Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản


Đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân nên vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản cũng xuất phát từ bản chất cách mạng và vai trò của giai cấp ấy.

Khi phân tích về các giai tầng trong xã hội từ khi giai cấp công nhân xuất hiện, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, trong tất cả các giai cấp tồn tại cùng với giai cấp công nhân, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp hội đủ các yếu tố của một giai cấp lãnh đạo xã hội. Chỉ có giai cấp công nhân mới đủ sức cầm ngọn cờ cách mạng định hướng cho con đường đi của lịch sử nhân loại. Điều này không phải là mong muốn của chủ quan của giai cấp công nhân hay nguyện vọng của C.Mác như nhiều quan điểm lập luận. Sở dĩ giai cấp công nhân có được vai trò và sứ mệnh ấy bởi lẽ, giai cấp công nhân có sự khác biệt với tất cả các giai tầng khác về địa vị trong phương thức sản xuất, về tính tổ chức, tính kỷ luật và hệ tư tưởng.

Giai cấp công nhân ra đời và phát triển trong nền công nghiệp hiện đại với phương thức lao động đặc trưng là gắn liền với dây chuyền máy móc, sản xuất tập trung, theo chu trình khép kín. Chính điều này làm cho giai cấp công nhân có tính kỷ luật chặt chẽ. Tính kỷ luật chặt chẽ làm cho giai cấp công nhân thống nhất được hành động, thống nhất được lợi ích, qua đó thống nhất được nhận thức, tư tưởng. Nói cách khác, khi nhận thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân được hình thành. Hệ tư tưởng đã trở thành vũ khí trong cuộc đấu tranh giải phóng chính giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao trên phạm vi toàn thế giới. Trong lịch sử, một giai cấp chỉ khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình nếu có hệ tư tưởng. Nếu không có hệ tư tưởng thì các phong trào cách mạng chỉ có tính chất tự phát, tạm thời, kiểu “lửa rơm chóng tắt”(4), chứ không thể “lay chuyển những khối quần chúng đông đảo, những dân tộc trọn vẹn; rồi đến những giai cấp trọn vẹn trong mỗi dân tộc”(5), “đến chỗ tiến hành những hành động lâu dài đưa đến những biến đổi lịch sử vĩ đại”(6).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét