Ngoài các lợi ích và tác dụng của việc
kinh doanh trên thương mại điện tử và mạng xã hội thì các vấn đề về chất lượng
sản phẩm, đạo đức kinh doanh và các yếu tố tác động đến kinh tế, xã hội còn nhiều
vấn đề chưa rõ ràng.
Trước đây thì vấn đề làm sao để phát triển
thương mại, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và dòng tiền nhằm phát triển kinh tế
là ưu tiên hàng đầu, sự ra đời của thương mại điện tử đã giải quyết vấn đề đó.
Tuy nhiên khi đã phát triển được thương mại điện tử thì các vấn đề như hàng lậu,
hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng gặp rất nhiều, chưa kể đến các về
nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng bắt đầu phát sinh.
Đơn cử như vụ việc Kẹo rau củ Kera đang
được dư luận quan tâm trong tuần qua, đã đặt ra vấn đề liên quan đến việc công
bố thông tin, quảng cáo sản phẩm cùng trách nhiệm của người tham gia quảng cáo.
Xét trên góc độ về đạo đức, việc quảng bá sai sự thật là hành vi vi phạm pháp
luật, thiếu trách nhiệm và không tôn trọng người dùng. Đối với những người có sức
ảnh hưởng trên mạng xã hội mỗi phát ngôn của họ tác động rất lớn đến quyết định
mua hàng của hàng nghìn, hàng triệu người. Có những vấn đề phát sinh khi có những
người hoàn toàn tin vào lời quảng cáo, trẻ em lười ăn rau vì chỉ ăn một vài
viên kẹo có thể thay thế rau xanh hàng ngày?
Đối
với việc đưa ra thông tin sai sự thật nhằm mục đích thương mại là biểu hiện của
sự thiếu trung thực và lợi dụng lòng tin của mọi người để kiếm tiền. Đối với những
người có ảnh hưởng dù vô tình hay cố ý khi tham gia các hoạt động này ngoài phải
chịu trách nhiệm pháp lý mà còn đánh mất lòng tin của người hâm mộ. Sau vụ việc
Kẹo rau củ Kera chúng ta nhớ một Quang Linh Vlogs ở Châu Phi hơn là một người
quảng cáo bán hàng như hiện nay.
Ngoài các yếu tố kể trên, việc các nền tảng
mạng xã hội ưu tiên lôi kéo người dùng thông qua các thuật toán ưu tiên các
hàng hóa, người theo dõi đối với các KOL, KOC, các mặt hàng được quan tâm thông
qua quảng cáo đến người dùng. Ưu tiên hiển thị hoạt động livestream của người
được quan tâm do đó đã có những phiên bán hàng “triệu đô” trong thời gian qua.
Các hoạt động quảng cáo “phá giá”, “trợ
giá” cũng xuất hiện ngày càng nhiều với các loại mặt hàng với nguồn gốc đến từ
nước ngoài được trợ giá rất mạnh, giá cực kỳ cạnh tranh gây ảnh hưởng đến các
nhà sản xuất trong nước mà nếu không có biện pháp bảo hộ hàng hóa thì rất có thể
sau này hàng hóa hoàn toàn do nước ngoài chi phối, không phụ thuộc vào yếu tố
cung - cầu và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, phá sản hoạt động sản xuất trong nước.
Chưa kể đến các vấn đề liên quan đến các
phiên Livestream với hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng thì chất lượng sản phẩm, vấn
đề đóng thuế và bảo mật thông tin khách hàng cũng chưa hoàn toàn được bảo đảm.
Vừa qua chúng ta gặp không ít các trường hợp bị xử lý hành chính thậm chí xử lý
hình sự do trốn thuế khi kinh doanh qua các nền tảng thương mại điện tử rồi người
dùng bị làm phiền do lộ thông tin cá nhân, phát sinh các hoạt động lừa đảo qua
mạng…
Đến hiện tại các quy định của pháp luật
chưa có quy định cụ thể về việc cấm phát sóng trực tiếp trên các nền tảng như
TikTok, YouTube hay Facebook, nhưng các nền tảng này đều có chính sách cộng đồng
riêng khi vi phạm chính sách quảng cáo, thương mại, lừa đảo… Tuy nhiên phụ thuộc
rất lớn vào khả năng giám sát và thực thi của các cơ quan chức năng và sự phối
hợp của các nền tảng mạng xã hội khi phát hiện người dùng vi phạm.
Do đó việc nâng cao chất lượng sản phẩm,
nâng cao đạo đức từ các đơn vị kinh doanh, sản xuất, những người có tầm ảnh hưởng
trên không gian mạng và hiệu quả thực thi của các cơ quan quản lý cũng như sự
phối hợp của các nền tảng mạng xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ hoạt
động sản xuất trong nước cần phải thực hiện đồng bộ mới có thể đáp ứng được các
yêu cầu hiện nay để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra môi trường lành
mạnh trong tương lai./.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét