“Ở đâu có bà Bình, người ta không còn nhìn thấy ai khác…, khi nghe bà Bình nói, người ta không còn muốn nghe ai khác…, bà bí ẩn…, tinh tế…” - Nhà văn Thụy Điển Sara Lidman đã viết về bà Nguyễn Thị Bình như thế trong cuốn “Trong trái tim thế giới”.
Bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927, quê ở tỉnh Quảng Nam), hay còn được biết đến với tên gọi Madame Bình, là một chính trị gia và nhà ngoại giao tiêu biểu của Việt Nam. Bà xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước, là cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Từ khi còn trẻ, bà đã hăng hái tham gia vào phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp và về sau giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam. Madame Bình từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1976 - 1987, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội từ năm 1987 - 1992 và Phó Chủ tịch nước từ năm 1992 - 2002. Trong giai đoạn 1968-1973, bà Nguyễn Thị Bình đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Trưởng Phái đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Ngày 27/1/1973, bà Nguyễn Thị Bình trở thành một trong bốn người và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris – một dấu mốc lịch sử, mở đường cho ngày thống nhất đất nước. Bà không chỉ đại diện cho tiếng nói của dân tộc trên bàn đàm phán, mà còn trở thành biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ, mềm mỏng nhưng kiên định của người phụ nữ Việt Nam khiến bao chính khách và nhà báo quốc tế, thậm chí cả người Mỹ phải kính phục. 50 năm sau, khi bà xuất hiện trong lễ kỷ niệm Hiệp định Paris, cả hội trường đứng dậy vỗ tay không ngớt, không ít người đã rớm nước mắt.
Ở tuổi 98, trí tuệ bà vẫn minh mẫn, tinh thần vẫn vững vàng như những ngày đàm phán đầy gian truân. Bà chính là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, trí tuệ và lòng nhân hậu.
---------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét