Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Phá vỡ âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch phản động, bằng cách xây dựng và thực hiện thành công các chính sách dân tộc của Đảng

 

 Tập trung xây dựng và thực hiện thành công chính sách dân tộc, trên cơ sở đó thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, góp phần phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, cách thức chống phá của các thế lực thù địch.






Để phòng, chống hiệu qủa việc lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta của các thế lực thù địch, trước hết chúng ta cần nhìn nhận và đặt vấn đề này trong bối cảnh mới: Toàn cầu hoá và truyền bá thông tin - công nghệ diển ra mạnh mẽ; mâu thuẫn trong quan hệ dân tộc diễn ra gay gắt ở nhiều nơi; ngày càng gia tăng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên biên giới quốc gia và không bị phụ thuộc vào chế độ chính trị; vấn đề dân tộc và tôn giáo đan xen, tác động lẫn nhau; quan hệ dân tộc, quân hệ tôn giáo không bị cản trở bởi biên giới quốc gia, lịch sử, tâm lý và văn hoá tộc người; các thế lực và tổ chức phản động trong và ngoài nước ráo riết hoạt động chống phá ta trong vấn đề dân tộc, tôn giáo;... Trong bối cảnh như vậy, công tác nghiên cứu và công tác chính sách dân tộc đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu cơ bản, tổng kết lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng hệ thống cơ sở lý luận vững chắc, giải pháp khả thi để góp phần thực hiện thành công các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời chủ động phòng, chống hiệu quả hơn những nội dung và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tộc người để chống phá nước ta. Xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc cần đặc biệt ưu tiên các nội dung sau:

Một là, giải quyết vấn đề khác biệt về nguồn gốc lịch sử và quá trình phát triển của các dân tộc, chính sách dân tộc và công tác dân tộc của nước ta hiện nay một mặt cần tiếp tục chú ý bảo tồn, phát huy các bản sắc riêng của từng dân tộc, nhưng không nên đề cập hay nhấn mạnh quá mức đến sự khác biệt về nguồn gốc lịch sử, quá trình phát triển của các dân tộc, vì vấn đề này luôn gắn với tâm lý và ý thức dân tộc với tâm lý và ý thức quốc gia. Đặc biệt, chính sách cần tập trung sâu sắc hơn vào việc củng cố, tăng cường và nâng cao ý thức quốc gia, ý thức công dân Việt Nam. Phát triển những nhân tố gắn bó các dân tộc với tổ quốc và lòng tự hào dân tộc cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Hai là, phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và giải quyết các vấn đề còn tồn tại hoặc mới nảy sinh, chính sách dân tộc cần chú trọng tăng cường phát triển và quản lý hiệu quả hơn các mối quan hệ dân tộc, giảm thiểu mâu thuẫn cục bộ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, đặc biệt lưu ý các mối quan hệ dân tộc mang tính chiến lược, cơ bản nhất là giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh đa số; giữa người dân các dân tộc với quốc gia Việt Nam (tức với Đảng và Nhà nước), mà cụ thể là với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước ở địa phương, vì luôn gắn bó chặt chẽ, trực tiếp với nhân dân. Tăng cường hiệu quả và thiết thực (tránh bệnh hình thức) công tác dân vận, kết nghĩa hỗ trợ giữa các địa phương, giữa những tổ chức và doanh nghiệp với các cộng đồng dân cư, giữa các cộng đồng dân cư khác dân tộc với nhau. Khuyến khích hôn nhân hỗn hợp dân tộc để hình thành những mối quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng giữa các dân tộc, các vùng miền.

Ba là, giải quyết các vấn đề về sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc, vùng miền và địa phương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc cần gắn kết hơn nữa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường một cách hài hòa. Hạn chế dần sự bất bình đẳng trong phát triển và phân hóa xã hội, nhất là khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, vùng miền và bộ phận dân cư ở trong nước cũng như với đồng tộc của họ và dân tộc khác ở bên kia biên giới. Qua đó góp phần phòng chống hiệu quả những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề bất bình đẳng về phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, bộ phận dân cư để chống phá nước ta.

Bốn là, tăng cường vai trò, ảnh hưởng của người Kinh trong quá trình phát triển vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cũng như giải quyết các vấn đề tồn tại và mới nảy sinh, cùng với chính sách quản lý, phát huy các giá trị của quan hệ dân tộc tốt đẹp truyền thống giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - xã hội, cần tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền giáo dục cho người Kinh sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số ý thức tôn trọng văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của các dân tộc anh em. Đặc biệt là xây dựng và phát triển ý thức, phương thức làm ăn chính đáng, hiểu quả đảm bảo cùng có lợi giữa các dân tộc.

Năm là, giải quyết các vấn đề về những động thái dân số và sự tái phân bố dân cư, dân tộc, chính sách quản lý và phát triển dân số, dân cư của Nhà nước ta cần đảm bảo không để tại các địa bàn trọng yếu về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, môi trường, nhất là vùng biên giới và hải đảo, hình thành những cộng đồng người nước ngoài cùng gia đình của họ quá tập trung và cư trú lâu dài; các doanh nghiệp nước ngoài thuê diện tích đất rừng và mặt nước rộng lớn, trong thời gian quá dài; và các cộng đồng người liên kết theo dân tộc - tôn giáo. Tiến hành phân bố và củng cố các cộng đồng dân tộc, tôn giáo sinh sống xen kẽ với nhau. Khuyến khích kết hôn giữa các dân tộc để hình thành những mối quan hệ về kinh tế, xã hội, văn hóa, gia đình,... Tại những vùng biên giới, vùng trọng yếu của đất nước, cần qui hoạch các khu vực đủ rộng để xây dựng những khu chính trị, hành  chính, kinh tế, xã hội và văn hóa của Nhà nước Trung ương và chính quyền địa phương; các mô hình thanh niên lập nghiệp, các khu gia binh; các vùng kinh tế chuyên canh chất lượng cao; các khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ ổn định, phát triển để làm phên dậu cho đất nước; để người dân ở vùng biên cương không bị ly tâm ra nước ngoài mà hướng về tổ quốc Việt Nam.

Sáu là, phát huy các giá trị và hạn chế những tác động tiêu cực của các cộng đồng dân tộc - tôn giáo liên quan tới các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa của các dân tộc và quốc gia đang diễn ra tại một số địa phương và một số tộc người, quá trình hoạch định, triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc cần chú ý đến mối quan hệ cũng như sự tác động hữu cơ của các vấn đề này ở trong và ngoài nước. Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho các dân tộc, tôn giáo phát triển bình đẳng, không để nảy sinh thêm và làm trầm trọng hơn những mẫu thuẫn cục bộ giữa những người theo và không theo tôn giáo, giữa tín đồ dân tộc thiểu số và tín đồ dân tộc đa số, giữa các tổ chức tôn giáo và tín đồ với chính quyền địa phương. Củng cố niềm tin của các tín đồ và chức sắc tôn giáo đối với chế độ ta, thông qua việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại để khắc phục những vấn đề còn tồn tại; tranh thủ những nhân tố tích cực, thu hút các tôn giáo và tín đồ góp phần xây dựng quê hướng và bảo vệ đất nước. Tôn trọng, tranh thủ, sử dụng đội ngũ trí thức, những người có uy tín của tôn giáo và dân tộc để họ lãnh đạo, tập hợp tín đồ và người dân ủng hộ, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, đồng thời chống lại những tổ chức và hoạt động tôn giáo cực đoan.

Bẩy là,  giải quyết vấn đề bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của các dân tộc và phát triển ngôn ngữ quốc gia hiện nay cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về mọi lĩnh vực của ngôn ngữ các dân tộc ở nước ta hiện nay, đồng thời đánh giá vai trò, ảnh hưởng của các chính sách, phương tiện thông tin và truyền thông, công tác xuất bản, chương trình giáo dục song đa ngữ... đến ngôn ngữ trước đây và hiện nay. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược tổng thể, chính sách phù hợp, giải pháp khả thi về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần xác định rõ vai trò, vị trí và ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc không thể thay thế của ngôn ngữ chung quốc gia, nhất là yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác xây dựng, tăng cường tính thống nhất của văn hóa quốc gia, ý thức quốc gia và khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Tám là, giải quyết vấn vấn đề bản sắc văn hóa của các tộc người với xây dựng văn hóa quốc gia, chính sách bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay cần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa của các dân tộc có lợi và phù hợp cho việc xây dựng tính thống nhất của văn hóa quốc gia. Đồng thời cần củng cố, tăng cường và phát triển các giá trị chung của văn hóa quốc gia, để tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố tích cực của văn hóa nhân loại, góp phần đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lại và các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc trở thành động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc tổ quốc.

Để thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và hạn chế sự chống phá nước ta trên lĩnh vực dân tộc của các thế lực thù địch, từ kết quả nghiên cứu và tình hình thực tế của đất nước hiện nay cho thấy, trong thời gian tới công tác dân tộc và nghiên cứu về dân tộc của nước ta cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định rõ trong những văn kiện của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp, đồng thời chú ý đến một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thế giới, khu vực và đất nước. Trên cơ sở đó góp phần phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, cách thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét