Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

CHIẾN HÀO - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

 


Khi Bộ chỉ huy quân sự của Pháp chọn Điện Biên Phủ với âm mưu chiếm giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng, bảo vệ kinh đô Luông Pha Băng, làm bàn đạp để chiếm lại Tây Bắc, uy hiếp hậu phương của ta, buộc ta phải phân tán binh lực giữ đồng bằng và rừng núi. Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc các tướng tá của Pháp và Mỹ xác nhận đây là một “tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”

Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Ngày 5/1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Do đó, Đảng ta đã chỉ đạo chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” quân ta đã từng bước hình thành thế trận “trói chặt” địch lại bởi hệ thống chiến hào dài hàng trăm ki-lô-mét được ken dày và ngày càng siết chặt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu.  Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch.

Là chiến dịch tiến công, song bộ đội bí mật làm nhiều công sự dã chiến, nhiều hào chiến đấu, hào giao thông áp sát các cứ điểm của địch. Hệ thống công sự trận địa này giúp cán bộ, chiến sĩ cơ động an toàn, tạo thế tiến công địch liên tục dài ngày, hạn chế được thương vong. Để thực hiện cách đánh của chiến dịch là vây hãm, tiến công, đột phá lần lượt, vấn đề mấu chốt phải giải quyết là xây dựng trận địa tiến công. Ở Điện Biên Phủ, mạng đường chiến dịch có nét độc đáo riêng, đó là hệ thống chiến hào, giao thông hào vừa là đường cơ động chiến đấu, vận chuyển, vừa là công trình chia cắt, vây lấn địch rất hiệu quả. Việc đào chiến hào được bộ đội ta tiến hành chủ yếu vào ban đêm, đào đến đâu thì ngụy trang đến đó và tiến hành trên khắp mặt trận để phân tán sự chống phá, kháng cự của kẻ thù, chúng dùng pháo binh và không quân đánh phá, đưa bộ binh phá hoại và gài những bãi mìn nhưng vẫn không ngăn được những chiến hào luôn vươn đến, như những chiếc thòng lọng dần dần siết chặt cổ quân địch, buộc chúng phải hạ vũ khí đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của nhiều yếu tố mà trong đó là thắng lợi của nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta. Bằng cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mặc dù không có máy bay, xe tăng, pháo lớn, lại xa căn cứ hậu phương, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Sau 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 16.200 tên địch (gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược), phá hủy, thu hồi nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Thắng lợi lừng lẫy của Chiến dịch đã để lại nhiều bài học quý cả về lý luận và thực tiễn, khẳng định sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét