Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới nhiều năm qua, đặc biệt là các cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia, các lực lượng gần đây càng đặt ra sự cấp bách trong nhận thức và chủ động các biện pháp phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân (CBRN) và môi trường. Cùng với đó, vấn đề xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh vẫn là bài toán còn nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Binh chủng Hóa học đã chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình, xây dựng phương án để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có giải pháp phù hợp.
Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận thức được những vấn đề trên, mà từ lâu, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã nhận thấy những nguy cơ hiện hữu đó để có giải pháp phù hợp. Tuy vậy, những diễn biến nhanh, khó lường, đặc biệt phức tạp của các cuộc xung đột quân sự ở các quốc gia càng đặt ra vấn đề cấp bách.
Trước yêu cầu đó, những năm qua, Binh chủng Hóa học đã chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc thực thi các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân và môi trường, như: Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC), Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), Công ước cấm vũ khí sinh học (BWC)...; nghiên cứu, đánh giá về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các cuộc xung đột quân sự trên thế giới. Binh chủng cũng thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xu hướng phát triển vũ khí sinh học; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Trong đó, Binh chủng đã đề xuất và tham gia soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu với Bộ Quốc phòng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hóa học, sinh học, bức xạ, về an toàn, an ninh, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, như: Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Phòng thủ dân sự; Nghị định số 81/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới đến năm 2025; ban hành quyết định về lắp đặt các trang thiết bị Hệ thống trinh sát phóng xạ trong Quân đội và phòng ngừa, phát hiện, chuẩn bị ứng phó nguy cơ sự cố CBRN giai đoạn 2019-2025 và kế hoạch thực hiện. Tham gia biên soạn xây dựng dự thảo Nghị định số 33/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Đặc biệt, Binh chủng đã phối hợp tham mưu với Nhà nước thực hiện thành công vai trò Việt Nam đảm nhiệm thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Binh chủng đã tham mưu với Bộ Quốc phòng ban hành biểu tổ chức biên chế lực lượng hóa học trực thuộc và toàn quân, trong đó trọng tâm là thành lập đơn vị mới đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; đề xuất kiện toàn 3 Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam) là lực lượng chuyên trách. Song song với đó, Binh chủng đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động khoa học-công nghệ và bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, như: Quyết định số 2215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch thực hiện; Quyết định số 1251/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện; tổ chức thực hiện dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ số về quản lý khu vực nhiễm chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và tổ chức xử lý chất độc CS tại các quân khu 4, 5, 7, 9, các sân bay dã chiến trên địa bàn cả nước...
Cùng với công tác tham mưu, Binh chủng đã chủ động chỉ đạo lực lượng hóa học toàn quân chấp hành nghiêm các chỉ lệnh về sẵn sàng chiến đấu đối với Bộ đội Hóa học; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện trang bị, khí tài hóa học, sẵn sàng xử trí các tình huống về vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự cố CBRN và môi trường xảy ra trên địa bàn. Hằng năm, Binh chủng chỉ đạo các đơn vị hóa học trực thuộc và toàn quân tham gia các cuộc diễn tập tác chiến chiến lược, diễn tập phòng thủ dân sự và ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân với các đơn vị sát địa bàn, đối tượng.
Có thể khẳng định, công tác tham mưu và thực hiện phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với các tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học và chiến tranh sinh học, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh của Binh chủng Hóa học những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt diễn ra dưới nhiều hình thức đe dọa an ninh, an toàn các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lợi dụng các thành tựu khoa học-công nghệ, một số quốc gia đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực; không loại trừ việc nghiên cứu, phát triển vũ khí sinh học có hiệu lực chiến đấu cao, các chất độc sinh học kiểu mới. Mặt khác, chủ nghĩa khủng bố quốc tế tìm mọi cách sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, công nghệ sinh học với mục đích sản xuất vũ khí giết người hàng loạt là nguy cơ không thể xem thường.
Trong bối cảnh đó, Binh chủng Hóa học xác định tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quản lý, có giải pháp ứng phó liên quan đến lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân và môi trường, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Quá trình thực hiện, quán triệt sâu sắc, chủ động triển khai có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, gìn giữ hòa bình, phát triển bền vững, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Song song với đó, Binh chủng tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác điều tra, xử lý và khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; quán triệt, triển khai nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, Đảng ủy Binh chủng Hóa học tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ những nội dung, giải pháp. Trong đó, nâng cao công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học cho bộ đội và nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hóa học toàn quân phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện. Thường xuyên nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình phát triển, nguy cơ trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh sinh học trên thế giới, tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng các biện pháp ứng phó, xử lý nhanh chóng, chính xác. Chủ động xây dựng lực lượng, trang bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có việc sử dụng vũ khí sinh học, tác nhân sinh học, chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đặc biệt coi trọng tập trung xây dựng, tổ chức lực lượng hóa học chuyên trách tinh, gọn, mạnh, có khả năng chiến đấu, khả năng cơ động cao đáp ứng yêu cầu chống khủng bố hóa học, sinh học, phóng xạ trong mọi tình huống; ưu tiên xây dựng lực lượng hóa học chuyên trách chống khủng bố phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng, bảo đảm đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng các kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn các nguồn lực; thường xuyên tổ chức diễn tập nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, kỹ năng thực hành, khả năng phối hợp của các lực lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ./.
Ảnh: Bộ đội Lữ đoàn 87 (Binh chủng Hóa học) thực hành tiêu tẩy phương tiện tại diễn tập ứng phó xử lý sự cố môi trường.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét