Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhất là với giới trẻ, việc tiếp cận sớm và thường xuyên với internet, mạng xã hội mang lại nhiều tích cực giúp việc học tập, trao đổi, chia sẻ thông tin, cập nhật xu hướng, giao lưu văn hóa… nhanh chóng và thuận lợi hơn, song ở đó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, hệ lụy khi các bạn trẻ tiếp nhận những thông tin tiêu cực, độc hại do sự hạn chế về nhận thức, kỹ năng gây ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ, hành vi, phong cách sống. Do vậy, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng nhằm lan tỏa những thông tin, lối sống lành mạnh, tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Từ đó, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về cách ứng xử có văn hóa trên không gian mạng, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ internet và mạng xã hội.
Phát huy lợi thế của mạng xã hội
Để giáo dục, định hướng thế hệ trẻ, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã khai thác và phát huy tốt lợi thế của mạng xã hội, ứng dụng các nền tảng số để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Hiện nay, 100% cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập trang fanpage, facebook thường xuyên đăng tải, chia sẻ các nội dung hoạt động của đơn vị; các thông tin thời sự chính thống về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới, hải đảo, vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thanh niên quan tâm; những tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu nhằm lan tỏa rộng rãi lối sống đẹp trong thế hệ trẻ. Duy trì hiệu quả chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với b.ạ.o l.ự.c học đường”.
Hằng tuần, Tỉnh đoàn thực hiện công tác báo cáo về tình tình tư tưởng thanh niên trong tỉnh và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Trung ương Đoàn; thường xuyên cập nhật tình hình đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh để kịp thời quan tâm và định hướng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo đăng tải 89 bài viết phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực t.h.ù đ.ị.c.h trên không gian mạng, hệ thống trang thông tin của các cấp bộ đoàn...
Trong thời đại công nghệ số, tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng mang lại hiệu quả. Chỉ thực sự tập hợp, thu hút được đoàn viên, thanh thiếu nhi khi các cấp bộ đoàn bắt kịp với xu hướng của giới trẻ. Do đó, hằng năm, Tỉnh đoàn đều tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác; kỹ năng truyền thông trong c.h.u.y.ể.n đ.ổ.i s.ố; hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, công cụ phục vụ công tác tuyền thông hiện đại (ChatGPT, Capcut, Tiktok)… cho đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách, bí thư đoàn cấp cơ sở, giúp cán bộ đoàn nắm được kỹ năng biên tập, cung cấp thông tin, quản lý fanpage, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác truyền thông, đặc biệt là trên không gian mạng. Các nội dung về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; kỹ năng nhận diện các thông tin phản động; kỹ năng tổ chức sự kiện và vận động nguồn lực tổ chức các hoạt động của đoàn, đoàn kết tập hợp thanh niên cũng được tăng cường.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, vân động đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia các cuộc thi trực tuyến do Trung ương Đoàn phát động, do các cấp, ngành, địa phương tổ chức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” với 4 quy tắc “Tuân thủ, lành mạnh, an toàn, trách nhiệm” nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực về các hành vi ứng xử trên không gian mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin trên mạng xã hội; giúp nhận diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực t.h.ù đ.ị.c.h; tạo môi trường cho đoàn viên, thanh thiếu nhi chủ động thay đổi, điều chỉnh hành vi để tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Cần những giải pháp đồng bộ
Thực hiện Quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”, Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 311/QĐ-TTg, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi tỉnh Hà Nam trên không gian mạng giai đoạn 2024 - 2030”, xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Chương trình phấn đấu đến năm 2025, có 95% cán bộ đoàn, hội, đội và trên 90% đoàn viên, hội viên, trên 80% thanh thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; đến năm 2030, đạt 100% và 95% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, đạt trên 70% và phấn đấu đạt trên 90% thanh niên sử dụng và tương tác thường xuyên với ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”, fanpage Sức trẻ Hà Nam vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, đạt trên 80% và đến năm 2030 đạt 100% cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng.
Năm 2025 đặt mục tiêu đạt trên 75% và đến năm 2030 đạt 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện triển khai tài liệu và tổ chức giảng dạy tích hợp kỹ năng thích ứng, sử dụng không gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, từ năm 2025 đến năm 2030, chương trình phấn đấu 100% trang mạng xã hội của đoàn các cấp từ tỉnh đến cơ sở đăng tải từ 3 - 5 bài viết/tuần tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. 100% xã, phường, thị trấn mỗi ngày xây dựng hoặc đăng tải, chia sẻ ít nhất 1 - 2 tin tốt, mỗi tuần chia sẻ từ 1 - 2 câu chuyện đẹp. Đoàn cấp tỉnh sẽ tổ chức mỗi năm ít nhất 2 - 5 trào lưu trên không gian mạng nhằm thu hút thanh, thiếu nhi hưởng ứng, làm theo. 100% đoàn cấp huyện và ít nhất 70% đoàn cấp cơ sở (đến năm 2030 đạt 100%) có đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác thông tin xấu độc.
Đoàn cấp tỉnh và 100% đoàn cấp huyện xây dựng bộ tư liệu trực quan ứng dụng c.h.u.y.ể.n đ.ổ.i s.ố về các địa danh, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương phục vụ công tác tuyên truyền và nhu cầu tìm hiểu của thanh thiếu nhi. Đạt 70% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030 hộ gia đình đồng hành, hỗ trợ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong việc tham gia các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng do các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả; phát động và triển khai Cuộc vận động “Thanh niên ứng xử văn minh trên mạng xã hội” giai đoạn 2024 - 2030; tuyên truyền, vận động thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Giám sát, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm và sinh hoạt tập thể trong giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng. Xây dựng, nâng cấp, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng như: Infographic, video clip, thực hiện các chiến dịch truyền thông.
Cùng với đó, là tổ chức hiệu quả các hoạt động sử dụng không gian mạng để thu hút, tập hợp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; đào tạo, bồi dưỡng, kết nối đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức trẻ thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng.
Bí thư Tỉnh đoàn Trần Ngọc Nam nhấn mạnh, việc thực hiện tốt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi tỉnh Hà Nam trên không gian mạng giai đoạn 2024 - 2030” sẽ góp phần xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển trong thanh niên, thiếu niên và nhi đồng các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù đ.ị.c.h, góp phần tích cực thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thúc đẩy thanh thiếu nhi thi đua học tập, rèn luyện lập thân, lập nghiệp; nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

Có thể là hình ảnh về 5 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
46

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - CHIẾN THẮNG CỦA BẢN LĨNH, TRÍ TUỆ VÀ CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà quan trọng nhất chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cách đây 70 năm, ngày 7-5-1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Cả thế giới nhắc đến Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ với sự yêu mến, khâm phục. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng” và được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX. Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam in đậm dấu ấn trong những quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt mọi gian khổ, hy sinh của cả dân tộc để đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ tới thắng lợi hoàn toàn. Cụ thể là:
Thứ nhất, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong đánh giá tình hình, quyết định phá Kế hoạch Navarre, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp đã thay thế chỉ huy quân đội ở Đông Dương. Theo đó, tháng 5-1953, Tướng H. Navarre được điều sang làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay Tướng Salan. Chỉ hơn một tháng sau, H. Navarre đã vạch ra kế hoạch chiến lược mới mang tên Kế hoạch Navarre và được Hội đồng Quốc phòng Pháp chấp thuận. Kế hoạch Navarre nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.
Trước tình hình địch ráo riết chuẩn bị thực hiện Kế hoạch Navarre, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Với bản lĩnh kiên định và trí tuệ tập thể, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đã xác định quyết tâm, phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến đúng đắn là: Dùng một bộ phận chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương mở các cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối yếu, tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai; cùng lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, buộc chúng phân tán quân cơ động để đối phó trên nhiều hướng, khoét sâu vào mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch. Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Về hướng hoạt động, quân ta lấy Tây Bắc là hướng chính, còn các hướng khác là hướng phối hợp.
Triển khai thực hiện phương hướng chiến lược và phương châm tác chiến đã được xác định trong kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công trên các hướng Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên, đẩy địch vào thế bị động đối phó. Khối cơ động chiến lược của thực dân Pháp bị chia nhỏ, phân tán trên nhiều chiến trường. Ý đồ của địch là tập trung lực lượng lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với bộ đội chủ lực ta, nhằm đè bẹp chiến tranh du kích và uy hiếp vùng tự do bị thất bại. Bằng các cuộc tiến công trên năm hướng, ta điều được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và bảo vệ được vùng tự do; đồng thời, tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác chiến tập trung của các đại đoàn chủ lực với chiến tranh du kích rộng khắp, kết hợp giữa mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch và với chiến trường hai nước Lào và Campuchia, từ đó làm cho Kế hoạch Navarre bị đảo lộn, từng bước đi tới phá sản.
Khi ta đang tích cực thực hiện kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, thì ý đồ của Bộ Chỉ huy quân Pháp là chủ động tiến hành một trận “tổng giao chiến” mang tính quyết định trên một chiến trường do chúng lựa chọn để tiêu diệt chủ lực của ta. Tuy nhiên, khi phát hiện bộ đội ta di chuyển lên Tây Bắc, thấy nguy cơ Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp, địch buộc phải điều chỉnh kế hoạch, vội vã điều lực lượng sang Trung Lào và sử dụng sáu tiểu đoàn quân tinh nhuệ nhất của chúng nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương để bảo vệ Thượng Lào và sử dụng Điện Biên Phủ như cái bẫy nhằm thu hút, “nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Giới quân sự Pháp và Mỹ coi đây là giải pháp quyết định thắng lợi cho chiến tranh Đông Dương.
Trước diễn biến mới của tình hình, ngày 6-12-1953, Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị về kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954. Với bản lĩnh, trí tuệ và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần cũng rất lớn, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ.
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, điều kiện thực tế và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng” và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay. Đây thực sự là một quyết tâm đầy bản lĩnh, trí tuệ, đặt ra yêu cầu phải phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, vì ta chấp nhận giao chiến ở nơi kẻ thù có lực lượng mạnh nhất và thắng lợi ở trận chiến này sẽ có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh.
Với tầm nhìn sâu rộng, tư duy quân sự sắc sảo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết sách đúng đắn, để quân và dân ta nỗ lực chủ động, khôn khéo, kiên quyết phá Kế hoạch Navarre ngay từ đầu, buộc chúng phải bị động giao chiến trên một chiến trường do ta lựa chọn. Chiến thắng vang dội chiều ngày 7-5-1954 đã chứng minh chủ trương chiến lược phá Kế hoạch Navarre và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong quyết định kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch phù hợp, đúng, hiệu quả.
Triển khai thực hiện chiến dịch, ngày 26-11-1953, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng chiến dịch dẫn đầu Đoàn tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh lên đường đi Tây Bắc. Qua nắm bắt tình hình, Đoàn đã nghiên cứu cân nhắc hai phương án: tiến công tiêu diệt địch nhanh, gọn hoặc bao vây đánh dần từng bước, cuối cùng quyết định lựa chọn “dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch”, tranh thủ thời cơ thực hiện đánh sớm và đánh nhanh để giành thắng lợi khi địch chưa kịp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Ngày 05-01-1954, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận lên đường ra mặt trận. Ngày 14-01-1954, Hội nghị cán bộ chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì họp ở Sở chỉ huy lâm thời tại hang Thẩm Púa. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, toàn thể hội nghị thống nhất ý kiến là nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, quyết tâm diệt gọn toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong một trận. Hội nghị quyết định thời gian nổ súng vào ngày 20-01-1954. Dự kiến chiến dịch diễn ra trong ba đêm, hai ngày liên tục. Mặc dù công tác chuẩn bị để “đánh nhanh, giải quyết nhanh” được tiến hành rất khẩn trương, nhưng gần đến ngày nổ súng mà các đơn vị pháo binh tham gia chiến dịch vẫn chưa đưa hết pháo vào vị trí quy định. Từ thực tiễn đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng tiến công đến ngày 25-01; tuy nhiên, gần đến ngày 25-01, lại quyết định lùi thời gian nổ súng sang ngày 26-01-1954.
Quá trình tổ chức chuẩn bị chiến trường để thực hiện phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, ta đã nắm được sự thay đổi lớn của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lực lượng địch đã được tăng cường lên hơn 13 tiểu đoàn, hệ thống trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, phía tây trước đây còn là nơi sơ hở, nhưng đến lúc này chúng đã đóng thêm 2 cứ điểm, đồi Độc Lập trước đó chỉ là một vị trí tiền tiêu, nay được tăng cường thêm lực lượng và tổ chức thành một cụm cứ điểm nhỏ, ở phía nam phân khu Hồng Cúm trước đó chỉ là một cứ điểm nhỏ, nay địch tổ chức thành cụm cứ điểm mạnh, có sân bay, pháo binh có thể cùng khu trung tâm Mường Thanh yểm hộ lẫn nhau. Điện Biên Phủ đã được thực dân Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm rất mạnh.
Trước tình hình địch tăng cường lực lượng và bố trí trận địa ở Điện Biên Phủ có nhiều thay đổi, ngày 26-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định họp Đảng ủy Mặt trận. Tại Hội nghị, Đại tướng đã trình bày những suy nghĩ của mình xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa và khẳng định, quân ta không thể đánh theo kế hoạch đã định, nếu đánh là thất bại. Với bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng đã đưa ra quyết định, chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; đồng thời, hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, lệnh cho bộ đội toàn tuyến rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Ngày 30-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ký mật danh Hưng) điện báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị về phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị nhất trí, cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Với quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nảy sinh rất nhiều vấn đề khó khăn: Chiến dịch kéo dài, ác liệt hơn; mọi công tác chuẩn bị chiến trường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, kế hoạch tác chiến và hợp đồng trên toàn mặt trận sẽ phải xây dựng lại. Nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, các lực lượng đã khẩn trương hoàn thành các công việc cần thiết để bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Ngày 13-3-1954, chiến dịch bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch, đến chiều ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Có được thắng lợi này là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp có tính chất quyết định là sự chỉ đạo chiến dịch với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện bản lĩnh kiên định, trí tuệ sắc sảo, tư duy quân sự sáng suốt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và ý chí quyết chiến, quyết thắng của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Thứ ba, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc.
Quá trình tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đã động viên và phát huy thường xuyên được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả Ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ… đều đẩy mạnh hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhân dân và nhiều vùng đất đai. Cùng với đó, lực lượng quần chúng khắp mọi nơi tích cực đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian, binh, địch vận… phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó và bị thất bại ngày càng nặng nề.
Chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược diễn ra ở xa hậu phương của ta, nơi có địa hình và khí hậu rất khó khăn, phức tạp, hệ thống đường sá, giao thông chiến lược để phục vụ cơ động lực lượng và vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch hầu như chưa có. Cho nên, việc cung cấp, bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ quy mô lớn, diễn ra dài ngày về vật chất hậu cần, kỹ thuật với một khối lượng chưa từng có là điều hết sức khó khăn; đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của toàn dân tộc.
Trước thử thách, khó khăn đó, với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được phát huy cao nhất, kịp thời cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu về lương thực, thực phẩm, trang bị, vũ khí trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Nêu cao tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các địa phương đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền” cho chiến dịch. Đây là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ. Với lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phát huy cao nhất truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh cả nước, thực hiện toàn dân đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, nhất là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tổng giao chiến, trận công kiên lớn nhất với những nỗ lực cao nhất về quân sự của cả ta và địch. Cho nên, ở đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô vàn khó khăn, gian khổ với nhiều tổn thất, hy sinh. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước kết thành ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, làm cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, lập nên những chiến công rực rỡ. Đó là tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng. Mặc dù lần đầu tiên quân đội ta đối đầu với một đội quân nhà nghề phương Tây trong một trận đánh công kiên lớn, nhưng nhờ có sức mạnh chính trị, tinh thần, kỷ luật và thế trận hợp lý đã phát huy được thế mạnh của ta, khắc chế được sức mạnh của địch. Đặc biệt, thông qua quán triệt các mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng chiến dịch về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện việc chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và tiến hành học tập, kiểm thảo, chỉnh quân chính trị, phát động lòng căm thù giặc trong và sau mỗi đợt tiến công của chiến dịch đã làm cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao nhất trong cán bộ, chiến sĩ và thanh niên, dân công tham gia chiến dịch. Trong chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, như: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… và hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, góp phần quyết định làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tìm hiểu chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam, nhà báo Pháp Giuyn Roi đã có nhận xét đầy hình tượng về bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilon. Cái đã đánh bại tướng Navarre, không phải là phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.
Thứ tư, tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Ngày nay, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế lớn, nhưng dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, khó lường. Các vấn đề tranh chấp chủ quyền quốc gia, tài nguyên, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực mang đến thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Đối với nước ta, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trước yêu cầu phát triển đất nước theo mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa lên tầm cao mới. Nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được thể hiện bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Việt Nam, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bảy thập kỷ đã trôi qua, nhưng bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với tinh thần đoàn kết dân tộc, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn luôn là tài sản tinh thần vô giá, đã, đang và sẽ mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Tạp chí Cộng sản
Tất cả cảm xúc:
59

70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ

 

Quyết định chấp nhận giao chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên là một bước ngoặt lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân ta.
Từ chỗ ban đầu không có trong kế hoạch tác chiến chiến lược của ta và Pháp, Điện Biên Phủ đã trở thành “điểm hẹn lịch sử”, là nơi để hai bên tiến hành một cuộc tổng giao chiến cuối cùng, quyết định số phận của cuộc chiến tranh.
sao thực dân Pháp lại phá vỡ kế hoạch Nava, từ thế chủ động tiến công chuyển sang thế phòng ngự ở một địa hình rừng núi xa xôi hiểm trở? Vì sao, trong khi chủ trương của ta là tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu của địch, chúng ta lại chọn Điên Biên Phủ, nơi mạnh nhất của thực dân Pháp để tiến công? Bài viết thứ hai trong loạt phóng sự 4 bài “Cuộc đấu trí cân não” với nhan đề “Quyết định lịch sử” sẽ làm rõ hơn về những câu hỏi này.
Ngày 03/12/1953, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương – Nava, chính thức chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với các đại đoàn chủ lực của ta. Dốc sức vào canh bạc cuối cùng này, Nava xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
Trước đó, trong thế chiến thứ nhất, với hình thức phòng ngự Tập đoàn cứ điểm, người Pháp đã giành chiến thắng ở Verdun, đánh bại sự tấn công của quân Đức. Chiến thắng này đã trở thành biểu tượng, niềm vinh quang của nước Pháp.
Đến với chiến trường Việt Nam, thực dân Pháp đã áp dụng hình thức phòng ngự này trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Đó là một trong những cơ sở để người Pháp tin tưởng vào một pháo đài Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm, không thể công phá.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích, năm 1952, Pháp thiết lập Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, quân số và các vị trí chỉ bằng 1/3 ở Điện Biên Phủ. Bộ đội ta đánh 3 lần đều không thành công. Salan - nguyên Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã nhận xét, Điện Biên Phủ mạnh gấp 10 lần Nà Sản. Pháp hoàn toàn tin tưởng nếu chúng ta húc đầu vào đấy thì sẽ thất bại.
Nhưng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng chứa những nhược điểm rất lớn. Con nhím Điện Biên Phủ có tính phòng ngự cứng nhắc, thụ động, bản chất vẫn là các cứ điểm tách rời. Bên cạnh đó, con nhím Điện Biên hoàn toàn bị cô lập giữa vùng rừng núi. Nếu chặn đường tiếp tế hàng không, Điện Biên Phủ sẽ hoàn toàn bị cô lập và mất sức chiến đấu.
Ngày 06/12/1953, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình, Bộ Chính trị đã đi đến quyết định: Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh “Trần Đình”. Vì đây là trận đặc biệt quan trọng, chỉ được thắng nên Bộ Chính trị mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Điều đó đã cho thấy tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch này.
Quyết định chấp nhận giao chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên là một bước ngoặt lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến. Theo PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đó là quyết định lịch sử, vì chỉ có đánh "dập đầu" quân xâm lược, chúng ta mới có thể sớm kết thúc cuộc chiến tranh.
"Trong kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954, ta tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Nhưng tại Điện Biên Phủ thì ta quyết tâm chọn chỗ mạnh nhất vì như thế mới đánh bại được hình thức phòng ngự cao nhất của Tập đoàn cứ điểm của Pháp và làm thất bại Kế hoạch Nava, cũng như làm thất bại mục tiêu muốn kéo dài, mở rộng chiến tranh của pháp. Cho nên chúng ta phải quyết tâm tập trung lực lượng cho bằng được để đánh", PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh cho biết.
Chấp nhận cuộc đụng đầu với quân Pháp thì đánh như thế nào? Bảo đảm hậu cần ra sao? Làm thế nào để bảo đảm chắc thắng? Đó là hàng loạt những câu hỏi, những vấn đề cần giải quyết của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Địch đã hoàn toàn co cụm trong những công sự kiên cố, có hỏa lực mạnh, có xe tăng, có cầu hàng không chi viện, có viện trợ tài chính của Mỹ.
Trong khi đó, ta chưa có pháo lớn, không có xe tăng, bộ đội chưa được trải qua thực tế đánh lớn hiệp đồng binh chủng…Liệu có thể đánh nhanh, giải quyết nhanh trong 2 ngày 3 đêm được không? Sau hàng loạt những cân nhắc, tính toán hết sức thận trọng, kỹ lưỡng và thấu đáo như thế, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải lùi ngày, giờ nổ súng đến 4 lần.
Và có một quyết định mang tính lịch sử, tạo nên bước ngoặt của chiến dịch và cuộc kháng chiến, đó là thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Quyết định này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng ủy Mặt trận thay đổi ngay trước giờ nổ súng.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử nhớ lại kỷ niệm được gặp và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quyết định lịch sử này.
Theo GS Vũ Minh Giang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất rất nhiều đêm trăn trở để đi tới quyết định thay đổi giờ nổ súng. Có một yếu tố rất quan trọng là Đại tướng xót máu xương của người lính. Nếu đánh nhanh, thắng nhanh thì bộ đội ta sẽ phải hy sinh rất nhiều mà chưa chắc đã thắng. Cho nên chuyển sang đánh chắc, tiến chắc, vừa chắc thắng theo lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời còn thể hiện tính nhân văn của một vị tướng là không bao giờ đánh đổi chiến thắng lấy sự hy sinh vô cùng lớn của bộ đội.
Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã trải qua 11 ngày đêm trăn trở, thao thức và một đêm thức trắng để phân tích, lập luận đưa ra cơ sở khoa học thuyết phục đoàn cố vấn và tập thể Đảng ủy Mặt trận.
Thực tế cho thấy, chuyển sang đánh chắc tiến chắc, thời gian có thể kéo dài, bộ đội ta dễ bộc lộ, phải chịu nhiều sức ép từ hỏa lực của đối phương, vật chất, phương tiện bảo đảm cho chiến dịch cũng lớn hơn, nhiều hơn. Nhưng về tổng thể, tương quan toàn diện giữa hai bên và để bảo đảm chắc thắng, thì đánh chắc, tiến chắc sẽ cho chúng ta cơ hội và khả năng chiến thắng cao hơn.
Trung tướng Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng nhận định, đánh chắc, tiến chắc cho ta có nhiều lợi thế, nhưng cũng đòi hỏi một quyết tâm rất lớn. Bởi vì đánh chắc, tiến chắc thì mọi công tác chuẩn bị đều phải kéo dài. Thời gian chiến dịch càng kéo dài thì nhiều khó khăn mới phát sinh.
"Khi chuyển sang đánh chắc, tiến chắc, chúng ta gặp khó khăn về cung cấp tiếp tế tăng lên rất nhiều lần. Nhất là thời gian chiến dịch càng kéo dài thì mùa mưa càng gần lại. Mùa mưa trên chiến trường rất khó khăn cho hoạt động tác chiến. Do vậy không phải ngay từ ngày đầu, mọi người đều thông suốt với phương châm đánh chắc, tiến chắc mà Đại tướng đề ra", Trung tướng Đào Tuấn Anh cho biết.
Sai lầm của Nava từ bước đầu đổ quân lên Điện Biên Phủ lại tiếp nối sai lầm, vì chỉ thấy hết sức mạnh một phía của Tập đoàn cứ điểm mà không thấy hết được chỗ yếu của nó. Dưới góc nhìn của một nhà quân sự tư sản, Nava cũng không thể thấy hết được sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Những đoàn xe thồ, ngựa thồ, những đoàn dân công gánh gạo hàng trăm km từ hậu phương ra tiền tuyến, những gia đình nhường cả đàn bò, đàn gà của mình gửi ra chiến trường, những đồng bào vùng Tây Bắc dù thiếu ăn, đói khổ cũng mang những bát gạo, những hạt muối gửi ra mặt trận. Điều đó đã minh chứng cho thấy, khi quyết định lịch sử đáp ứng được đúng nhu cầu, nguyện vọng tha thiết của nhân dân, nó sẽ mang lại sức mạnh lớn lao như thế nào.
Vậy, khi đã hội tụ đầy đủ những yếu tố, giờ nổ súng được ấn định, chúng ta phải giải quyết bài toán tiến công, phá hủy pháo đài bất khả xâm phạm Điện Biên Phủ như thế nào? Đây là cũng là một cuộc đấu trí cân não mà chiến thắng chỉ giành cho bên nào có ý chí và quyết tâm cao hơn, có tinh thần chịu đựng và chấp nhận gian khổ cao hơn. Nội dung này sẽ có trong bài viết thứ 3 với tựa đề “Siết chặt vòng vây”./.
Báo VOV
Có thể là hình ảnh đen trắng về 4 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
37