Phê phán thói vô cảm,
“vì dân suông” của một bộ phận cán bộ, đảng viên
Một trong những biểu hiện suy
thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là: “Không còn
ý thức hết lòng vì nước, vì dân”; “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những
khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Không chỉ vậy, một số cán bộ, đảng
viên thời nay còn có biểu hiện mị dân, “vì dân suông”, từ đó tạo khoảng cách với
dân, gây mất niềm tin trong nhân dân. Do đó, chúng ta phải đấu tranh, phòng ngừa,
ngăn chặn những biểu hiện vô cảm, “vì dân suông” để góp phần xây dựng đội ngũ
cán bộ, đảng viên trung thành, mẫn cán, thật sự vì dân, vì nước.
Tinh vi những biểu hiện mị dân,
“vì dân suông”
Phê phán thói tiền hậu bất nhất,
nói nhiều làm ít, dân ta có câu ca dao: “Nói chín thì phải làm mười/ Nói mười
làm chín, kẻ cười người chê”. Hàm ý sâu sắc hơn, câu ca dao muốn nhắn nhủ, nhắc
nhở con người phải luôn coi trọng giữ gìn chữ “tín”, nói đi đôi với làm; còn nếu
ai mà nói nhiều hơn làm, dù làm chỉ kém nói một chút thôi thì cũng đáng coi thường,
chê trách.
Thời nay, một số cán bộ, đảng
viên có biểu hiện chỉ nói mà không làm, chỉ hứa rồi để đấy, chỉ thề thốt mà
không hành động, người dân gọi đó là những kẻ nói suông, hứa suông, thề suông.
Cách đây 8 năm, ngày 27-5-2016,
phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại
hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công
tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ cảnh báo một số cán bộ, đảng
viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người
lao động, mà còn có biểu hiện “vì dân suông”, tức là chỉ nói mà không làm, hay
hô hào, kêu gọi vì dân, nhưng lại không có những việc làm cụ thể, thiết thực để
mang lại quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân.
Những biểu hiện “vì dân suông”
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra khá tinh vi. Có cán bộ gần dân mà vẫn
không hiểu lòng dân. Những cán bộ này tuy đến với dân, nhưng chỉ tuyên truyền,
vận động, giải thích cho dân theo ý chỉ đạo áp đặt của mình mà không thành tâm
lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Giả sử nếu có lắng nghe thì cũng “nghe để
biết”, nhưng thực chất là bỏ ngoài tai, không tìm cách giải quyết thấu đáo những
ý kiến, băn khoăn, vướng mắc của dân và cả những mong muốn chính đáng của bà
con. Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 14-10-2023 tại Hà Nội trước kỳ họp thứ
sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở cán bộ, đảng viên
nói chung, đại biểu Quốc hội và HĐND nói riêng cần khắc phục bệnh hình thức,
khi tiếp xúc, đối thoại với dân thì phải “tuyệt đối tránh tình trạng hình thức,
ngồi ra vẻ chú ý lắng nghe nhưng lại không nghe”.
Ngoài ra còn có những cán bộ tuy
bề ngoài gần dân mà thực chất lại sống xa dân. Số cán bộ này khi gặp dân thì vẫn
“mồm năm miệng mười”, cố gắng không làm mếch lòng người khác, nhưng bản thân và
gia đình lại có một cuộc sống biệt lập, khác xa người dân. Nhờ các mối quan hệ
“bôi trơn” và biết kiếm chác mà họ có nhà to, xe đẹp, thu nhập khủng, gia đình
ung dung hưởng thụ một cuộc sống đề huề trong nhung lụa, mặc cho bao người dân
lao động vẫn quanh năm tảo tần, lam lũ vì miếng cơm, manh áo. Với họ, tiếp xúc
với dân chỉ là nghĩa vụ đơn thuần chứ không thực sự tâm huyết với dân, chung sức
đồng lòng gánh vác bao nỗi lo toan hằng ngày của người dân. Bởi nếu thương yêu
quần chúng cần lao, họ đâu lợi dụng kẽ hở pháp luật, đục nước béo cò để nhăm
nhăm vun vén lợi lộc cho cá nhân, cốt để vinh thân phì gia.
Điều đáng nói, những động thái
“vì dân suông” thường được bao bọc một lớp hào nhoáng, tinh vi mà không phải
người dân nào cũng dễ nhận diện. Hơn nữa, để dễ bề che mắt thiên hạ, bên ngoài
thì bao giờ họ cũng đề cao quan điểm “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) và luôn
chủ định làm một vài việc bề nổi nào đó nhằm vừa tránh bị mang tiếng là không
thân thiện với dân, vừa phần nào lấy lòng dân. Suy cho cùng, một khi cán bộ coi
việc gần dân chỉ là tấm bình phong, là màn kịch để che giấu những mục đích, động
cơ thiếu trong sáng của mình thì đó là một thứ gần dân hình thức, giả dối, thực
chất là mị dân.
Tác hại của thói vô cảm, “vì dân
suông”
Thói vô cảm, “vì dân suông” là một
trong những biểu hiện suy thoái đáng báo động đối với một bộ phận cán bộ, đảng
viên. Đề cập vấn đề này, Đảng ta cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu không
chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân
cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục.
Sau khi Liên Xô vừa sụp đổ, một số
học giả nước này đã làm cuộc điều tra xã hội học rất đáng suy ngẫm. Trong phiếu
điều tra, trả lời câu hỏi “Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai?", thì có
tới 85% ý kiến cho là đại diện của giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu, chỉ
có 11% cho là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Một đảng cộng
sản cầm quyền mà tỷ lệ giới chức quan liêu, xa rời quần chúng, vô cảm với dân lớn
đến mức nghiêm trọng như vậy, thế nên lúc gặp sóng gió không được nhân dân ủng
hộ và bị các thế lực khác tước quyền lãnh đạo cũng không có gì khó hiểu!
Đâu chỉ có chuyện cán bộ sống
quan liêu, “vì dân suông” xảy ra bên Liên Xô, mà ngay ở nước ta cũng cần nhắc lại
vụ việc một bộ phận cán bộ, đảng viên vô cảm, sống xa dân nên để lại một bài học
xương máu về mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Năm 1997, một bộ
phận không nhỏ nông dân tỉnh Thái Bình tụ tập đông người phản đối cấp ủy, chính
quyền có nguyên nhân chủ yếu là do quyền làm chủ của người dân đã bị vi phạm
nghiêm trọng, chính quyền cơ sở huy động quá sức dân, thậm chí lạm thu nhiều
khoản bất chính, trong khi đó một số cán bộ chủ chốt ở địa phương giàu lên một
cách bất minh và lại có lối sống xa hoa, kệch cỡm, nên càng gây bất bình trong
nhân dân. Sau sự kiện đáng buồn này đã có hơn 2.000 cán bộ, đảng viên vi phạm bị
xử lý kỷ luật, hơn 70% số tổ chức cơ sở đảng phải thay từ một nửa đến hai phần
ba cấp ủy.
Nhắc lại những ví dụ nêu trên để
thấy rằng, quần chúng nhân dân nhìn nhận, đánh giá Đảng chủ yếu là thông qua phẩm
chất, tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút
lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp
của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, hư hỏng và không
còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo,
chỉ biết lo vun vén lợi lộc cho bản thân, gia đình mà không có hành động thiết
thực để góp phần chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Cán bộ, đảng viên cần trọng dân
thực tâm, chăm lo cho dân thật lòng
Từ những thăng trầm, hưng vong của
các vương triều phong kiến Việt Nam trong lịch sử, từ những thành bại trong việc
huy động lòng dân, phát huy sức dân trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ
nước, ông cha đã đúc kết những lời thấm thía và trở thành bài học nhắc nhở muôn
đời cho con cháu hôm nay và mai sau, đó là: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền
cũng là dân” và “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi); “Khoan thư sức
dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước” (Trần Hưng Đạo); nước phải lấy
dân làm gốc, vì “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
(Hồ Chí Minh).
Cách đây 12 năm, ngày 7-6-2012,
Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Quy định số 101-QĐ/TW “Về trách nhiệm
nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, đã
quy định 7 nội dung cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương, trong đó
có 2 nội dung liên quan đến ý thức, tác phong, phong cách ứng xử của cán bộ với
nhân dân, gồm: “Nêu gương về tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu
tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng”; “Nêu gương về ý thức phục vụ
nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, làm việc với thái độ
khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của
nhân dân”. Thực chất của những quy định này là yêu cầu cán bộ, đảng viên không
vô cảm, không “nói suông” với nhân dân, không sống xa dân.
Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức thời nay phải khắc cốt ghi tâm lời Bác Hồ chỉ dẫn:
“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy
xuôi”. Nếu cấp ủy đảng, chính quyền nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng mà cứ
phải tất ta tất tưởi “chạy ngược chạy xuôi” bởi lòng dân phân tâm, ly tán thì
nguy cơ tan rã niềm tin của dân với Đảng, với chế độ ta là khó tránh khỏi. Đó
là bài học không thể xem thường.
Muốn được lòng dân thì cán bộ, đảng
viên phải thực tâm nói đi đôi với làm, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, tuyệt
đối tránh những biểu hiện vô cảm, mị dân, “vì dân suông”. Khi được nhân dân hết
lòng tin yêu, ủng hộ, nhất định khối sức mạnh đại đoàn kết toàn dân sẽ được củng
cố, tăng cường và trở thành sức mạnh dời non lấp biển, từ đó chúng ta có thể đạp
bằng mọi chông gai, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Đúng như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nhấn mạnh:
“Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân.
Lòng dân, đó là quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét