PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU “SÁP NHẬP TỈNH SAO KHÔNG TRƯNG CẦU DÂN Ý” CỦA RFA
Trong những năm gần đây, Đài Châu Á Tự Do (RFA) liên tục phát sóng các bài viết và chương trình có nội dung xuyên tạc về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam. Những thông tin mà RFA đưa ra đã gây ra sự bức xúc và hoang mang trong dư luận, đặc biệt là việc liên quan đến các vấn đề chính trị nhạy cảm như việc sáp nhập các tỉnh của Việt Nam. Chúng rêu rao rằng: “Sáp nhập tỉnh sao không trưng cầu dân ý?”. Đây là, luận điệu hoàn toàn sai trái, quy chụp việc tiến hành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là “không dân chủ” hoặc “không tôn trọng ý kiến người dân”. Do vậy cần nhận diện, phản bác kịp thời.
Trước tiên, cần phân biệt rõ “dân chủ” và “trưng cầu ý dân”.
Để thấy rõ luận điệu xuyên tạc của RFA khi đặt ra vấn đề “Không trưng cầu dân ý là vi phạm dân chủ” nhằm chống phá chủ trương, chính sách sáp nhập tỉnh của Đảng, Nhà nước ta hiện nay:
1. “Dân chủ” là nguyên tắc quan trọng bao trùm, thể hiện qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.
2. “Trưng cầu ý dân” là một phương thức biểu hiện dân chủ trực tiếp, thường áp dụng cho những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và kinh tế, xã hội của đất nước.
3. Việc “sáp nhập tỉnh” thuộc phạm vi điều chỉnh về tổ chức, sắp xếp hành chính đã được quy định trong Hiến pháp và luật.
Nói cách khác, dân chủ không chỉ giới hạn trong trưng cầu ý dân. Và việc không tiến hành trưng cầu ý dân cho một vấn đề quản lý hành chính “không có nghĩa” Nhà nước “thiếu dân chủ” hay “bỏ qua quyền lợi của dân”.
Hai là, cơ sở pháp lý về “trưng cầu dân ý” và sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và đặc biệt là Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, trưng cầu ý dân được thực hiện đối với những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và kinh tế, xã hội của đất nước.
Việc sáp nhập tỉnh, về nguyên tắc, thuộc phạm vi quản lý hành chính và điều chỉnh của Nhà nước, không phải là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, không bắt buộc phải tiến hành thực hiện trưng cầu ý dân, mà việc xem xét, quyết định sáp nhập tỉnh dựa theo các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, do Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thảo luận và biểu quyết.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số 77/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm sau) và các nghị quyết, quy định hướng dẫn thi hành, quy định:
Việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh phải qua nhiều bước, bao gồm: khảo sát, đánh giá về quy mô dân số, diện tích, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng… nhằm bảo đảm tính hiệu quả và tính khả thi cao nhất.
Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định là Quốc hội, dựa trên tờ trình của Chính phủ và ý kiến của các cơ quan liên quan.
Người dân vẫn có quyền thể hiện quan điểm qua kênh đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp (mỗi đại biểu được dân bầu ra, thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đưa ra ý kiến thảo luận, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng).
Rõ ràng, việc sáp nhập tỉnh không thuộc nhóm “vấn đề đặc biệt quan trọng” phải trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Nhà nước “không lấy ý kiến người dân”. Thực tế, quy trình sáp nhập luôn trải qua các khâu lấy ý kiến địa phương, báo cáo, giải trình tại Quốc hội, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong bộ máy đại diện và trong xã hội.
Như vậy, “sáp nhập tỉnh” là một biện pháp “hành chính” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, hướng tới lợi ích của nhân dân và sự phát triển chung của đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đúng các nguyên tắc của Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việc RFA rêu rao “không trưng cầu ý dân” là thiếu dân chủ thực chất “là lối bóp méo khái niệm”, xuyên tạc thể chế chính trị và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, phân tích, nhận định rõ luận điệu sai trái để xây dựng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công chủ trương đặc biệt quan trọng này./.
Sáng mãi niềm tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét