Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Dân chủ, nhân quyền là những giá trị của văn minh nhân loại, luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội và con người. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng hòng chống phá cách mạng Việt NamVì vậy, cần nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về vấn đề này.

Dân chủ và nhân quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau; trong đó, nhân quyền là nền tảng, lý tưởng của dân chủ; ngược lại, dân chủ là điều kiện để thực hiện quyền con người, là thể chế chính trị bảo đảm, thực thi quyền con người. Mỗi giai đoạn phát triển của dân chủ đều phản ánh sự tiến bộ của nhân quyền, dân chủ càng phát triển thì nhân quyền càng được khẳng định. Theo học thuyết Mác - Lênin, quyền con người là quyền của tất cả mọi người, xuất phát từ phẩm giá vốn có của con người được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Với việc thông qua Hiến chương Liên hợp quốc (ngày 26/6/1945) và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (ngày 10/12/1948), lần đầu tiên trong lịch sử, quyền con người được công nhận, bảo vệ rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới; đồng thời, đặt ra nghĩa vụ, trách nhiệm của các quốc gia phải duy trì các biện pháp bảo vệ và ngăn chặn vi phạm.

Đối với Việt Nam, việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp, pháp luật và luôn được đề cao, nỗ lực thực thi trong thực tiễn. Đảng ta khẳng định: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân,… bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”1 và “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”2. Tuy nhiên, với âm mưu, dã tâm xấu độc, các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng, chính trị hóa vấn đề dân chủ, nhân quyền nhằm hiện thực hóa chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam thông qua một số luận điệu, chiêu bài, như:

Thứ nhất, họ cho rằng, Việt Nam muốn thực sự dân chủ và phát triển, cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đây là luận điệu mang tính mị dân, dễ gây sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn nhằm tạo điều kiện cho việc ra đời, công khai, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập; từ đó, hướng lái xã hội, tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Thứ hai, họ xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ dẫn đến tập trung quan liêu, độc tài, mất dân chủ; bác bỏ những nội dung cốt lõi, nguyên tắc cơ bản trong đường lối chính trị; vu cáo Đảng “độc đoán, toàn trị” và cho rằng: trong quá khứ Đảng có được nhiều thành công nhưng đến nay đã hết vai trò lịch sử,… vì vậy, cần xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi Đảng ta phải từ bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo, chúng coi đây là vấn đề “căn bản”, “then chốt” của chế độ dân chủ.

Thứ ba, họ triệt để lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trước hết, họ tìm mọi cách tạo “môi trường”, cung cấp tài chính, phương tiện thành lập các tổ chức chính trị đối lập dưới danh nghĩa “xã hội dân sự”, lấy tên gọi, khẩu hiệu rất “ấn tượng”, như: “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội Cựu tù nhân lương tâm”, “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Hội Bầu bí tương thân”, “Hội Nhà báo độc lập”, “Hội Anh em dân chủ”,... để tập hợp lực lượng. Bên cạnh đó, một số phần tử chống đối tự xưng đại diện cho các tổ chức “xã hội dân sự” tham gia các buổi điều trần ở nước ngoài, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, kêu gọi trả tự do cho số đối tượng chống đối trong nước bị bắt vì vi phạm pháp luật. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng những yếu kém, sai phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, thanh danh của Đảng.

Thứ tư, họ tập trung khoét sâu vào vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, kích động ly khai ở các vùng dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoạt động này được thực hiện thường xuyên, liên tục, lúc bí mật, lúc công khai, có sự cấu kết chặt chẽ giữa lực lượng chống đối ở trong nước với các tổ chức phản động, khủng bố ở nước ngoài nhằm làm mất ổn định tình hình, gây tiếng vang, tạo cớ Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Điển hình như vụ khủng bố tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/6/2023.

Có thể thấy, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch rất nham hiểm, là một “mũi nhọn” trong Chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, với vai trò là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Quân đội cần tích cực, chủ động tham gia đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền  chống phá cách mạng nước ta; trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân chủ, nhân quyền. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức của toàn dân, toàn quân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo trong nhận diện và đấu tranh với các thủ đoạn, hoạt động lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền; trọng tâm là quyền bình đẳng, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng của nhân dân; thực tiễn việc bảo đảm, thực thi các quyền công dân trong xã hội, v.v. Thông qua đó, nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường đoàn kết lương giáo, vận động đồng bào tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm của Đảng: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”3. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, từng cá nhân trong tham gia đấu tranh với việc lợi dụng, chống phá của kẻ địch.

Hai là, xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; trong đó, Quân đội là một trong những lực lượng nòng cốt. Vì vậy, từng cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nòng cốt là Ban Chỉ đạo 35, lực lượng 47 các cấp cần phát huy trò tiên phong, xung kích tập hợp, hướng dẫn các lực lượng khác tham gia đấu tranh. Cấp ủy, chỉ huy các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, hình thức tập huấn, bồi dưỡng toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng nòng cốt, các “hạt nhân” cả về trình độ, kiến thức lý luận và phương pháp, kỹ năng đấu tranh; kinh nghiệm khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo, telegram,…) để lan tỏa, đấu tranh. Thường xuyên cập nhật âm mưu, thủ đoạn, những vấn đề mới nảy sinh về dân chủ, nhân quyền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo sinh sống; phân tích, đánh giá, xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả các tình huống.

Ba là, chủ động phối hợp với các lực lượng trong nắm, dự báo tình hình, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Trong đó, tập trung nắm, dự báo chính xác mục tiêu, âm mưu, thủ đoạn, những vấn đề bức xúc, bất đồng, mâu thuẫn,… của nhân dân mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng kích động; quy mô, hình thức, phương thức, kế hoạch, phương án chống phá; đối tượng cầm đầu, thành phần, lực lượng tham gia; nguồn tài chính, vật chất, phương tiện, vũ khí, trang bị sử dụng; thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động chống phá, v.v. Từ đó, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có phương án, đối sách xử lý phù hợp. Để nâng cao chất lượng nắm, dự báo cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy định phối hợp giữa các lực lượng trong nắm tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh thuộc các cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh ở địa phương, cơ sở nắm chắc, dự báo đúng tình hình. Đặc biệt, cần chú trọng dựa vào hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân kịp thời phát hiện, nắm bắt, phân loại các đối tượng và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Bốn là, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh. Căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa bàn, các đơn vị Quân đội, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là trên địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Quân đội tham gia đảm nhiệm các chức danh cán bộ ở địa phương, cơ sở; làm tốt công tác phát triển Đảng, xóa tình trạng thôn, bản trắng đảng viên, chi bộ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng cụm thôn, bản ở khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo; xây dựng lực lượng nòng cốt trong vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn, xây dựng “phòng tuyến nhân dân”, góp phần đấu tranh, phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Năm là, thường xuyên củng cố quốc phòng, an ninh, chủ động xây dựng, luyện tập phương án phối hợp giải quyết các “điểm nóng” trên địa bàn. Đây là giải pháp trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả Quân đội tham gia đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân mà nòng cốt là “thế trận lòng dân” vững chắc trên từng địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống bạo loạn, khủng bố; thường xuyên luyện tập, bổ sung hoàn chỉnh phương án sát đặc điểm, tình hình thực tiễn. Quá trình thực hiện, các đơn vị chú trọng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, kỷ luật của Quân đội, pháp luật Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp liên quan đến dân chủ, nhân quyền, không để hình thành các “điểm nóng”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét