Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Sinh mạng mỗi quốc gia là không bình đẳng!

 Myanmar đang phải đối diện với một thảm hoạ có thể khiến khoảng 100 ngàn người thiệt mạng. Sở dĩ, dự báo lớn đến như vậy vì ngoài động đất ra, Myanmar phải đối diện với xung đột sắc tộc tôn giáo, nội chiến, cấm vận và một nền kinh tế nghèo khó nhất nhì châu Á… 

Nếu bạn chịu khó lướt mạng thời gian này, sẽ dễ dàng tìm thấy được những bức ảnh người dân Myanmar nằm la liệt trên đường phố, ngõ hẻm mà không hề có giường bệnh, bông băng, thuốc thang và nhân viên y tế…Những khu dân cư bị sụp đổ, người mắc kẹt mà số lượng nhân viên cứu hộ quá ít ỏi… 

Nhưng một điều đau lòng khác diễn ra, rằng Myanmar dường như nhận được quá ít sự quan tâm và hỗ trợ, nếu so sánh với động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ với mức độ gần như tương đồng. Myanmar bị cấm vận, chính quyền Myanmar hiện tại không được thừa nhận nên các quốc gia khác, đặc biệt là phương Tây gần như không đưa các đội cứu hộ đến giúp đỡ. Trong 3 ngày đầu tiên của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, có tới hơn 30 quốc gia gửi đội cứu hộ đến giúp đỡ, còn ở Myanmar thì con số dừng lại chỉ là 7 - trong đó có Việt Nam. 

EU tuyên bố viện trợ 2,5 triệu euro cho Myanmar. Nhưng số tiền lại giải ngân của họ lại không nhắm vào người dân đang sinh sống thuộc quyền quản lý của chính quyền Myanmar hiện tại mà lại phân bổ vào việc nâng cấp Chương trình vệ tinh Copernicus nhằm cung cấp thông tin quan sát trái đất và gửi viện trợ cho các tổ chức EU liên quan đến phiến quân, người tị nạn… Tổng số tiền mà các quốc gia, tổ chức quyên góp Myanmar chỉ vào khoảng 5 triệu đô trong 3 ngày đầu tiên (300 ngàn đô của Việt Nam) trong khi trong thời gian tương ứng, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được tới hơn 80 triệu đô. 

Động đất đặt ra yêu cầu lớn về mua vật tư y tế, trang thiết bị cứu hộ, lương thực thực phẩm… Nhưng Myanmar lại khó có thể tiếp cận được do nhiều lệnh cấm vận nhắm đến quốc gia này. Và thậm chí là các phe phái tại Myanmar vẫn tiếp tục nhắm vào nhau, không hề dừng lại và quốc tế cũng có lý do không gửi các đội viện trợ do lo ngại về an ninh. 

Viện Nghiên cứu Chính sách Transnational Institute cho biết Chính phủ quân sự Myanmar đã gửi lời mong muốn quốc tế hỗ trợ nhưng sự đáp lại là vô cùng yếu ớt và mong manh. Một lời kêu gọi nhận được quá ít sự hỗ trợ và không khiến các nhóm cứu trợ nước ngoài quan tâm. Tờ The Guardian cho biết các nhân viên cứu trợ phải đào đất bằng tay không vì không có dụng cụ cứu trợ, những khu dân cư đổ nát với những tiếng kêu gào không được quan tâm đến… Dường như, kịch bản về các đoàn cứu hộ ồ ạt đổ đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không lặp lại ở Myanmar, chắc chắn là vậy. 

Đôi khi, chúng ta sẽ tự hỏi rằng, sinh mạng và số phận của mỗi quốc gia có bình đẳng không? Tại sao quốc gia này lại được chú ý hơn quốc gia khác? Tại sao có nơi lại được quan tâm, có nơi lại phải chịu thờ ơ? 

Và đó cũng là lúc chúng ta phải rút ra được nhiều bài học, về việc tự lập - tự chủ, về quan hệ và nghĩa vụ quốc tế, về đoàn kết toàn dân. 

St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét