Văn hóa là nền tảng tinh
thần xã hội, là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hóa còn dân tộc còn, văn
hóa mất thì dân tộc mất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chính vì sự quan trọng của văn hóa, các
thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước liên tục cấu kết, tổ
chức tuyên truyền, kích động chống phá dưới nhiều hình thức, cường độ, mức độ
và trên nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, chúng phủ nhận nền tảng văn hóa
tinh thần xã hội chủ nghĩa được xây dựng mấy chục năm qua, lấy đó là nội dung
ưu tiên, là mũi tấn công nhằm thay đổi tâm lý, tình cảm, tư tưởng của xã hội,
nhất là giới trẻ. Loạt bài: “Đề cao sức mạnh văn hóa tinh thần, tăng "đề kháng",
ngăn ngừa suy thoái về chính trị, tư tưởng” tập trung làm rõ những hiện tượng
chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và những biểu hiện tự diễn
biến, tự chuyển hóa trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, đồng thời đưa ra những
giải pháp nhằm hướng tới xây dựng một nền văn hóa tinh thần với những giá trị
nhân văn, tốt đẹp, làm cơ sở để đất nước có đủ sức mạnh vươn mình mạnh mẽ trong
kỷ nguyên mới.
Văn hóa tinh thần của
dân tộc Việt Nam là những giá trị tinh túy được các thế hệ người Việt nối tiếp
nhau chung tay xây dựng, sáng tạo ra và đã tồn tại, phát triển hàng nghìn năm,
gắn chặt với lịch sử dựng nước và giữ nước. Nổi bật trong giá trị ấy chính là
yêu cái đẹp, tính nhân văn, gắn chặt với lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc,
không chịu khuất phục, không thể làm nô lệ... Thực tiễn cho thấy, văn hóa tinh
thần đã góp phần rất lớn trong công cuộc dựng nước, giữ nước và giành độc lập,
tự do thống nhất đất nước; đồng thời nó là “sức mạnh mềm” trong công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Như đã nói, văn hóa là
nền tảng tinh thần xã hội có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn và giúp con người, xã
hội nâng cánh ước mơ, khát vọng bay cao, vươn xa. Ở thời nào cũng vậy, văn hóa
được xem là “sức mạnh mềm”. Bởi khi đã thấm nhuần văn hóa dân tộc, văn hóa chính
trị thì con người sẽ có đủ niềm tin, bản lĩnh, có động lực, sống đẹp, sống có
ích, có sức mạnh vượt lên trên khó khăn, thử thách và gian khổ để giành chiến
thắng. Văn học, nghệ thuật, một sản phẩm rất riêng, rất đặc thù của văn hóa
tinh thần cũng là một “thanh kiếm”, một loại vũ khí có sức mạnh vô hình tham
gia vào dựng nước, giữ nước.
Trong cuộc trò chuyện
với Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển
của dân tộc Việt Nam, văn hóa luôn là hồn cốt, là nguồn mạch cuộc sống, trong
đó văn hóa tinh thần được tích tụ trong các tác phẩm thi ca bất hủ, vừa mang
tính nghệ thuật vừa mang tính cổ vũ, động viên, khích lệ lòng yêu nước. PGS, TS
Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chưa khi nào và
không bao giờ có chuyện văn học, nghệ thuật đứng ngoài chính trị, tách khỏi sự
lãnh đạo của giai cấp cầm quyền. Đó là quy luật.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn
phân tích, đến tháng 8-1945, khi thời cơ chín muồi, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí
Minh mới lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng 8, giành chính quyền rồi
lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư Trường
Chinh đã soạn thảo “Đề cương Văn hóa Việt Nam” và được thông qua tại Hội nghị
Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2-1943. Đây là văn kiện có tính cương
lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có
tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn
hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy tầm nhìn sâu rộng của Đảng ta
về xây dựng văn hóa.
Mấy chục năm qua, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc, các thế hệ người Việt
Nam đã xây dựng được nền văn hóa mới rất rực rỡ, đặc biệt là văn hóa tinh thần,
tạo ra động lực, xung lực để bảo vệ nền độc lập, xây dựng nước nhà. Tuy nhiên,
kể từ khi đổi mới, mở cửa (năm 1986), trong xã hội có một số bộ phận cố tình
quay lưng với thành tựu đó. Tình trạng thoái hóa tư tưởng ở một số cán bộ, đảng
viên có nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gia tăng. Bên cạnh đó,
các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tìm mọi cách công
kích các giá trị văn hóa, làm nhụt tinh thần, xúc phạm nền tảng tư tưởng của
Đảng. Chúng ra sức đả phá, bôi nhọ, hạ thấp giá trị của văn hóa tinh thần Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
Đầu tháng 3-2025, chúng
tôi gặp, trò chuyện với cô giáo Lê Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Giáo dục và
Đào tạo huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và ghi nhận những băn khoăn của cô. Đó là việc
có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật bị gây dựng dị bản, bóp méo, làm sai lệch
nội dung, đặc biệt là việc bôi nhọ các nhân vật. Cô Tâm mở cho chúng tôi xem
một đoạn clip trên ứng dụng TikTok. Cô than thở: Clip này được giới trẻ thích
thú và truy cập khá nhiều. Điều này thể hiện sự kém hiểu biết, hành xử thô
thiển, thiếu văn hóa với những anh hùng liệt sĩ trong lịch sử.
Thống kê trong lĩnh vực
an ninh văn hóa, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video trên
internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ không
nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta (có
khoảng 67% bài viết được tán phát trên Facebook, số còn
lại tán phát trên các kênh YouTube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin
tức phản động). Việc người dùng mạng xã hội thích, chia sẻ thông tin độc hại đó
cũng là tiếp tay cho chiến lược không đánh mà thắng của các thế lực thù địch
bằng chiêu thức “hạ bệ thần tượng”. Chính những người thực thi nhiệm vụ chống
phá hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở phương Tây đã đúc kết “một đài phát
thanh cũng có thể bình định xong một đất nước” và “chi một đô-la cho tuyên
truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”.
Để ngăn ngừa tình huống
xấu, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhiều quốc gia
trên thế giới đã xây dựng các chế tài phòng ngừa. Điển hình là nước Mỹ quy định
không được tự do ngôn luận theo kiểu miệt thị quốc kỳ, xé thẻ quân dịch, không
được tự do ngôn luận dẫn đến tổn hại trật tự công cộng, dẫn đến bạo loạn...
Nghị viện Mỹ đưa ra “Luật Trấn áp bạo động phản loạn”, trong đó nêu rõ: “Những
ngôn luận, sách báo lăng mạ, hoặc kích động nhân dân, khinh thường chính thể
Mỹ, tình hình nước Mỹ, hải lục không quân Mỹ, đều bị nghiêm trị”.
Đại tá, TS Phạm Duy Vụ,
cán bộ của Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) đánh giá về tình hình chống phá
của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên lĩnh vực văn hóa tinh thần. Qua
thực tiễn tình hình trong nước, có thể nhận thấy âm mưu chống phá của các thế
lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên không gian mạng cơ bản vẫn tập
trung vào một số nội dung, như: Xuyên tạc phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc
đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; hủy hoại giá trị văn hóa, tinh
thần, gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, kích động hoạt động chống phá Việt Nam.
Chúng khuyến khích các đối tượng bằng cách cấp tiền, trao các giải thưởng, đề
cử vinh danh hay đưa Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của internet”, vi phạm tự
do dân chủ, nhân quyền.
Chỉ tính riêng trong
lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các thế lực thù địch ở nước ngoài lôi kéo các văn
nghệ sĩ suy thoái về đạo đức chính trị dùng tác phẩm văn học, nghệ thuật để
“cài cắm” những hình tượng nghệ thuật, biểu tượng mang tính đa nghĩa nhằm phê
phán, bôi đen cuộc sống, bộc lộ thái độ chống đối, chống phá Đảng, Nhà nước,
chế độ xã hội chủ nghĩa với những biểu hiện sau:
Bằng thủ đoạn mượn danh
“đổi mới”, họ tìm mọi cách để cho ra các sách văn học, nghệ thuật với những
nhận định, quan điểm cá nhân thiếu cơ sở khoa học để lên tiếng chống đối, phủ định
sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ đề cập đến những sự kiện,
nhân vật lịch sử với những lý giải mang tính chủ quan, phiến diện, thậm chí
xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc, gây định kiến, hiểu nhầm cho độc giả. Họ
viết về anh hùng dân tộc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa đúng quy định hoặc đưa
những thông tin, chi tiết chưa được xác minh, gây hoang mang cho bạn đọc, thậm
chí mượn cớ sáng tạo hình tượng nghệ thuật nhằm hạ bệ thần tượng, danh nhân,
anh hùng dân tộc. Họ xuất bản sách ký, hồi ký, tự truyện có những chi tiết
không được kiểm chứng, sai lệch thông tin, cài cắm nội dung phản cách mạng hoặc
ám chỉ. Họ tái bản sách của một số tác giả thời tiền chiến hoặc trong vùng Mỹ
-ngụy chiếm đóng có nội dung, thông tin xấu, độc, “chống cộng”. Họ dịch sách
văn học, nghệ thuật có nội dung sai sự thật, vô bổ, dung tục, không phù hợp với
thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trong đó có những cuốn sách văn học thuộc thể loại
ngôn tình đã tiếp tay cho sự xâm nhập văn hóa “rẻ tiền” vào đất nước ta, gây lệch
lạc trong nhận thức của người đọc, đặc biệt là giới trẻ.
Người Việt thường rất
trọng tình cảm, nên với một bộ phận xã hội, một số sáng tác “vần điệu” có tác
động vào tình cảm dễ khiến nhiều người thay đổi hành vi, a dua, bị “dắt mũi”
vào những việc làm xấu lúc nào không hay.
Những sự tác động này đã
gây ra không ít hậu quả khó lường, trong đó nổi bật là đã làm cho niềm tin vào
sự lãnh đạo của Đảng ít nhiều bị suy giảm ở các mức khác nhau, phá hoại tinh
thần đoàn kết, kích thích giới trẻ chạy theo đồng tiền, sống hưởng thụ và thực
dụng; ích kỷ, hẹp hòi, phe cánh, phe nhóm, không quan tâm đến cộng đồng, xã
hội.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét