Mấy ngày nay tôi thấy bạn bè like, chia sẻ, bình luận khá nhiều về bức tâm thư của một người dân quê Hải Dương gửi Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đặt tên các tỉnh sáp nhập. Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần. Thú thật, anh bạn đó viết khá dài, khá hay, tư liệu phong phú, thể hiện ý kiến khá thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của người dân về việc này; đó là điều tốt cho dân tộc, cho đất nước. Người dân đồng tình ủng hộ công cuộc cải cách bộ máy hành chính của Đảng, của Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, anh bạn cũng trăn trở, tâm tư về cách đặt tên của các tỉnh mới sáp nhập “Cảm giác như bị áp đặt thiếu tính tham vấn; khiến nhiều người cảm thấy đứng ngoài cuộc”. Tôi nghĩ anh bạn nên tìm hiểu kỹ quy trình của Bộ Chính trị về việc này qua Kết luận số 26, 27 của Bộ Chính trị. Việc này đã được các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước xây dựng đề án; Bộ Chính trị xem xét nhiều lần, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trước khi đưa ra BCHTW Đảng, Quốc hội. Đây không phải là vấn đề mới, đã được Trung ương đề ra trong các nghị quyết Đại hội trước đây chỉ khác là lần này Đảng ta triển khai quyết liệt hơn, quyết tâm hơn.
Vấn đề đặt tên cho các tỉnh mới sáp nhập như thế nào cũng được Trung ương tính toán kỹ trên tinh thần khách quan, khoa học. Bạn cho rằng tên mới chỉ giữ lại một tỉnh trong nhóm sáp nhập người dân các tỉnh còn lại có cảm giác như bị “xoá sổ” theo tôi là chưa phù hợp. Có nhiều phương án để đặt tên tỉnh mới, đặt tên theo kiểu ghép tên các tỉnh lại như trước kia; lấy tên một tỉnh trong số các tỉnh sáp nhập hay đặt tên mới? Mỗi một phương án đặt tên đều có những ưu điểm, hạn chế riêng nhưng Trung ương xem xét lựa chọn phương án nào có lợi nhất xét trên các yếu tố địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội. Phương án ghép tên các tỉnh sáp nhập trung dung giữ được một chút tên địa phương mình nhưng có gì đó thiên cưỡng; phương án đặt tên mới cũng không hay xoá hết tên các tỉnh; phương án chọn một tỉnh “nổi trội” hơn trong số các tỉnh sáp nhập để đặt tên cũng là một sự lựa chọn hay vừa ít tốn kém về chi phí xã hội, ít nhất cũng giữ được tên gọi của một địa phương còn hơn là xoá hết. Tuy nhiên việc đặt tên này mỗi người dân, mỗi địa phương cần “gác tình riêng để mưu sự nghiệp chung”; gác bỏ suy nghĩ “việc đặt tên có tính chất thiên vị, gây tâm lý lo ngại tỉnh mình lép vế hơn tỉnh khác, khơi dậy sự nhạy cảm về vùng miền, tâm lý được mất nỗi lo vị thế của địa phương”. Theo dõi dư luận xã hội dù có ít nhiều tâm tư về cách đặt tên và thủ phủ tỉnh mới nhưng cơ bản là đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về cuộc cách mạng “cải cách bộ máy hành chính” mang tính lịch sử lần này, không có chuyện “tạo ra làn sóng bức xúc lan rộng trên mạng xã hội, làm bùng phát tranh cãi gay gắt giữa các địa phương dẫn đến mâu thuẫn vùng miền ngày càng căng thẳng, nguy cơ chia rẽ trong xã hội” như bạn viết.
Để đất nước phát triển bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi mỗi người dân, mỗi bộ ngành, địa phương cần hy sinh, gạt bỏ cái “tôi” của mình. Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói: “Sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế. Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân”./.
Phan Trung Can
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét