Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.


Có thể nói, C.Mác và Ph.Ăngghen luận giải sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân xuất phát từ cơ sở xác định vai trò của các giai cấp trong lịch sử. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp, ở mỗi thời đại lịch sử, các giai cấp có vai trò khác nhau đối với lịch sử của mỗi dân tộc và lịch sử thế giới. Giai cấp cách mạng, tiến bộ, đại diện cho lực lượng sản xuất mới thì thúc đẩy sự phát triển của dân tộc, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Ngược lại, giai cấp lỗi thời, bảo thủ, phản động thì kìm hãm sự phát triển của lịch sử.

Khi còn là giai cấp cách mạng, giai cấp tư sản đã có vai trò to lớn đối với sự phát triển của CNTB ở mỗi nước và đối với lịch sử thế giới. Chính giai cấp tư sản đã phá bỏ thành lũy phong kiến, thúc đẩy sự thống nhất giữa các dân tộc; nêu ra tư tưởng về sự giải phóng con người trong cách mạng tư sản; tạo ra của cải vật chất to lớn cho CNTB và nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nó đã bộc lộ tính chất lỗi thời, phản động sâu sắc, tác động to lớn, kìm hãm sự phát triển của các dân tộc và lịch sử thế giới. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc xuất hiện đã dẫn đến thời kỳ của sự áp bức, nô dịch các dân tộc trên thế giới, mà bản chất của chủ nghĩa đế quốc chính là sự phản động cùng cực của giai cấp tư sản.

Khi giai cấp tư sản đã bộc lộ tính chất lỗi thời, phản động thì việc một giai cấp xuất hiện để phủ định nó, nhằm giải phóng áp bức giai cấp, áp bức xã hội, áp bức con người là điều tất yếu. Như vậy, sự xuất hiện của giai cấp công nhân là tất yếu khách quan. Giai cấp công nhân mang đầy đủ thuộc tính của giai cấp cách mạng.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày về nguồn gốc ra đời của giai cấp công nhân. Về nguồn gốc kinh tế, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng sự ra đời của giai cấp công nhân gắn với nền công nghiệp hiện đại, từ mục đích phát triển quy mô sản xuất và tích lũy tư bản của nhà tư sản. Về nguồn gốc xã hội, giai cấp công nhân được tuyển mộ từ trong tất cả các giai cấp, tầng lớp của xã hội.

Đặc trưng chủ yếu của giai cấp công nhân là không có tư liệu sản xuất, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản, địa vị xã hội là người làm thuê và bị bóc lột; giai cấp công nhân là hiện thân của lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, có tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả, có tính tổ chức, kỷ luật cao, có tình đoàn kết giai cấp...

C.Mác và Ph.Ăngghen dựa trên cơ sở địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân để luận chứng cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp đó, chứ không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của bất kỳ một cá nhân hoặc một lực lượng xã hội nào. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, chế độ TBCN đã từng chiến thắng chế độ phong kiến bởi vì giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất mới, đại diện cho nhân tố mới trong thực tiễn xã hội đang mục ruỗng, lạc hậu của chế độ phong kiến. Và giai cấp công nhân chính là một lực lượng mới trong xã hội tư bản, là sản phẩm của nền đại công nghiệp, là lực lượng sản xuất tiên tiến đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Chính vì vậy, C.Mác đã đặt ra “Vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản ra là gì, và phù hợp với sự tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử”(1).

Nói về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen viết, “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản thì trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(2). Chính vì bị đẩy xuống đáy tận cùng của nấc thang xã hội, giai cấp công nhân trở thành nơi hội tụ của những khao khát được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà tất cả những người lao động có thể gửi gắm ủy thác. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng xã hội. Giai cấp công nhân có quyền nhân danh lợi ích toàn xã hội để đứng ra tập hợp các giai cấp, các tầng lớp bị áp bức, bóc lột, những phần tử tiên tiến trong cuộc đấu tranh đó. Cuộc đấu tranh ấy được bắt đầu ngay từ khi giai cấp công nhân ra đời, trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ tự phát đến tự giác, cuối cùng kết thúc bằng cuộc cách mạng XHCN, trong đó giai cấp công nhân lãnh đạo tất cả những người lao động dùng bạo lực lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, “giai cấp tư sản không những đã rèn nên vũ khí sẽ giết nó mà còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy - những người công nhân hiện đại, những người vô sản”(3).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét