Tây Nguyên là địa bàn
chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước và là nơi các thế lực thù địch tập
trung chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại công cuộc đổi mới.
Trong hai thập niên đầu
thế kỷ 21, điển hình là những năm: 2001, 2004, 2008, 2023, lợi dụng vấn đề dân
tộc, tôn giáo, các tổ chức phản động trong và ngoài nước đã kích động đồng bào
các dân tộc thiểu số gây bạo loạn ở khu vực Tây Nguyên. Trước tình hình đó, vấn
đề vừa mang tính cấp thiết vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài là Đảng, Nhà
nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân phải kịp thời
phát hiện, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản
động, có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm sự ổn định thực sự và bền vững về chính
trị-xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên.
Cầm đầu các vụ bạo loạn
ở Tây Nguyên là tổ chức FULRO-tổ chức chính trị có vũ trang, do một số người
dân tộc thiểu số thành lập, lợi dụng chiêu bài dân tộc ở địa bàn Tây Nguyên và
vùng phụ cận. Tổ chức này được hình thành, tồn tại và hoạt động trước năm 1975
cùng với quá trình thành lập tổ chức, bộ máy chính quyền ngụy Sài Gòn nhằm
chống phá cách mạng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với mưu
đồ phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, các tổ chức phản
động đã ra sức chống phá, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số chống đối
chính quyền, song các phần tử FULRO đã bị chính quyền các cấp và LLVT
truy quét, bóc dỡ, từng bước ổn định tình hình.
Từ cuối thế kỷ 20 đến
nay, Ksor Kơk và các phần tử của FULRO thành lập “Nhà nước Đề ga tự
trị” ở Mỹ và tự phong là “tổng thống”. Thủ đoạn thâm độc của chúng là xuyên tạc
đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước hòng gây sự hoài nghi,
chia rẽ trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Chúng thường xuyên sử dụng vấn đề
dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai làm “ngòi nổ” để kích động tư
tưởng ly khai, tự trị. Âm mưu thâm độc của chúng là:
Thứ nhất, ráo riết thành
lập các tổ chức bất hợp pháp mới nhằm khơi dậy mâu thuẫn, hận thù dân tộc, đòi
tự trị của các dân tộc thiểu số, dưới khẩu hiệu “giải phóng cao nguyên Đề ga”
Trước sự hậu thuẫn của
các tổ chức nước ngoài, số đối tượng FULRO lưu vong cùng số đối tượng
mới được đưa sang định cư nhanh chóng thành lập các hội, nhóm người Thượng lưu
vong như: “Hội người Thượng Đề ga” (MDA); “Hội những người Miền núi”
(MFI); “Hội bảo vệ nhân quyền người Thượng” (MHRO)... ra sức tuyên truyền, thực
hiện nhiều thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tổ chức “Mặt trận Đề ga”
do Y Juk Buôn Tô cầm đầu đã liên kết với tổ chức phản động người Việt lưu vong
“Hội đồng Việt Nam” tự do của Lê Phước Sang tiến hành hoạt động kích động, lôi
kéo quần chúng, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền để yêu cầu quốc tế can thiệp
nhằm quốc tế hóa vấn đề dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tổ chức “Người Thượng Đề
ga” do YHin Niê làm “chủ tịch”, đã đẩy mạnh các hoạt động tố cáo, vu cáo
Việt Nam không quan tâm đến các vấn đề giáo dục, y tế, văn hóa cho đồng bào các
dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Từ năm 1997, Ksor Kơk và một số tên cầm đầu
FULRO lưu vong tìm cách đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, kích
động một số người dân tộc thiểu số trong nước hình thành các cơ sở ngầm
FULRO lợi dụng vấn đề tôn giáo để tập trung lực lượng nhằm chống phá chính
quyền và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Với những âm mưu, thủ
đoạn thâm độc, các thế lực phản động đã nhen nhóm, củng cố, phát triển tổ chức
ở bên ngoài và ngay trong nội địa, với khoảng “2.300 người dân tộc thiểu số Đắk
Lắk sinh sống ở nước ngoài, trong đó có 7 tổ chức người Thượng lưu vong ở Mỹ,
với khoảng 500 người dân tộc thiểu số Đắk Lắk tham gia”(1).
Với mưu đồ dựng lên cái
gọi là “Nhà nước Đề ga” ly khai, tự trị ở Tây Nguyên, từ năm 2000, Ksor Kơk và
một số tên cầm đầu FULRO không ngừng kích động, chống phá cách mạng.
Chúng tăng cường thực hiện “diễn biến hòa bình”, với nhiều thủ đoạn ngày càng
tinh vi và thâm độc, như lợi dụng những thiếu sót trong việc thực hiện chính
sách của Đảng và Nhà nước để kích động chống đối, gây rối chính trị và gây bạo
loạn ở Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, chúng dựng
lên các tổ chức phản động dưới danh nghĩa tôn giáo như: “Giáo hội Tin lành đấng
Cờ-rít Việt Nam”, “Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên”, với chiêu bài
thành lập: “Nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người Thượng. Mục tiêu của
chúng là lợi dụng vấn đề tôn giáo (chủ yếu là Tin lành), thông qua các đoàn từ
thiện, các đoàn nghiên cứu ngôn ngữ, nhân chủng học... để xâm nhập từ bên
ngoài, tác động, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong, phối hợp với gần
1.000 tên FULRO được nuôi dưỡng ở nước ngoài lợi dụng chính sách của
ta để chống phá. Từ tháng 9-2020 đến năm 2023, chúng đã phát triển được 82
trường hợp tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk,
Lâm Đồng và Phú Yên. Nhận thấy những hoạt động chống phá của tổ chức phản động
đội lốt tôn giáo này, lực lượng Công an các tỉnh đã mở nhiều đợt truy quét, bắt
hàng chục tên.
Thứ hai, lợi dụng các
phương tiện truyền thông để tăng cường những hoạt động chống phá trong vùng
đồng bào các dân tộc thiểu số
Trước sự phát triển bùng
nổ của truyền thông đại chúng, lợi dụng các phương tiện truyền thông như:
TikTok, Facebook, Instagram, Twitter, Wechat, YouTube..., các tổ chức và cá
nhân phản động đã lập ra nhiều “diễn đàn” để chống phá chính quyền; phá hoại cuộc
sống bình yên của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chúng còn đăng
tải các “đơn thư”, “tâm thư”, “kiến nghị”-thực chất là chuyển tải “ý kiến” của
các “phần tử bất mãn”, “cơ hội chính trị” nhằm gây mâu thuẫn, hận thù dân tộc,
kích động đồng bào các dân tộc thiểu số khiếu kiện đông người, gây mất ổn định
chính trị, xã hội; từ đó, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào vùng đất
Tây Nguyên.
Thông qua các phương
tiện truyền thông xã hội, chúng tăng cường móc nối với các tổ chức phản động ở
trong và ngoài nước, cung cấp thông tin “nhạy cảm” cho bọn cầm
đầu FULRO và bọn phản động để viết bài vu khống, xuyên tạc đường lối,
chính sách của Đảng, bôi nhọ cán bộ, phá hoại công cuộc đổi mới. Điển hình như
“Tin lành đấng Cờ-rít”, đã lôi kéo hàng trăm tín đồ tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia
Lai, Kon Tum...
Thứ ba, triệt để lợi
dụng các vụ việc phức tạp liên quan đến người dân tộc thiểu số để tuyên truyền,
lôi kéo, kích động biểu tình gây mất an ninh, trật tự ở địa phương; đồng thời,
xuyên tạc, bóp méo thông tin
Dưới khẩu hiệu “giải
phóng cao nguyên Đề ga” và với luận điệu “cao nguyên là của người Thượng, phải
trả cho người Thượng”, chúng kích động đồng bào các dân tộc thiểu số gây mâu
thuẫn với người Kinh. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân phản động lôi kéo, “vận động”
các dân tộc thiểu số đấu tranh đòi đất, chúng cố tình đánh tráo khái niệm quyền
tự quyết các dân tộc theo các Điều: 3, 4, 5 của “Tuyên ngôn về quyền của các
dân tộc bản địa, 2007” được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2007.
Các thế lực thù địch
luôn cố tình xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước không chăm lo đến cuộc sống của
người dân nhằm lôi kéo đồng bào biểu tình, khiếu kiện kéo dài vượt cấp. Thâm
độc hơn, chúng còn thổi phồng một số khuyết điểm, yếu kém trong quản lý, điều
hành của hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm làm suy giảm niềm tin, gây sự hoài
nghi trong đồng bào, kích động các hoạt động khiếu kiện, chống đối chính quyền.
Thứ tư, quốc tế hóa vấn
đề “dân tộc”, “tôn giáo” để kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài, tiến hành các vụ
bạo loạn và khủng bố
Các tổ chức, cá nhân
phản động đã lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “nhân quyền” nhằm tạo ra sự
xâm nhập từ bên ngoài, tác động, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong, gây
mất ổn định chính trị-xã hội, kêu gọi các tổ chức quốc tế “giải quyết” công
việc nội bộ của Việt Nam. Bọn phản động FULRO đẩy mạnh các hoạt động
trên nhiều lĩnh vực, với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, có sự phối hợp,
chỉ đạo chặt chẽ trong-ngoài.
Nhằm quốc tế hóa vấn đề
“Nhà nước Đề ga” ở Tây Nguyên, một mặt, chúng liên kết với tổ chức phản động
lưu vong khác kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của một số tổ chức, cá nhân ở nước
ngoài; lợi dụng một số diễn đàn để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp dân tộc,
tôn giáo, vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”; mặt khác, chúng đẩy mạnh liên lạc,
móc nối, chuyển tài liệu phản động, cờ FULRO vào trong nước nhằm củng
cố niềm tin cho số cơ sở ngầm ở trong nước; từ đó, chỉ đạo phát triển lực
lượng, kích động quần chúng tham gia biểu tình, bạo loạn khi có điều kiện.
Những hành động phá hoại
của chúng đã gây ra các vụ bạo loạn tại các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt
nghiêm trọng, từ năm 2015, Y Mut Mlô cầm đầu tổ chức “Nhóm hỗ trợ người Thượng”
(tên tiếng Anh là Montagnard Support Group. Inc, viết tắt là MSGI), thường
xuyên liên lạc, móc nối với H Wuễn Êban tham gia để tiến hành hoạt động vũ
trang, giết người, phá hủy tài sản cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây hoang mang
trong nhân dân. Y Mut Mlô còn tuyển mộ và lôi kéo Y Quynh Bdap (32 tuổi, sinh
tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cầm đầu tổ chức khủng bố “Người Thượng vì công
lý” (tên tiếng Anh là Montagnard Stand for Justice, viết tắt là MSFJ).
Từ năm 2018 đến đầu năm
2023, H Wuễn Êban và Y Quynh Bdap và nhiều tên cầm đầu các tổ chức khủng bố đã
liên tục gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất, tập hợp, lôi kéo lực lượng tham gia, nhất
là người dân tộc thiểu số tại các buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để thành lập
nhóm vũ trang, lấy tên là “lính Đề ga”. Chúng đã ráo riết chuẩn bị vũ khí, tập
luyện võ thuật để chuẩn bị các hoạt động khủng bố. Đêm 10-6, rạng ngày 11-6-2023,
hàng chục đối tượng chia thành hai nhóm tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea
Ktur (huyện Cư Kuin), phá hủy nhiều tài sản, khiến 11 người thương vong, trong
đó, sát hại 2 cán bộ công an, 2 lãnh đạo xã và 3 người dân. Đây là hành động
khủng bố có vũ trang, coi thường pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự,
gây bất bình trong nhân dân. Hành động trên nằm trong âm mưu, hoạt động của bọn
phản động FULRO lưu vong nhằm gây mất ổn định chính trị-xã hội ở Tây
Nguyên.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét