Tài thao lược của Đảng 

Sau những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, đặc biệt là thất bại trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối năm 1972 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973). Tuy nhiên, khi hiệp định còn chưa ráo mực, bất chấp khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, Mỹ và ngụy Sài Gòn đã ra sức phá hoại Hiệp định Paris, thực hiện kế hoạch “bình định, lấn chiếm” bằng thủ đoạn “tràn ngập lãnh thổ”.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương, khóa III (10-1973) họp, ra nghị quyết nêu rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Thực hiện nghị quyết này, từ đầu năm 1974, quân ta ở các chiến trường trên toàn miền Nam chuyển sang phản công và tiến công, quyết tâm đánh bại âm mưu lấn đất, giành dân, từng bước đẩy lùi địch về thế phòng ngự bị động.

Chiến dịch Tây Nguyên - 47 năm nhìn lại
Nhân dân Kon Tum mừng ngày giải phóng, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 

Tháng 10-1974, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng... Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975-1976”.

Đầu tháng 1-1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976) và nếu có thời cơ thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhìn chung, nội dung tư tưởng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đều khẳng định thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn đã xuất hiện, phải chuẩn bị mọi mặt, tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, chớp thời cơ giành thắng lợi bằng con đường cách mạng bạo lực. Đường lối đó nhanh chóng được phổ biến, quán triệt tới lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường.

Vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi giòn giã

Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, đánh Buôn Ma Thuột là trận mở đầu, then chốt. Đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt. 

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tăng cường cho Tây Nguyên một số lượng lớn về lực lượng, vũ khí, trang bị. Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã tiến hành công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu đáo; các đơn vị được lệnh tuyệt đối giữ bí mật, không để địch phát hiện ý định chiến dịch và lực lượng ta trên hướng tác chiến chủ yếu (Buôn Ma Thuột); tích cực hoạt động nghi binh làm lạc hướng chú ý của địch ở Trị-Thiên và Bắc Tây Nguyên.

Ngày 4-3-1975, ta bắt đầu hoạt động cắt Đường số 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế chiến dịch. Sau khi đã hoàn thành việc “bày binh bố trận”, ngày 10-3-1975, ta nổ súng tiến công, đánh đòn "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột. Bằng cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng của các đơn vị, ta nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy sư đoàn 23 và sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc của quân ngụy Sài Gòn, chiếm tất cả các vị trí trong thị xã, tiêu diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân địch.

Tiếp đó, ta nhanh chóng đập tan cuộc phản đột kích của quân đoàn 2 địch hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột, diệt trung đoàn 44 và trung đoàn 45, thuộc sư đoàn 23. Đòn "điểm huyệt" và đánh bại cuộc phản kích của sư đoàn 23 khiến địch càng hoảng loạn, đẩy chúng từ sai lầm về chiến dịch tới sai lầm lớn về chiến lược: Rút bỏ Tây Nguyên theo Đường số 7 về đồng bằng. Cuộc truy kích của quân và dân ta trên Đường số 7 đã tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn của địch, giải phóng một địa bàn chiến lược rộng lớn. Đến ngày 3-4-1975, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi.

Với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, làm rung động toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở phía Bắc, phá vỡ và cắt đôi thế bố trí chiến lược của địch, làm cho quân địch phải co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường, mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược.

Chiến thắng Tây Nguyên đã đẩy đối phương vào thế bị động, lúng túng, tác động đến tinh thần binh sĩ địch trên khắp chiến trường; cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần và khí thế tiến công của quân, dân ta ở tiền tuyến và hậu phương, củng cố quyết tâm chiến đấu và lòng tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào thắng lợi cuối cùng.

Điểm cần nhấn mạnh, Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ là sự chỉ đạo đánh hiệp đồng quân binh chủng, phối hợp giữa 3 thứ quân, mà còn là sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng về phát huy vai trò của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tham gia chiến dịch.

Trong chiến dịch này, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên không chỉ chủ động tham gia mở đường, vận tải phục vụ các đơn vị chủ lực và các hoạt động nghi binh lừa địch mà còn phối hợp với các đơn vị chủ lực hoạt động tác chiến trong truy quét tàn quân địch, nổi dậy phá “ấp chiến lược”, lật đổ chính quyền địch; tham gia giữ gìn, bảo vệ thành quả cách mạng.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là dấu ấn đậm nét trong dòng chảy lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, đặc biệt là đối với sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.