Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử Việt Nam, xuất hiện rất nhiều cái tên cải cách. Từ Khúc Hạo, Hồ Quý Ly, vua Minh Mạng thì TBT Tô Lâm hiện lên như một bức chân dung đa sắc – vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm.
Có một tướng Tô Lâm của ngày hôm qua: Vị tướng Công an “sắt thép”. Nhưng cũng có một TBT Tô Lâm của hôm nay: Tổng Bí thư với tầm nhìn hiện đại, người không chỉ thay đổi chiếc áo quyền lực mà còn thay đổi cả cách một dân tộc nhìn về tương lai. TBT Tô Lâm của hôm nay ấy, rất khác tướng Tô Lâm của hôm qua. Ta thấy có đến hai trong cùng một thời đại.
Từ bàn tay sắt đến bàn tay kiến tạo, kỹ trị.
Khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an, tướng Tô Lâm là biểu tượng của sự cứng rắn. Ông giảm bớt các cục, tăng biên chế Công an, xây dựng một bộ máy an ninh vững chắc để bảo vệ chính quyền. Đó là tướng Tô Lâm của “máu và sắt”, người không ngại trấn áp những gì đe dọa trật tự. Nhưng khi bước lên vị trí cao nhất của Đảng, ông không chỉ là người giữ gìn, ông trở thành người kiến tạo, kỹ trị.
Hơn 10.000 xã được dự kiến thu gọn xuống còn khoảng 2000, cấp huyện trung gian được tinh gọn, các tỉnh thành được sáp nhập, bộ máy Nhà nước cồng kềnh từ lâu được ông mạnh dạn cắt gọt. Những thay đổi ấy không chỉ là con số, mà là lời hứa về một đất nước vận hành hiệu quả hơn, gần dân hơn. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, ông đã làm được điều mà nhiều người Việt chỉ dám mơ trong những cuộc trò chuyện bên ly cà phê – một cuộc cách mạng hành chính thực sự.
Dám nhìn thẳng, dám gọi tên.
TBT Tô Lâm của hôm nay không chỉ dừng lại ở việc tinh gọn bộ máy. Ông còn khiến người ta ngỡ ngàng bởi cách ông đối diện với lịch sử và hiện tại. Ông thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc trong cuộc chiến Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến 1989, một cử chỉ giản dị nhưng chứa đựng sự thừa nhận sâu sắc về những hy sinh. Ông không né tránh khi nhắc đến chế độ cũ, thậm chí công nhận những giá trị ưu việt mà nó từng mang lại. Ông gọi tên Sài Gòn là "Hòn Ngọc Viễn Đông", ông nói Bệnh viện Chợ Rẫy là ước mơ của bệnh nhân Singapo...
Và khi nói về những con tàu xâm phạm chủ quyền, ông gọi thẳng “tàu Trung Quốc” thay vì “tàu lạ”, ông cho cái đài Trung Nam Hải ở Berlin phải câm lặng - một sự thay đổi nhỏ trong lời nói, nhưng là bước ngoặt lớn trong tư duy.
Đó là TBT Tô Lâm của sự minh bạch và can đảm, một người lãnh đạo không sợ đối diện với quá khứ để mở đường cho tương lai. Ông không chỉ nhìn thẳng, mà còn gọi đúng tên sự thật – điều mà người dân Việt Nam đã chờ đợi quá lâu.
Cuộc cách mạng chạm đến lòng người Việt Nam trong và ngoài nước.
Nếu “Công cuộc đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng là ngọn lửa thanh lọc, giữ Đảng trong sạch, thì TBT Tô Lâm đang thổi vào Đảng một luồng sinh khí mới. Ông không chỉ muốn Đảng tồn tại, mà còn muốn Đảng trở thành biểu tượng của niềm tin, của hy vọng. Những quyết sách táo bạo của ông đã khiến hàng triệu người – kể cả những người từng ghét Đảng – phải dừng lại và suy ngẫm. Họ có thể không yêu ông, nhưng họ bắt đầu cảm thấy rằng, ít nhất, có một người đang dám làm điều gì đó lớn lao cho đất nước.
TBT Tô Lâm không hô hào bằng những khẩu hiệu vang dội. Ông hành động một cách lặng lẽ, thực tiễn, nhưng đầy sức mạnh. Một nhà lãnh đạo không chỉ khiến người ta kính nể bằng quyền lực, mà còn khiến người ta tin tưởng bằng tầm nhìn.
Một TBT Tô Lâm rất khác, một giấc mơ rất gần. Yêu hay ghét TBT Tô Lâm, đó là quyền của mỗi người. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông đang viết nên một chương mới cho Việt Nam – không phải bằng mực in trên giấy, mà bằng những bước đi táo bạo trên thực tế.
Từ một vị tướng Công an của ngày hôm qua, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo mang sứ mệnh lịch sử hôm nay. Trong ông, ta thấy bóng dáng của một người dám mơ những giấc mơ lớn – không phải cho riêng mình, mà cho cả dân tộc. Và có lẽ, chính sự khác biệt ấy đang âm thầm gieo vào lòng người Việt một niềm tin rằng, ngày mai của đất nước sẽ không chỉ là sự tiếp nối, mà là một sự vươn lên của cả dân tộc. Đánh dấu một Việt Nam đang bước vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" trong những bước đi đầy táo bạo của ông.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét