Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội của thế lực thù địch xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc, chống phá liên quan đến bộ máy chính trị của Việt Nam. Cụ thể, chúng đưa ra một số luận điệu như “khủng hoảng nhân sự cấp cao”, “Hai Chủ tịch nước rớt chức trong một năm là tín hiệu đáng lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài”, “việc ông Thưởng rớt đài đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ bất ổn tại Việt Nam”,…
Luận điệu xuyên tạc liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng của các thế lực thù địch
Luận điệu xuyên tạc liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng của các thế lực thù địch
Đất nước chúng ta vừa trải qua một sự thay đổi lớn về bộ máy chính trị mà ở đó, việc xử lý cán bộ vi phạm cho thấy sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng hơn bao giờ hết. Có thể thấy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang được đẩy mạnh, giúp cho đất nước ta không ngừng ổn định, phát triển, tạo thế và lực cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và quyết liệt, không ngừng, không nghỉ với quan điểm không có vùng cấm, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có ngoại lệ, không có đặc quyền và được tiến hành sâu rộng từ Trung ương đến địa phương. Quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.
Ngày 30/6/2022, tại Hà Nội, trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ rõ: Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương,... Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn, nước ta vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn là điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ sự ổn định về chính trị và chính sách cởi mở, hội nhập sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp thời gian vừa qua đã giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh.
Bất chấp những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của đất nước ta, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn không ngừng rêu rao cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ, xử lý hàng loạt cán bộ làm mất ổn định chính trị, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Có thể thấy, mục đích của các thế lực thù địch nhằm tạo “hoài nghi” về tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách cũng như phủ nhận quyết tâm, kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng tích cực lợi dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội và sự thiếu thông tin, hiểu biết của một bộ phận người dân để đăng tải các tin bài, video clip với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ nạn tham nhũng của Việt Nam đang xảy ra ở khắp mọi nơi.
Từ thực tế trên, cán bộ, Đảng viên và người dân cần nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc cũng như âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu suy diễn, xuyên tạc liên quan đến việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thiết thực (đa dạng, linh hoạt về nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, đồng thời, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ về hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng) để đạt được hiệu quả cao nhất./.
Tác giả: Thu Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét