Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình bám dân, bám ấp để vận động, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Một trong những mô hình mang lại nhiều kết quả trong công tác bám nắm địa bàn là mô hình đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ ấp thuộc xã biên giới. Đây là chủ trương của Tỉnh ủy Tây Ninh, được triển khai từ năm 2016. Tính đến nay, đã có hàng nghìn lượt đảng viên BĐBP tham gia sinh hoạt ở các chi bộ ấp thuộc khu vực biên giới.
Thượng tá Đỗ Quốc Hùng, Trưởng ban Vận động quần chúng (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Tham gia các buổi sinh hoạt, bên cạnh việc cung cấp, chia sẻ cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ những thông tin liên quan đến tình hình quản lý, bảo vệ biên giới, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... các đảng viên BĐBP còn tham mưu, tư vấn, giúp đỡ chi bộ chuẩn bị nội dung tổ chức sinh hoạt, ghi chép sổ sách thống kê, tiếp nhận sinh hoạt, giới thiệu chuyển sinh hoạt cho đảng viên... theo đúng quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; đồng thời nắm bắt tình hình địa bàn, những biểu hiện nghi vấn của các đối tượng, phục vụ tốt cho công tác giữ gìn an ninh trật tự địa phương”.
Mặt khác, có đảng viên BĐBP tham gia sinh hoạt, chi bộ ấp tiếp cận được nhiều chủ trương, chính sách mới nên năng lực lãnh đạo của chi bộ cũng được nâng lên đáng kể. Theo đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (Tây Ninh), từ ngày có đảng viên của các đồn biên phòng về sinh hoạt tại chi bộ các ấp, chất lượng lãnh đạo có nhiều chuyển biến tiến bộ. Những chủ trương, biện pháp lãnh đạo của đảng ủy xã được quán triệt tới từng đảng viên và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn, đặc biệt là năng lực tham mưu của cấp ủy chi bộ ngày càng sát thực tế địa bàn, dân cư.
Cùng với mô hình này, BĐBP tỉnh Tây Ninh còn thực hiện tốt mô hình đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ đặc biệt ở khu vực biên giới; cử đảng viên tham gia cấp ủy địa phương... Để những mô hình trên phát huy tác dụng, đội ngũ cán bộ, đảng viên biên phòng phải có trình độ lý luận chính trị tương ứng, giỏi tham mưu, nắm chắc đặc điểm địa bàn, tình hình kinh tế, quốc phòng, an ninh, trật tự tại địa phương và nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, bám dân, sát cơ sở. Do vậy, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tích cực cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng tham mưu; phối hợp mở các lớp học tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, vận động quần chúng... cho cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên trước khi giới thiệu tham gia cấp ủy địa phương.
Để tăng cường gắn kết và thiết thực hỗ trợ nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, BĐBP tỉnh còn duy trì đều đặn mô hình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”. Các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa được hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đến trường, hoặc được nhận nuôi tại đồn biên phòng. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có hàng trăm cháu được các đồn biên phòng chăm lo, nuôi dưỡng.
Trong số đó, có 12 cháu đã và đang theo học các trường cao đẳng, đại học; nhiều cháu có việc làm ổn định. Cô giáo Đặng Thị Thanh Hằng, Trường Mầm non Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của các chú BĐBP thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, tôi đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo. Bằng kiến thức, tình cảm và trách nhiệm của mình, tôi sẽ dìu dắt học sinh để các em khôn lớn, trưởng thành, có ích cho xã hội”...
Theo thống kê, dân số tỉnh Tây Ninh hiện có khoảng 1,19 triệu người, thuộc các dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa... Toàn tỉnh có 20 xã biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ở các xã biên giới luôn có lực lượng biên phòng và dân quân bám nắm, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà con khi cần thiết. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, BĐBP tỉnh phối hợp tổ chức nhiều chương trình giúp dân thiết thực như: “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, “Mái ấm biên cương”...; tổ chức khám bệnh, tặng quà, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; mời chuyên gia pháp luật tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân và triển khai các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, văn nghệ... góp phần củng cố tình đoàn kết quân dân.
Đại tá Phạm Đình Triệu, Chính ủy BĐBP tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: “Muốn hoàn thành nhiệm vụ phải dựa vào dân, mà muốn dân tin, dân ủng hộ thì phải bám dân, gần dân, tuyên truyền, vận động, kết hợp với những việc làm thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển an sinh xã hội, xây dựng cơ sở chính trị an toàn, vững mạnh, khu dân cư no ấm, yên vui”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét