Việt Nam đã và đang trở thành một mục tiêu trọng điểm trong chiến lược
“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Đấu tranh phòng,
chống “diễn biến hòa bình” luôn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu quyết
định tới sự tồn vong của chế độ. Chủ thể của đấu tranh phòng, chống “diễn biến
hòa bình” là toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trong đó có Quân
đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến
đấu tuyệt đối trung thành, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và
Nhân dân. Trong thời gian qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tốt vai
trò, trách nhiệm trên mọi mặt trận, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống
“diễn biến hòa bình”. Đây đã trở thành nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của
Quân đội ta, là mặt trận nóng bỏng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ
nước từ khi nước chưa nguy.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam đã và đang
trở thành một mục tiêu trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các
thế lực thù địch, phản động. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” luôn
là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu quyết định tới sự tồn vong của chế
độ. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng
định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên
internet, mạng xã hội”1. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới cũng đề ra phương hướng “bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước
chưa nguy; chủ động phòng ngừa; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, làm
thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”2.
Trong thời gian qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, trách
nhiệm trên mọi mặt trận, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến
hòa bình”.
2. Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn về “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phòng, chống “diễn biến
hòa bình” của Quân đội nhân dân Việt Nam
a. Một số vấn đề lý
luận.
“Diễn biến hòa bình”
là chiến lược cơ bản nhằm lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ, trước
hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi
quân sự3, là hoạt động phản cách mạng do các thế lực thù địch phát
động nhằm chống phá, chuyển hóa, thủ tiêu các nước xã hội chủ nghĩa, các phong
trào cộng sản, phong trào giải phóng dân tộc, ngăn cản xu thế vận động phát
triển tất yếu của xã hội loài người, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, bối cảnh
thế giới vận động biến đổi phức tạp, xu hướng đa cực, đa trung tâm, chủ
nghĩa dân tộc nổi lên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên gay gắt.
Đất nước ta tăng cường hợp tác, giao lưu mở rộng hợp tác quốc tế,
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong
bối cảnh đó, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch đã điều chỉnh
chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng bộ mặt mới, tinh vi, xảo quyệt và vô cùng
thâm độc.
Bản chất của “diễn
biến hòa bình” hiện nay là hoạt động của các thế lực đế quốc tư bản lớn và
cường quyền nhằm vào các nước có chế độ chính trị mà họ coi là không phù hợp
với lợi ích của họ, bằng tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, xã
hội, ngoại giao, an ninh… để chuyển hóa chế độ chính trị của các nước này theo
quỹ đạo có lợi cho họ”4. Như vậy, bản chất thực sự của chiến lược
này thể hiện tính phản động, dân tộc chủ nghĩa, toàn cầu, phi vũ trang. Tuy
nhiên, chủ thể của “diễn biến hòa bình” đã mở rộng từ các lực lượng thù địch,
các đế quốc tư bản đến cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc bá quyền, bành
trướng, hẹp hòi vì lợi ích của quốc gia họ mà sẵn sàng chà đạp tới lợi ích
chính đáng của quốc gia khác.
Trước kia phương thức
hoạt động “diễn biến hòa bình” chủ yếu từ bên ngoài tác động vào bên trong các
nước thì hiện nay chúng thúc đẩy các hoạt động chống đối từ bên trong nội địa,
có sự gắn kết chặt chẽ với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. “Diễn
biến hòa bình” làm nảy sinh mầm mống tư tưởng, nuôi dưỡng các yếu tố tiêu cực,
làm gia tăng nguy cơ “tự diễn biến” dẫn tới “tự chuyển hóa” tạo ra mối nguy
hiểm đối với sự tồn vong của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa nhất là khi xuất
hiện lực lượng chính trị đối lập. Chúng khai thác triệt để các trang
mạng xã hội để thực hiện bôi nhọ, vu cáo, đả kích chính quyền, sử dụng các tổ
chức phi chính phủ để thúc đẩy “xã hội dân sự”, cùng với gây sức ép về kinh tế,
tấn công mạng thông tin, chúng kích động phần tử chống đối trong nước biểu tình
phản đối để lật đổ chế độ.
Mục tiêu chủ yếu của
“diễn biến hòa bình” hiện nay đã có sự điều chỉnh mở rộng hơn, khi chưa thay
đổi được chế độ chính trị thì chúng hướng đến thay đổi đường lối chính trị của
các quốc gia theo hướng có lợi cho chủ thể tiến hành, cài cắm lực lượng thân
cận vào bộ máy cầm quyền. Để làm được điều này, chúng đã xây dựng kịch bản
chung để lật đổ đã được áp dụng vào nhiều quốc gia mỗi dịp bầu cử, đó là: tạo
lập lực lượng đối lập; đẩy mạnh tuyên truyền kích động trong bầu cử; tẩy chay,
không công nhận kết quả bầu cử; kích động người dân xuống đường biểu tình, gây
rối trật tự an ninh, làm nóng tình hình; can thiệp từ bên ngoài với danh nghĩa
ủng hộ “dân chủ”, “có gian lận trong bầu cử”; gây sức ép với chính quyền mới
được bầu cử và yêu cầu từ chức, giải tán hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử; thậm chí
còn âm mưu dựng lên và công nhận chính phủ mới thân họ.
Biện pháp tiến hành
“diễn biến hòa bình” trước kia chúng sử dụng là chính sách “cây gậy và củ cà
rốt” nhưng hiện nay đã có sự điều chỉnh bằng “công cụ mềm”, “quyền lực thông
minh”rất linh hoạt, mềm dẻo, không phô trương, thậm chí có vẻ “nhân đạo”, “gần
gũi” nhằm vào các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa – xã hội, ngoại
giao, quốc phòng, an ninh nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo
để từng bước chuyển hóa đối phương. Cách thức tiến hành rất tinh vi, khó
nhận diện, núp bóng dưới nhiều hình thức, như: hoạt động từ thiện, nhân đạo,
viện trợ, thúc đẩy quan hệ đối tác, tăng cường đầu tư tài chính để từng bước
đưa đối phương vào sự lệ thuộc, khủng hoảng, dẫn đến đổ vỡ ngay từ bên trong.
Đối với Quân đội nhân
dân Việt Nam, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm “phi chính trị hóa”
Quân đội luôn là một trong những nguy cơ thường trực làm phương hại đến sức
mạnh chiến đấu, đồng thời là thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội
nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thực chất
là nhằm vô hiệu hóa công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, làm
cho Quân đội ta không còn là của dân, do dân, vì dân. Chúng chống phá Quân đội
một cách toàn diện cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ra sức
xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối và nguyên tắc xây dựng Quân đội của
Đảng, bài xích cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, phủ nhận mục tiêu lý
tưởng chiến đấu, phá hoại nền tảng tư tưởng của Quân đội với luận điệu “quân
đội chỉ là công cụ của quốc gia, dân tộc, trung lập về chính trị”.
Thời gian gần đây,
chúng lợi dụng vấn đề đất quốc phòng, cổ phần hóa một số doanh nghiệp Quân đội,
một số vụ việc, vụ án kinh tế liên quan đến doanh nghiệp Quân đội để hạ thấp
danh dự, uy tín của Quân đội, mạo danh một số cán bộ cao cấp, tướng lĩnh viết,
tán phát tin, bài, thư ngỏ, tâm thư có nội dung vu cáo, bịa đặt, bóp méo sự
thật, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân dân… Những âm mưu, thủ đoàn này dễ làm
cho một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, người dân mơ hồ, mất cảnh giác, phai nhạt
niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.
“Diễn biến hòa bình”
diễn ra trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc
phòng, an ninh của đất nước, đòi hỏi phòng, chống “diễn biến hòa bình” là cuộc
đấu tranh tổng lực trên các mặt trận, là tổng hợp các biện pháp chính trị, kinh
tế, pháp luật, ngoại giao, nghiệp vụ của cả hệ thống chính trị để phòng ngừa,
ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ vững
chắc chế độ chính trị, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây
dựng và phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội
chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, lợi ích quốc gia dân tộc và nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là cuộc đấu tranh giai cấp với
hình thái mới, lâu dài, phức tạp, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt. Với
chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất,
phòng, chống “diễn biến hòa bình” là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội ta, để
bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm,
từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của
Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bằng những hành động mang
tính chủ động của Quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra từ sớm, từ xa, nhằm phát
hiện, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng các phương án ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa
các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong
mọi tình huống. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Có kế sách ngăn
ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn
ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện
pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trìđấu
tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định
để phát triển”5; “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung
đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất
là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm
mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”6.
b. Thực tiễn về đấu tranh phòng, chống
“diễn biến hòa bình” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những năm qua, nhiệm
vụ đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” đã được
Quân đội ta hết sức quan tâm, góp phần bảo đảm quân sự quốc phòng, phục vụ phát
triển kinh tế – xã hội. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009
của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt
động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Nghị quyết số
35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình
hình mới… Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã cụ thể hóa
bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, như: Chỉ thị số 823/CT-QUTW ngày
10/9/2017 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống “diễn biến hòa
bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong Quân đội; Chỉ thị số 47/CT-CT ngày
08/01/2016 của Tổng cục Chính trị về việc tổ chức lực lượng đấu tranh chống
quan điểm sai trái, thù địch cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân
đội; Quyết định số 1969/QĐ-BQP ngày 16/5/2019 của Bộ Quốc phòng Ban hành Đề án
“Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa
trong tình hình mới…
Văn kiện Đại hội Đảng
bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu “nâng cao năng lực
dự báo, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, trong bất luận điều kiện,
hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ
Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia –
dân tộc; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo
loạn lật đổ của các thế lực thù địch”7.
Với sự lãnh đạo, chỉ
đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng
cục Chính trị, việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” của
Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan
trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Điều này, được thể hiện trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Quân đội
phòng chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá trong tình
hình mới (2019 – 2024). Báo cáo nhấn mạnh: “… toàn quân đã tập trung nâng cao
nhận thức của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính
trị các cấp, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống
phá của các thế lực thù địch; yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong phòng, chống
“diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Từ đó, củng cố niềm tin,
nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ, chiến sĩ
và các tầng lớp trong xã hội”8.
Trên cơ sở kết quả
thực hiện Đề án đã góp phần xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị
vững vàng trước mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, có tinh thần
cảnh giác cách mạng cao, phân biệt rõ đối tác, đối tượng, chủ động đấu tranh
phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, internet; ngăn chặn hiệu quả
những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không để
xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội, ngăn chặn, đẩy lùi sự
xâm nhập của tư tưởng và các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào đơn vị, góp
phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện
“Mẫu mực, tiêu biểu”. Ban Chỉ đạo 35, cơ quan thường trực, nhóm chuyên gia, bộ
phận chuyên sâu các cấp, Lực lượng 47 đã phát huy vai trò trách nhiệm trong
nghiên cứu, dự báo từ sớm, từ xa thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Các cơ quan, đơn vị đã “chủ động ngăn chặn, phòng ngừa với chủ động tiến công,
giữa giữ vững ổn định bên trong với làm thất bại tác động chuyển hóa từ bên
ngoài, coi chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, giữ vững sự ổn định bên trong là
chính, chủ động tiến công làm thất bại tác động chuyển hóa từ bên ngoài là quan
trọng”9.
Tuy nhiên, quá trình
thực hiện nhiệm vụ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: “việc xử lý thông tin
phức tạp, nhạy cảm, chống phá của các thế lực thù địch có thời điểm chưa kịp
thời… việc bồi dưỡng kỹ năng khai thác và sử dụng máy tính ảo, phần mềm truyền
thông chủ động hiệu quả chưa cao”10. Nguyên nhân khách quan được xác
định là các thế lực thù địch tận dụng các tính năng mới của các ứng dụng mạng
xã hội để liên lạc, tán phát thông tin xấu độc, tuyên truyền, kích
động, cổ xúy cho các hành vi chống phá… Nguyên nhân chủ quan là do
một số cơ quan đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc kiểm tra, đôn đốc
thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, kinh nghiệm xử lý các
tình huống còn lúng túng…
3. Một số nhiệm vụ,
giải pháp cơ bản thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”
của Quân đội nhân dân Việt Nam
Thời gian tới, tình
hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong nước, thế và lực của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được khẳng
định, mở ra cả cơ hội và thách thức; đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ
hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội với thủ
đoạn tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm hơn. Để Quân đội ta tiếp tục thực hiện tốt
nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” góp phần bảo vệ Tổ quốc từ
sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải
pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp
ủy đảng, cán bộ chủ trì đối với việc nghiên cứu, tổng hợp, xử lý thông tin, đưa
ra những dự báo chiến lược từ sớm, từ xa các hoạt động chống phá của các thế
lực thù địch. Cấp ủy, chi ủy các cơ quan, đơn vị cần có sự lãnh
đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với việc chủ động thu thập, xử lý thông tin,
nghiên cứu, đánh giá tình hình, dự báo từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn chống phá
mới của các thế lực thù địch, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ, bám sát các sự kiện chính trị lớn của Đảng, Nhà nước, dân tộc,
các nhiệm vụ liên quan tới nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chủ quyền biên giới, biển
đảo, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, môi trường, dân sinh để
viết bài chuyên sâu, tài liệu chuyên khảo, thông tin định hướng đấu tranh làm
tài liệu tuyên truyền, định hướng đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái,
thù địch; chủ động nghiên cứu, biên soạn chuyên đề về phòng, chống “diễn biến
hòa bình” để tuyên truyền, giáo dục cho các tổ chức, lực lượng trong và ngoài
đơn vị.
Tổ chức bồi dưỡng đội
ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng
trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, chiến sĩ
và các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc hội thảo, tọa
đàm, diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phổ
biến, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong toàn quân. Lãnh đạo, chỉ đạo việc
giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm, tinh thần
tích cực, chủ động của cán bộ, chiến sĩ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Chú trọng truyên
truyền, phổ biến giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, tình hình nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội và đơn vị, nhận thức rõ đối
tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, đối tượng tác chiến của Quân đội và tính
chất nguy hiểm từ hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, những biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ hai, tổ chức đấu tranh trực diện, công khai trên
các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội; kết hợp sử dụng các
giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, xây dựng, luyện tập
các phương án, các tình huống phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật
đổ. Bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn đơn vị, phối
hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương và các cộng tác
viên trong và ngoài Quân đội, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tích cực
tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo khả năng
“tự miễn dịch” của cán bộ, chiến sĩ trước các luận điệu chống phá của các thế
lực thù địch.
Nâng cao chất lượng,
hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác
viên trong và ngoài Quân đội viết bài và định hướng đấu tranh, xây dựng các
phóng sự chuyên sâu phân tích, nhận định, đánh giá hoạt động chống phá của các
thế lực thù địch; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu tranh cho đội ngũ
phóng viên, biên tập viên. Các đơn vị kỹ thuật đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng
công nghệ – thông tin, trí tuệ nhân tạo trong giám sát thông tin, kịp thời phát
hiện các quan điểm sai trái, thù địch, thống kê tần suất xuất hiện, đánh giá
mức độ ảnh hưởng của các thông tin xấu độc, đo đếm số người like, share,
comment thông tin tích cực để đánh giá tác dụng, hiệu quả đấu tranh.
Tiến hành các biện
pháp để “pha loãng” thông tin, giảm uy tín nguồn tin, bóc gỡ, chuyển hướng
thông tin xấu độc ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngăn chặn quyền truy cập vào
các trang thông tin xấu độc. Mở các diễn đàn, hội, nhóm, lập các tài khoản công
khai và ẩn danh trên mạng xã hội để tạo ra lực lượng đông đảo chiếm ưu thế trên
không gian mạng. Một mặt, tiến hành đấu tranh công khai, trực
diện, liên tục trên báo chí chính thống để định hướng dư luận xã hội. Mặt
khác, tạo mặt trận, liên kết nhóm, huy động lực lượng “share,
comment, like…” để lan tỏa thông tin tích cực. Xây dựng kế hoạch và tổ chức
diễn tập tác chiến trên không gian mạng, tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch;
luyện tập các phương án xử lý khi có tình huống bạo loạn xảy ra sát với đặc
điểm nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; cần phát huy sức mạnh tổng hợp, xử trí đúng
nguyên tắc “nhanh gọn – kiên quyết – linh hoạt – đúng đối tượng – không để lan
rộng, kéo dài”.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội
bộ, kịp thời nắm, đánh giá tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, chiến
sĩ và Nhân dân. Trước những sự kiện quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm
cần quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, tư tưởng, dư luận trong đơn
vị. Quán triệt và thực hiện tốt Quy chế số 775/QC-CT ngày 12/5/2022 của Chủ
nhiệm Tổng cục Chính trị về công tác quản lý tư tưởng quân nhân; nắm và
định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Bảo đảm công tác
tư tưởng phải đi trước một bước, chủ động nắm, quản lý, đánh giá, dự báo tình
hình tư tưởng, định hướng tư tưởng cho bộ đội, không để bị động, bất ngờ.
Tăng cường quản lý các
mối quan hệ xã hội và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên môi trường mạng,
không để sơ hở, lộ lọt bí mật quân sự, bí mật Nhà nước. Thường xuyên rà soát nắm
tình hình, chủ động trao đổi, đối thoại với cá nhân, tổ chức có ý kiến khác với
đường lối của Đảng, không quy chụp những ý kiến khác thành những quan điểm thù
địch; cán bộ, đảng viên nếu có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng có
thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến hoặc
trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ, không được
tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tiếp
tục triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị
(khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa
XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;
Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy
phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình
mới”. Ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị, đoàn kết quân
dân.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo
35, Lực lượng 47 các cấp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các lực lượng
trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Thường xuyên củng cố,
kiện toàn Ban Chỉ đạo 35, nhóm chuyên gia, tổ thư ký, giúp việc Ban Chỉ
đạo 35 các cấp với số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Mở
rộng việc liên kết giữa Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 của các cơ quan, đơn vị
với các cơ quan chức năng (tuyên giáo, công an, thông tin và truyền thông và
các tổ chức chính trị xã hội khác) trên địa bàn đóng quân để xây dựng và triển
khai chương trình phối hợp, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm về phòng,
chống “diễn biến hòa bình”.
Tăng cường phối hợp
giữa cơ quan, đơn vị với gia đình, hậu phương cán bộ, chiến sĩ nhằm tăng sự
tương tác, chia sẻ thông tin tích cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Xây
dựng và điều hành các tài khoản trên mạng xã hội, website, blog tạo thành những
kênh truyền thông có sức hút để đấu tranh công khai, đăng tải thông tin tích cực,
quảng bá hình ảnh, truyền thống của Quân đội và các cơ quan, đơn vị, đồng thời
tạo diễn đàn để kết nối thông tin giữa lãnh đạo, chỉ huy đơn vị với chiến sĩ và
Nhân dân. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng trong và
ngoài đơn vị nơi đóng quân, kịp thời phát hiện những yếu tố phức tạp nảy sinh,
có hướng xử lý từ sớm. Tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương,
khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống
“diễn biến hòa bình”. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh,
phong phú ở các cơ quan, đơn vị; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh
phí, từng bước hiện đại hóa các trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho
nhiệm vụ quan trọng này.
4. Kết luận
“Diễn biến hòa bình”
của các thế lực thù địch, phản động đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với các
nước xã hội chủ nghĩa và các quốc gia, dân tộc không đi theo quỹ đạo của chúng.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải làm thất
bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt
Nam, đây là một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc gay go, quyết liệt,
lâu dài và phức tạp trên mọi lĩnh vực. Quân đội nhân dân Việt Nam – đội quân từ
Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, với trách nhiệm chính trị cao cả của
mình, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã và đang ra sức phấn đấu thực hiện
tốt nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, giữ vững ổn định chính trị – xã
hội của đất nước, tạo môi trường hòa bình để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ sự nghiệp đổi
mới và lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ
xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét