Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

NGHỆ THUẬT ĐÁNH ĐIỂM, DIỆT VIỆN TRONG CHIẾN DỊCH TRUNG - HẠ LÀO NĂM 1954

 Thực hiện ý định phối hợp tác chiến với các chiến trường khác trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, ta bất ngờ mở Chiến dịch Trung - Hạ Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực, buộc địch phải phân tán khối chủ lực cơ động trên nhiều hướng. Đây là chiến dịch quy mô nhỏ, trên địa bàn chiến lược, xa hậu phương nhưng với nghệ thuật đánh điểm, diệt viện đặc sắc, ta đã đạt hiệu suất chiến đấu rất cao, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

Trong kế hoạch xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp luôn coi khu vực Trung - Hạ Lào là địa bàn chiến lược quan trọng, phòng tuyến vững chắc hòng chặn đứng chủ lực của ta từ phía Bắc vượt vĩ tuyến 18 xuống phía Nam. Do lực lượng kháng chiến của ta và bạn Lào chưa lần nào mở cuộc tiến công lớn ở địa bàn này, nên việc phòng ngự của địch có nhiều sơ hở, chủ yếu dùng quân ngụy Lào chiếm giữ những vị trí trọng yếu trên các trục Đường số 9, 12, 13, v.v. Tuy nhiên, khi phát hiện chủ lực của ta tiến quân sang Trung Lào, tướng Navarre - Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương vội vã điều 06 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ, thiện chiến thuộc Binh đoàn cơ động số 02 (GM2) và 01 tiểu đoàn pháo binh tăng cường cho địa bàn chiến lược này. Thực hiện ý đồ đó, địch tổ chức phòng ngự thành 03 cụm cứ điểm (Na-pê, Khăm-cợt, Lắc-xao; Ba-na-phào; Nậm Thê Um), ra sức củng cố công sự trận địa, thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân thăm dò để phát hiện, ngăn chặn từ xa các cuộc tiến công của ta.

Về phía ta, thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy xác định chủ trương phối hợp với quân giải phóng Pa-thét Lào mở chiến dịch tiến công vào khu vực Trung - Hạ Lào. Mặc dù tác chiến trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp, chiến trường rộng, xa hậu phương, lực lượng của ta không vượt trội so với địch, nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo, biết giữ gìn lực lượng để đánh liên tục, dài ngày, ta liên tiếp giáng cho địch những đòn chí mạng. Thắng lợi của Chiến dịch đã thu hút lực lượng lớn quân cơ động chiến lược của địch về phía Trung Lào, phân tán mạnh lực lượng chủ lực ở đồng bằng Bắc Bộ; tiêu hao, tiêu diệt lớn sinh lực địch, giúp Bạn mở rộng và củng cố vùng giải phóng, mở thông hành lang chiến lược Bắc - Nam. Đây thực sự là đòn tiến công chiến lược với hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật tác chiến chiến dịch quy mô nhỏ; trong đó, nghệ thuật đánh điểm, diệt viện là nét nổi bật.

Thứ nhấtlựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu đánh “điểm”. Trong điều kiện lực lượng của ta không chiếm ưu thế so với địch, để bảo đảm chắc thắng, dễ dàng “điều, dụ địch” thực hiện theo cách đánh của ta, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương chọn các mục tiêu vừa sức nhưng hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của địch, như: cầu Khăm He, Hìu Sìn, Thà Khẹc,… để “khêu ngòi”, buộc địch phải ứng cứu, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt chúng ngoài công sự. Trong đợt 01 của Chiến dịch, để bảo đảm chắc thắng trận đầu, ta lựa chọn cứ điểm của địch mới xây dựng ở khu vực cầu Khăm He làm mục tiêu đánh “điểm”. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn chính xác, thể hiện tư duy sáng tạo, sự tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình các mặt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, bởi cứ điểm này là “mắt xích” quan trọng trên trục Đường số 12, nối liền hai cứ điểm mạnh của địch là Thà Khẹc và Mụ Giạ. Nếu bị ta san phẳng thì thế trận liên hoàn, nối liền phía Đông và phía Tây Đường số 12 sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, các cứ điểm Ba-na-phào, Kha-ma,… nằm dọc Đường số 12 của địch bị uy hiếp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, để giữ vững cứ điểm quan trọng này, địch đã tăng cường 01 đại đội pháo 105mm từ Thà Khẹc lên - đơn vị hỏa lực chủ yếu của địch, nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của ta, bảo vệ các cứ điểm dọc theo tuyến đường huyết mạch này. Với một cứ điểm quan trọng như vậy, khi ta nổ súng tiến công, trước nguy cơ bị tiêu diệt, chắc chắn địch phải sử dụng lực lượng chủ lực tinh nhuệ tăng viện và khi đó, chúng sẽ rơi vào mưu kế của ta. Mặt khác, qua nghiên cứu tình hình cho thấy, đây là cứ điểm địch mới xây dựng sau khi phát hiện chủ lực của ta cơ động sang chiến trường Trung Lào, công sự trận địa chưa thật vững chắc, hệ thống vật cản còn sơ sài, bố phòng thiếu chặt chẽ, nếu ta bí mật bao vây, bất ngờ nổ súng tiến công thì sẽ nhanh chóng bị đập tan. Như vậy, quyết định tiến công vào khu vực cầu Khăm He chính là tránh chỗ mạnh, đánh vào nơi sơ hở nhưng hiểm yếu của địch, tạo đột biến, thúc đẩy Chiến dịch phát triển giành thắng lợi. Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh sự lựa chọn trên là hoàn toàn đúng, Trung đoàn 101 đã nhanh chóng diệt gọn cứ điểm của địch ngay trong đêm, kịp thời bố trí lại lực lượng phục kích ở hai đầu cầu Khăm He, tiếp tục xóa sổ đại đội địch từ Ba-na-phào đến giải vây, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Thứ haitổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, linh hoạt, tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi. Trước sức mạnh vượt trội về binh lực, hỏa lực và khả năng cơ động của quân Pháp, để bảo đảm chắc thắng trong từng trận đánh, chặt đứt từng “mắt xích” quan trọng trong tuyến phòng ngự của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch luôn nắm chắc tình hình mọi mặt, tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, bảo đảm đánh liên tục, dài ngày. Quá trình trinh sát nắm địch, ta nhận thấy địch chỉ sử dụng Tiểu đoàn cơ động Algeria số 27 và 01 đại đội pháo 105mm phòng ngự ở khu vực cầu Khăm He, nhưng chính diện và chiều sâu phòng ngự lại lớn, đội hình phân tán, không tạo được thế liên hoàn, khả năng chi viện lẫn nhau trong quá trình chiến đấu có nhiều hạn chế; hơn nữa, đây lại là cứ điểm địch mới chuyển vào phòng ngự, “đứng chân chưa vững”, công sự, trận địa thiếu vững chắc, vật cản bố trí còn sơ sài. Từ nhận định đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết địch chỉ sử dụng 02 tiểu đoàn của Trung đoàn 101 để tiến công 01 tiểu đoàn tăng cường của địch, thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo “giữ gìn lực lượng để đánh lâu dài”. Đây là quyết định chính xác, hoàn toàn phù hợp với tình hình địch, ta, địa hình trong khu vực tác chiến nhằm bảo đảm chắc thắng, nhưng cũng đủ gây áp lực “khêu ngòi” lực lượng địch tăng viện từ nơi khác đến. Bên cạnh đó, thực hiện ý định lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu, ngay sau khi “san phẳng” cứ điểm của địch ở khu vực cầu Khăm He, ta sử dụng Tiểu đoàn dân công hỏa tuyến Nghệ An, thu vũ khí, vận chuyển pháo, đạn ra ngoài rừng cất giấu; lực lượng chủ yếu của Trung đoàn 101 khẩn trương cơ động bố trí trận địa phục kích địch từ Ba-na-phào và Nhom-ma-rát kéo tới. Cùng với đó, ta phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Pa-thét Lào đánh cắt giao thông trên Đường số 13 đoạn nối Trung Lào với Thượng Lào, dân quân và du kích tỉnh Khăm Muộn bao vây, uy hiếp, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, từng bước mở rộng vùng giải phóng. Như vậy, nhờ nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng tập trung cho nhiệm vụ chủ yếu tiêu diệt địch ngoài công sự, nên ta đã tạo ưu thế hơn hẳn địch, chỉ trong thời gian ngắn, nhanh chóng diệt gọn viện binh của chúng ở hai đầu cầu Khăm He, hoàn thành từng bước nhiệm vụ của Chiến dịch. Ngoài ra, để tập trung lực lượng cho nhiệm vụ tiến công đánh “điểm” - mục tiêu Thà Khẹc, ta đã thuần phục và sử dụng 200 tù binh để vận chuyển đạn, gạo, vận chuyển thương binh hành quân cùng đơn vị, góp phần gia tăng sức mạnh bảo đảm, phục vụ chiến đấu. Nhờ đó, mặc dù lực lượng của ta có phần hạn chế so với địch, quãng đường hành quân xa, địa hình hiểm trở, nhưng do tổ chức và sử dụng lực lượng linh hoạt, ta đã phát huy sức mạnh của từng bộ phận, đẩy nhanh tốc độ hành quân, kịp thời làm công tác chuẩn bị tác chiến, tạo yếu tố bất ngờ, tiêu diệt gọn cứ điểm Thà Khẹc trong thời gian ngắn.

Thứ bavận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Trong Chiến dịch tiến công Trung - Hạ Lào, các đơn vị chủ lực của ta phải tác chiến ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, đối tượng tác chiến là quân đội viễn chinh Pháp với quân số đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Vì vậy, để hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của chúng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nắm chắc tình hình, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, kết hợp chặt chẽ các thủ đoạn chiến đấu, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng địch và địa hình, phát huy sở trường, cách đánh của từng lực lượng, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời.

Đối với các trận đánh “điểm”, ta vận dụng hình thức chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc, liên tục đột phá, nhanh chóng tiêu diệt gọn cứ điểm địch. Khi địch tăng viện, ứng cứu, giải tỏa, tận dụng thế có lợi của địa hình, ta vận dụng hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, tiêu diệt địch ngoài công sự - diệt “viện”. Thực tiễn trong đợt 2, khi chuyển hướng Chiến dịch xuống Đường số 9, quyết tâm của Bộ Chỉ huy Chiến dịch là cắt con đường chiến lược này, buộc địch phải đưa thêm lực lượng từ miền Bắc vào ứng cứu, hoặc thu hút địch ra khỏi các cứ điểm Sê-pôn, nhất là Xê-nô, tạo thời cơ tiêu diệt địch trong trong quá trình cơ động và mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện chủ trương trên, ta và Bạn liên tiếp tiến công địch trong công sự vào các vị trí dọc Đường số 9 và Đường số 8B, như: trận tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn dù cơ động số 3 ở Hìn Sìu, phục kích đánh thiệt hại nặng 02 tiểu đoàn địch từ Xê-nô ra ứng cứu. Để kéo địch ra, tiếp tục tạo thời cơ đánh địch ngoài công sự, Trung đoàn 66 đồng loạt tiến công 03 vị trí: Pha-lan, Ha-xa-lai, Xê-ta-mốc và ngay sau đó tổ chức trận địa phục kích trên Đường số 9, đoạn từ Đồng Hến đến Pha-Lan, tiêu diệt gọn 02 đại đội ngụy, phá hủy hơn 40 xe, bắt gần 100 tên.

Để nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch, các thủ đoạn chiến đấu được ta vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo trong từng trận đánh, tình huống chiến đấu, thể hiện sự trưởng thành, tiến bộ rõ rệt của cán bộ, chiến sĩ về trình độ kỹ thuật, chiến thuật; tiêu biểu như nghệ thuật kết hợp thủ đoạn đột phá với thọc sâu trong trận tiến công cứ điểm Khăm He của Trung đoàn 101. Trước một cứ điểm rộng, quân địch đông, dựa vào công sự vững chắc ngoan cố chống cự, chỉ huy Trung đoàn 101 tổ chức 02 mũi táo bạo thọc sâu đánh thẳng vào sở chỉ huy tiểu đoàn và trận địa pháo 105 của địch; cùng lúc, các lực lượng phối hợp chặt chẽ, chia cắt đội hình phòng ngự của địch ra thành nhiều mảng, kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiến công mãnh liệt, không cho chúng co cụm. Kết quả, ta nhanh chóng làm chủ trận địa, phần lớn Tiểu đoàn cơ động Algeria số 27 và đại đội pháo 105 của địch bị tiêu diệt, 60 tên bị bắt sống.

Với thắng lợi ở khu vực chiến lược Trung - Hạ Lào, ta và Bạn đã “cắt Đông Dương làm đôi”, buộc địch phải điều lực lượng lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ lên xây dựng hai tập đoàn cứ điểm lớn là Xê-nô1 và Xa-ra-van2, Kế hoạch Navarre của địch đứng bên bờ vực bị phá sản hoàn toàn. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch, nhất là nghệ thuật đánh “điểm”, diệt “viện” cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./.

St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét