Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG THỰC HIỆN QUAN ĐIỂM CỦA DẢNG VỀ THỰC HÀNH DÂN CHỦ VÀ TĂNG CƯỜNG PHÁP CHẾ, BẢO ĐẢM KỶ CƯƠNG XÃ HỘI

 Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn được Đại hội XIII của Đảng chính thức bổ sung. Tăng cường pháp chế là yếu tố bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân được thực hành thực chất và rộng rãi trong thực tiễn; trong khi đó, thực hành dân chủ được mở rộng và phát huy sẽ là điều kiện và tiền đề để pháp chế được tăng cường và kỷ cương trong xã hội được tôn trọng. Trong mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội, thì nhân dân luôn vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu.

Một là, cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân.

Hai là, cần hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước, sao cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế bảo vệ hiệu quả để người dân thực hiện dân chủ trực tiếp, tham gia quản trị nhà nước, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đó là, “tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Theo đó, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố trung tâm, quan trọng trong giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương, phù hợp với mỗi giai đoạn, bối cảnh cụ thể khác nhau. Không thể đưa phương pháp lãnh đạo thời kỳ này áp dụng cho thời kỳ khác. Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tận tụy phục vụ nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong bộ máy nhà nước có nghĩa vụ làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao theo thẩm quyền và khi có yêu cầu. Thực hiện nghĩa vụ này góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa hoạt động của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân nói riêng và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước nói chung.

Năm là, xử lý kịp thời, công minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền làm chủ của nhân dân và các hành vi lạm dụng kỷ cương hạn chế quyền con người, quyền công dân trái Hiến pháp, pháp luật, trên tinh thần hiến định: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế bằng luật. Hiện nay, chế tài đối với hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã được pháp luật quy định khá cụ thể; tuy nhiên, đối với hành vi lạm dụng kỷ cương với những hình thức biểu hiện khác nhau để hạn chế quyền tự do, dân chủ trái Hiến pháp, pháp luật, cũng cần bổ sung các quy định xử lý phù hợp để phòng ngừa và ngăn chặn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét