Đem theo bài học, kinh nghiệm và tinh thần kháng Pháp-Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên những "Điện Biên Phủ mới" đối với đế quốc Mỹ, giành lại trọn vẹn nền độc lập, tự do.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 4-1975 đánh dấu mốc son sau 117 năm đất nước ta sạch bóng quân thực dân, đế quốc xâm lược.
"Cái tang chung của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ"
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra rằng, trong chiến tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa chống bọn thực dân, đế quốc, lúc đầu bao giờ cũng là cuộc chiến đấu của kẻ yếu chống kẻ mạnh. Muốn thắng kẻ địch mạnh hơn không chỉ dựa vào ý chí mà "phải có một đường lối rất tài giỏi". Trong đấu tranh quân sự, đó là lối đánh chắc thắng từng chiến lược, từng trận, từng chiến dịch đến chiến thắng hoàn toàn. Một đường lối như thế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hoạch định từ đầu kháng chiến, dẫn đến thắng lợi Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Sau đó, dấu ấn Điện Biên Phủ lại ghi đậm nét trong trang sử vàng chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19-12-1946), quân dân ta đánh vào các đô thị (Bắc vĩ tuyến 16), nơi quân địch tập trung đông và mạnh, giành thế chủ động để chuyển vào đánh lâu dài, một phương châm chiến lược của cuộc kháng chiến. Sau mở đầu thắng lợi, quân dân ta giành tiếp thắng lợi trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, đánh bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch.
Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông, cuộc kháng chiến của ta trưởng thành lên một bước quan trọng cả về thế và lực. Trên cơ sở đó, bước vào Thu Đông 1950, quân ta mở cuộc tiến công địch ở biên giới và giành được thắng lợi vang dội. Thắng lợi đó đã phá vỡ sự bao vây, phong tỏa của địch, tỏ rõ sự lớn mạnh của Quân đội và sự phát triển nhảy vọt của cuộc kháng chiến. Từ Chiến dịch Biên giới Thu-Đông (năm 1950), ta giành lại thế chủ động chiến lược và liên tiếp giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch tiến công và phản công: Hòa Bình (năm 1951-1952), Tây Bắc (năm 1952), Thượng Lào (năm 1953)...
Trong khi đó, quân Pháp lún sâu thêm vào vũng lầy của cuộc chiến tranh. Lối thoát duy nhất của Pháp là dựa hẳn vào Mỹ, xin thêm nhiều viện trợ để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, giành thắng lợi quân sự quyết định, kết thúc chiến tranh trong danh dự. Về phía Mỹ, từ lâu họ nuôi dưỡng ý đồ gạt Pháp để độc chiếm Đông Dương.
Khi các điều kiện chưa cho phép thực hiện tham vọng đó, Mỹ đã can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, lấn dần quyền của Pháp, tăng cường viện trợ tiền bạc, vũ khí, qua đó buộc Pháp kéo dài, mở rộng, quốc tế hóa chiến tranh. Kế hoạch quân sự Navarre với mục đích xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương là kết quả của sự thỏa thuận Pháp-Mỹ và nằm trong âm mưu chung đó. Từ động thái của quân ta, thực dân Pháp đã tập trung sức mạnh tối đa vũ khí, phương tiện chiến tranh ở Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thành trung tâm điểm của Kế hoạch quân sự Navarre.
Nhưng mọi tính toán và hy vọng mà những kẻ hiếu chiến Pháp-Mỹ gửi gắm vào Điện Biên Phủ đã đổ sụp. Thắng lợi của quân dân ta ở Điện Biên Phủ là hoàn toàn và triệt để trong trận quyết chiến chiến lược, là thắng lợi lớn nhất, oanh liệt nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng thời là một trong những thắng lợi lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Với thắng lợi đó, chúng ta đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva năm 1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thất bại của Pháp đồng thời là thất bại của Mỹ. Điện Biên Phủ là "cái tang chung của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ".
"Điện Biên Phủ đối với Mỹ-ngụy"
Lợi dụng việc quân Pháp thất bại ở Đông Dương và phải rút khỏi nơi đây, Mỹ nhảy vào, trước tiên là ở miền Nam Việt Nam, thực hiện cái gọi là "lấp chỗ trống", dựng nên ở miền Nam Việt Nam chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm rồi thông qua chính quyền đó thực hiện ý đồ thực dân mới.
Chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ ra sức giúp xây dựng để bên trong thì đứng được trên thế "ba chân" (quân sự, chính trị, kinh tế), bên ngoài có "chiếc ô bảo hộ" của khối quân sự Đông Nam Á (SEATO). Tuy nhiên, chính quyền tay sai đó cũng không đứng được lâu. Làn sóng Đồng khởi của đồng bào miền Nam Việt Nam từ cuối năm 1959 đến cuối năm 1960 đã làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm; đồng thời làm phá sản chiến lược Eisenhower; vô hiệu hóa một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, đó là thống trị gián tiếp, thông qua hệ thống "cố vấn" Mỹ và chính quyền tay sai bản xứ Ngô Đình Diệm.
Không cam chịu thất bại, liền sau đó, Mỹ đề ra chiến lược mới, chiến lược Kennedy-một hình thức thống trị mới, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ. Thế nhưng, đế quốc Mỹ cũng không cứu vãn được tình hình miền Nam Việt Nam ngày càng xấu đi. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, ngụy quân Sài Gòn lâm vào tình trạng nguy khốn giống quân viễn chinh Pháp trong thời kỳ bị bao vây ở Điện Biên Phủ năm 1954. Mỹ bị đặt trước sự lựa chọn: Hoặc để mặc cho lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định số phận ngụy quân Sài Gòn như đã làm đối với quân viễn chinh Pháp, hoặc trực tiếp cứu ngụy quân đang có nguy cơ bị tiêu diệt.
Với Mỹ, số phận của quân Pháp ở Đông Dương không phải là điều kiện quyết định sự sống còn của họ ở đây. Còn với ngụy quân Sài Gòn, con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ thì trái lại. Sự sụp đổ của quân ngụy sẽ như một phản ứng dây chuyền dẫn đến sự sụp đổ cơ đồ thực dân mới mà Mỹ đã cố công tạo dựng hơn mười năm, tất yếu dẫn đến sự ra đi của quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam và Đông Dương. Do đó, dù phải trả giá đắt, bọn hiếu chiến Mỹ cố giữ cho được ngụy quyền tay sai bằng mọi biện pháp, kể cả một cuộc can thiệp trực tiếp của quân viễn chinh Mỹ, kiểu cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Mỹ ỷ vào sức mạnh, bất chấp bài học từ thực tế lịch sử, lời khuyên từ nhiều phía và lời cảnh cáo của Việt Nam về một "trận Điện Biên Phủ" đang chờ đón chúng.
Sau thất bại mùa khô 1965-1966, đề phòng đòn tiếp theo của quân ta, Mỹ đưa quân chiếm Khe Sanh (nằm trên Đường số 9 giáp biên giới Việt-Lào) và chốt giữ vị trí chiến lược quan trọng này. Đến cuối năm 1967, trước áp lực mạnh của quân ta, Mỹ tăng cường lực lượng cho Khe Sanh và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm 3 cụm cứ điểm Tà Cơn, Hướng Hóa, Làng Vây. Quân Mỹ đóng ở đây thường xuyên gần một vạn tên, gồm các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, lực lượng pháo binh, thiết giáp và hàng vạn tên khác sẵn sàng ứng cứu, được sự yểm trợ mạnh của pháo binh và không quân, cả máy bay chiến lược B-52.
Với lực lượng được tăng cường và tin vào sức mạnh của vũ khí, Mỹ đặt quyết tâm "bảo vệ Khe Sanh bằng mọi giá". Trong quá trình quân ta tiến công Khe Sanh (từ tháng 1 đến tháng 7-1968), cuộc tiến công nghi binh mở đầu Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhất là sau mỗi lần thất bại trong âm mưu giải vây Khe Sanh, đế quốc Mỹ lại bị nỗi ám ảnh "Điện Biên Phủ" giày vò.
Họ buộc phải thay đổi ý định "bảo vệ Khe Sanh bằng mọi giá" chuyển sang tháo chạy khỏi Khe Sanh. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam Việt Nam trong dịp Tết Mậu Thân với trận nghi binh mở đầu ở Khe Sanh (tháng 1-1968) tiếp sau những chiến thắng vang dội trong mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 là đòn sấm sét giáng vào đội quân xâm lược Mỹ.
Với "Học thuyết Nixon" và chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”, cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam càng tăng cường và mở rộng ra toàn Đông Dương. Họ hy vọng giúp quân ngụy giành thắng lợi quân sự-chính trị quyết định để "tự gánh vác chiến tranh" và để Mỹ rút dần khỏi cuộc chiến tranh, thực hiện "phi Mỹ hóa" chiến tranh được nêu ra sau đòn Tết Mậu Thân. Nhưng tất cả chỉ vô vọng.
Quân Mỹ, quân ngụy tiếp tục bị những đòn tiến công mạnh mẽ của quân dân ta, của các lực lượng yêu nước Lào và Campuchia ngay từ những ngày đầu chúng tăng cường và mở rộng chiến tranh. Vì vậy, cuối năm 1972, Nixon mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 lớn chưa từng có vào Hà Nội, Hải Phòng. Sử dụng đến mức cao nhất sức mạnh tàn bạo của không quân và những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật vào cuộc tập kích chiến lược có một không hai trong lịch sử chiến tranh, Nixon mưu toan giành thế mạnh trong đàm phán.
Chúng ta không có ý định biến Hà Nội, Hải Phòng như một Điện Biên Phủ, nhưng khi kẻ thù muốn như vậy và gây nên sự chết chóc, tàn phá ở đó, thì chúng ta đủ quyết tâm và lực lượng để biến nó thành một Điện Biên Phủ. Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã lập nên chiến công vang dội, chấn động địa cầu, giống trận Điện Biên Phủ năm 1954 đối với Pháp. Trận "Điện Biên Phủ trên không" trở thành mồ chôn "uy thế không lực Hoa Kỳ". Với thắng lợi này, chúng ta đã buộc Mỹ đi đến ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Việc đội quân viễn chinh Mỹ rút hết về nước cùng với viện trợ của Mỹ cho quân ngụy giảm đáng kể đã làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng ở miền Nam có lợi cho cách mạng, tạo cho cách mạng nước ta điều kiện thuận lợi để tiến lên giành thắng lợi mới. Căn cứ vào tình hình đó cùng tính toán chiến lược của các nước lớn, phát hiện và nắm thời cơ chiến lược mới, chúng ta đi đến quyết định triển khai một trận quyết chiến chiến lược với Mỹ-ngụy để giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong gần hai tháng qua nhiều chiến dịch lớn với đỉnh cao là chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quân ở Sài Gòn, đập tan hoàn toàn đội quân tay sai được Mỹ tổ chức, huấn luyện, trang bị, chỉ huy; đánh sập hoàn toàn cơ đồ thực dân mới mà Mỹ cố công xây dựng hơn hai thập kỷ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét