳng định chắc chắn một tương lai. Lịch sử chứng minh lời chúc này là lời chúc của chân lý, của chính nghĩa, của lịch sử, của thời đại. Tiếp đó là lời chúc, đồng thời là một nguyên lý chiến lược: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!/ Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!”.

Đáng chú ý, hình tượng Quốc kỳ đã bay phấp phới trong thơ để “nói” với thế giới về một Việt Nam mới sắp ra đời: “Chúc toàn quốc ta trong năm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!/ Năm này là năm rất vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”. Bài thơ 10 câu là một hình thức phá cách truyền thống (8 câu) để nói về sự phá cách ở nội dung: Sự thay đổi của tình hình thế giới và Việt Nam. Đến đây, ta hiểu lý do lời chúc mở đầu là “chúc năm mới” theo thông lệ phong tục, rồi chúc: “Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong...”, tiếp đó mới là lời chúc “Chúc đồng bào...”: Cách mạng Việt Nam vận động gắn liền, chịu sự chi phối của tình hình đại cục thế giới. Sự tinh tế này chỉ có ở những thiên tài chính trị như Bác Hồ!

Cũng cách nay 80 năm, ngày 1-2-1942, trên Báo Việt Nam độc lập, số 117 có in bài báo "Nên học sử ta". Cùng tháng đó, "Lịch sử nước ta" được Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản. Kế thừa truyền thống diễn ca, cụ thể là "Thiên Nam ngữ lục" (viết theo lệnh chúa Trịnh) và "Đại Nam quốc sử diễn ca" (viết theo yêu cầu của triều đình nhà Nguyễn) nhưng đứng trên quan điểm nhân dân, "Lịch sử nước ta" lý giải sự thăng trầm, thành bại của lịch sử là do dân: “Xét trong lịch sử Việt Nam/ Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng...”. Tác phẩm gồm 208 câu diễn ca lịch sử nước nhà từ thời “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến thời điểm công bố tác phẩm-năm 1942, trong tổng số 1.456 chữ, có tới 18 chữ dân.

"Lịch sử nước ta" diễn ca khoảng 30 nhân vật lịch sử nhưng không miêu tả diện mạo ngoại hình mà chú trọng vào phương diện phẩm chất, miêu tả tính cách theo nguyên tắc khái quát hóa cao độ, nhân vật luôn gắn liền với một giai cấp, tầng lớp nào đó. Thánh Gióng gắn liền với “thiếu niên”, “trẻ con” nhưng đã là bậc “cứu nước”: “Thiếu niên ta rất vẻ vang/ Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời/ Tuổi tuy chưa đến chín mười/ Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”. Bà Triệu tiêu biểu cho “tài năng dũng cảm” của phụ nữ: “Tài năng dũng cảm hơn người/ Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương/ Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Nhân vật lịch sử được đề cập nhiều nhất (6 câu thơ) là Trần Quốc Toản, một tấm gương của “trẻ con Nam Việt”: “Thật là một đấng anh hùng/ Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo...”. Rõ ràng, "Lịch sử nước ta" được viết ra với mục đích khơi gợi niềm tự hào dân tộc, ý thức về giá trị, bổn phận và trách nhiệm của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội đối với đất nước.

Có thể coi "Lịch sử nước ta" là một cuốn chính sử rút gọn được viết bằng văn vần thể hiện ở tính chính xác, khoa học, hệ thống, toàn diện, không thiên kiến. Tác phẩm nhấn mạnh cội nguồn sức mạnh của lịch sử là sự đoàn kết toàn dân, có đoàn kết thì có thắng lợi và ngược lại: “Ta không đoàn kết bị người tính thôn.../ Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng...”. Đặc biệt, ở đoạn cuối, các từ đoàn kết, kết đoàn, đồng lòng được nhắc đi nhắc lại như nhắn nhủ, như tâm tình, như tha thiết kêu gọi: “Người chúng ít, người mình đông/ Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên/ Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau/ Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu/ Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn...”.

"Lịch sử nước ta" bám sát vào cái lõi lịch sử, diễn ca đúng với phong cách thơ Hồ Chí Minh, dễ hiểu, ngắn gọn, hàm súc, giàu sức khái quát. Sức lôi cuốn của tác phẩm thể hiện ở sự trung thực với lịch sử; ở quan điểm biện chứng coi dân là nhân tố cơ bản nhất tạo ra, làm nên lịch sử; nhất là ở vấn đề phân tích, lý giải lịch sử thời hiện tại. Các tính từ ngợi ca được dùng với mật độ dày đặc: Rực rỡ, thuận hòa, vẻ vang, tiếng vang, đại tài, tiếng thơm, tạc đá vàng, tài năng, dũng cảm, làm gương, phi thường, hiền thần, quang vinh, hiền minh, hiển vinh... mà tác giả dùng để ghi nhận, khẳng định các bậc tổ tiên đã xứng đáng “Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên”. Điều này hoàn toàn tương phản với đoạn nói về hiện tình nô lệ: “Ngày nay đến nỗi nghèo hèn/ Vì ta chỉ biết lo yên một mình/ Để người đè nén, xem khinh/ Để người bóc lột ra tình tôi ngươi”. Đoạn thơ mang cấu trúc nhân quả đáng chú ý, chỉ một nguyên nhân: "Vì ta chỉ biết lo yên một mình" nằm ở vị trí giữa đoạn như cái bản lề khép mở 3 kết quả (nghèo hèn; để người đè nén; để người bóc lột) ở 3 câu thơ còn lại. Như vậy, "Lịch sử nước ta" không chỉ tái hiện lịch sử, làm sống lại niềm tự hào dân tộc trong quá khứ, quan trọng hơn là chỉ ra nguyên nhân của bi kịch nô lệ và giải pháp “khôi phục nước nhà tổ tông”. Không chỉ là một công trình khoa học lịch sử, tác phẩm còn là một đề cương chính trị cho cách mạng Việt Nam. Lời diễn ca đã vượt thoát giới hạn lời của một cá nhân để vươn tới tầm là lời của lịch sử, có giá trị phổ quát rộng rãi. Không ngẫu nhiên, trong tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tác giả không đề tên hay bất cứ bút danh nào, trong suốt diễn ca, cái tôi tác giả hoàn toàn vắng bóng. Điều này hoàn toàn khác với diễn ca lịch sử thời trung đại, cái tôi tác giả nhiều khi cứ "nhảy xổ" ra lộ liễu. Vì thế, lời văn trong "Lịch sử nước ta" hướng tới tất cả cộng đồng, ai cũng cảm thấy cá nhân mình có trong đó. Do vậy, chữ “ta”: Nước ta, dân ta, thiếu niên ta, phụ nữ ta, ta, chúng ta mang sắc thái tu từ vừa như ràng buộc, vừa như nhắc nhở mọi người ý thức về bổn phận và nghĩa vụ của mình với cộng đồng.    

Sau phần chính văn "Lịch sử nước ta" là NHỮNG NĂM QUAN TRỌNG (in hoa) ghi lại những sự kiện trọng đại, kết lại là một tiên đoán: 1945-Việt Nam độc lập. Đây là một tiên đoán chỉ có được ở tầm một thiên tài nhờ nắm chắc những diễn biến, quy luật của lịch sử và sự nhạy cảm của một nhãn quan chính trị không chỉ trong một quốc gia, khu vực mà còn của toàn cầu, của cả thời đại. 

Nằm trong mạch diễn ca lịch sử của dân tộc, kế thừa thành tựu có trong truyền thống, "Lịch sử nước ta" kết tinh một đỉnh cao mới. Chất văn của tác phẩm là tình yêu dân, yêu nước tha thiết, là tâm huyết sâu nặng với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đi theo hình thức lục bát quen thuộc dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền khẩu nhưng lại để diễn tả một nội dung mang tính chính luận mạnh mẽ, hấp dẫn, lôi cuốn. Ý nghĩa văn học của tác phẩm còn thể hiện ở hiệu ứng xã hội. Đặt vào thời điểm năm 1942, khi ấy toàn dân ta đang khao khát một cuộc cách mạng. Nhà Nguyễn ngày càng bộc lộ sự thối nát, phản động. Cả xã hội đang mong chờ một tiếng nói phản biện lịch sử với quan điểm sai trái có trong "Đại Nam quốc sử diễn ca": Triều Tây Sơn là giặc, triều Nguyễn có công với nước. Nhất là cả dân tộc đang cần một tiếng nói kêu gọi thức tỉnh... "Lịch sử nước ta" ra đời đáp ứng những đòi hỏi ấy có tác động rất lớn đến mọi người dân yêu nước, đến phong trào cách mạng đang ở thời điểm bản lề có tính quyết định đến vận mệnh cả dân tộc!

Giới nghiên cứu sử học sẽ trả lời giúp chúng ta câu hỏi: Trong hoàn cảnh rất thiếu về tư liệu nhưng tại sao tác phẩm lại có những cứ liệu, những nhận định chính xác, thỏa đáng như vậy? Soi chiếu từ góc nhìn triết học văn hóa, chúng ta khẳng định hai tác phẩm trên là mẫu mực của đối thoại văn hóa cùng một giải pháp văn hóa cách mạng nhất! VD

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét