Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

THAO TÚNG TRUYỀN THÔNG ĐỂ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ, TẠO TIỀN ĐỀ THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ- BÀI HỌC TỪ LIÊN XÔ!

         Một năm sau khi Gorbachev lên nắm quyền Tổng bí thư, tháng 3/1986 Đại hội lần thứ 27 của ĐCSLX đã được tổ chức. Ngay sau Đại hội, Gorbachev triệu tập lãnh đạo các cơ quan truyền thông hàng đầu Liên Xô, tuyên bố hiện tình đất nước rất gay go và tụt hậu so với phương Tây về tất cả mọi mặt.

Và trong khi lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền hình Liên Xô chưa hết bàng hoàng bởi tuyên bố đó, thì việc “thay máu” đã ngay lập tức diễn ra ồ ạt. Không chỉ trong lĩnh vực truyền thông, mà là trong tất cả lĩnh vực liên quan đến văn hóa tư tưởng.

Nhà sử học Aleksandr Ostrovsky viết:
“Tháng 3/1986, Valentin Falin trở thành giám đốc mới của hãng tin APN. Valentin Falin không chỉ thân thiết với Gorbachev, mà còn với Willy Brandt, một trong các tác giả của Hiệp ước Xô-Đức năm 1970”.

Ngày 13/5/1986, Đại hội điện ảnh Liên Xô lần thứ 5 khai mạc. Ngày 24/6 cùng năm, Đại hội lần thứ 8 Hội nhà văn Liên Xô cũng đã được diễn ra. Cuối tháng 10/1986, đến lượt Đại hội lần thứ 15 của Hội sân khấu được tổ chức. Kết quả là lãnh đạo của 3 Hội này đều được thay mới hoàn toàn.

Còn trong lĩnh vực tuyên truyền thì lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu được thay cấp tập. Đầu năm 1986, M.N.Poltoranin được chỉ định làm Tổng biên tập báo “Sự thật Moskva”, thay cho V.Markov. Tháng 6 cùng năm, đến lượt Tổng biên tâp tờ “Tin tức Moskva” bị thay thế. Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” cũng có Tổng biên tập mới là V.Korotich. Các tạp chí lý luận hàng đầu như “Thế giới mới”, “Ngọn cờ” cũng tiến hành thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất, đều là những người thân cận với Gorbachev và Yakovlev.

Trong hồi ký của mình, nhà ngoại giao Mỹ, George Matlock đã nhận xét về “công tác nhân sự” này:

“A.N.Yakovlev, người phụ trách tuyên giáo của Đảng CSLX thời đó đã đóng vai trò chính trên mặt trận này của công cuộc cải tổ. Trước đại hội Đảng lần thứ 27 (1986) đã bắt đầu sự thay đổi lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng. Mùa hè năm 1986, ông ta báo cáo Bộ Chính trị, rằng "90% cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực này đã được thay thế”.

Những người được thay thế là ai? Có thể đơn cử trường hợp Vitaly Korotich, người được bổ nhiệm làm Tổng biên tập mới của tờ tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" danh tiếng giàu truyền thống. Việc đầu tiên của Korotich là xóa bỏ hình ảnh huân chương Lenin ra khỏi trang bìa của tờ tạp chí này.

Những kẻ như Korotich, lợi dụng danh nghĩa công khai, đổi mới đã liên tục đăng tải các thông tin bôi nhọ các nhà lãnh đạo và chính quyền Xô viết, gây ra tâm lý bất an, chán nản và thiếu niềm tin trong công chúng, đây là những tiền đề dẫn đến sự tan rã của Liên Xô sau này.

Về Yakovlev, người được coi là “kiến trúc sư của cải tổ”, kẻ chủ xướng việc thay máu lãnh đạo các cơ quan báo chí Liên Xô với sự hậu thuẫn của Gorbachev thì sau này đã được chính Valentin Falin, nguyên cố vấn đối ngoại của Gorbachev vạch rõ chân tướng trong một bài phỏng vấn báo Tuyệt Mật số 3/380 ra ngày 3/3/2016. Ông này vừa qua đời tại Moskva hôm 22/2 vừa qua ở tuổi 92.

Theo Falin, thì ngay từ năm 1961, Yakovlev đã là tay trong của Mỹ. Ông ta từng là đại sứ Liên Xô tại Canada trong vòng 10 năm. Yakovlev không chỉ là “điệp viên Mỹ” theo nghĩa thông thường của khái niệm này. Chủ tịch KGB thời đó là Vladimir Kryuchkov đã từng đem các bằng chứng liên quan đến Yakovlev đến truy vấn chính ông này. Đáp lại, Yakovlev chỉ một mực im lặng. 

Khi Kryuchkov tiếp tục báo cáo với Gorbachev, ông này chỉ mím môi, rồi nói ai chẳng có những sai lầm thời trẻ. Gorbachev nói: “Yakovlev, đó là người mà công cuộc cải tổ đang cần, đất nước đang cần và cần phải để cho ông ấy tham gia chính trường ở đỉnh cao”. Và như chúng ta đã biết, Gorbachev và Yakovlev đã làm những gì với đất nước Liên Xô sau đó”.

Sau này, người ta có nhắc đến “Kế hoạch Yakovlev”, khi mà chính Yakovlev đã thừa nhận về kế hoạch tiến hành một cuộc “cách mạng tư tưởng” nhằm thay đổi chế độ:

«Một nhóm những nhà cải cách thực sự đã xây dựng kế hoạch sau: 

Sử dụng uy tín của Lenin để tấn công Stalin, vào chủ nghĩa Stalin. Và sau đó, nếu thành công, (sẽ dùng tiếp) Plekhanov và nền dân chủ xã hội để tấn công (vào hình tượng) Lenin, rồi chủ nghĩa tự do và “chủ nghĩa xã hội đạo đức” sẽ tấn công vào chủ nghĩa cách mạng nói chung.”

Nói là làm. Kế hoạch tấn công vào Stalin, người đã lãnh đạo nhân dân LX chiến thắng quân phatxit, đã được triển khai ngay trên tất cả các mặt trận. Thời kỳ này mình đang ở Liên Xô nên biết rõ. Đây chỉ là một số ví dụ: Ảnh 1 là bìa cuốn tạp chí trào phúng Cá sấu tháng 12/1989, mô tả chân dung Stalin được xếp bằng các sọ người, với chú thích “Và bóng đen dài hơn thế kỷ”, nhại lại tên tiểu thuyết “Và một ngày dài hơn thế kỷ!” của Chinghiz Aitmatov. Phim ảnh thì cho chiếu “Sám hối”(Покаяние) ám chỉ “tội ác” của Stalin “Trời không dung đất không chứa”….

Ảnh 2 là sự tấn công trực tiếp vào các Tổng bí thư ĐCSLX Stalin, Khrushyov, Brezhnev: chân dung 3 vị TBT với dòng chữ Chủ nghĩa xã hội ( Социализм) được cuốn bằng dây kẽm gai, phía trên là Mác, Ăng-ghen, Lê nin với nhận xét: “Không, đó không phải là CNXH mà chúng tôi muốn xây dựng…”. Phủ nhận sạch trơn thành tựu của LX suốt hơn nửa thế kỷ liền là đây !

Sự sụp đổ của LX có rất nhiều nguyên nhân mà đến nay các nhà sử học, các chuyên gia vẫn tiếp tục phân tích, như nền kinh tế kế hoạch hoá trì trệ, thỏa thuận bí mật của Gorbachev và Reagan tại Reykiavich, kế hoạch giải tán khối Varsava, kế hoạch tạo nên sự khan hiếm giả tạo, bật đèn xanh cho ly khai…Nhưng không thể không nhắc đến một nguyên nhân khá quan trọng: đánh mất mặt trận tư tưởng, bị thao túng truyền thông để gây sự bất ổn, đánh mất niềm tin, tạo tiền đề dẫn đến sự sụp đổ chế độ./.

Khuyết danh ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét