Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

 

Không thờ ơ với bệnh vô cảm

Để góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và dẫn dắt, định hướng lan tỏa những năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp trong xã hội, thì trước hết, người làm báo không được vô cảm.

Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Vô cảm là sự chai lỳ cảm xúc, không mảy may rung động trước nỗi đau, sự bất hạnh của người khác. Căn nguyên được chỉ ra là do cá nhân chủ nghĩa lên ngôi, con người chỉ biết vun vén, chăm lo lợi ích cho bản thân mình, mà không hoặc ít nghĩ ngợi, quan tâm đến lợi ích của người khác và cộng đồng. Sự cô đơn, trống rỗng trong tâm hồn, sự ảo tưởng cá nhân đến mức cực đoan, sự thiếu liên kết bền chặt giữa cá nhân và cộng đồng... cũng khiến cho bệnh vô cảm có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.   

Bệnh vô cảm của một bộ phận người dân đáng báo động bao nhiêu, thì bệnh vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lại đáng lên án bấy nhiêu. Xuất phát từ cơ chế “xin-cho”, có những “người nhà nước” không những không tận tâm chăm lo phụng sự người dân mà còn tỏ ra chểnh mảng, lơ là, “dân cần, quan không vội” để gây phiền hà, khó dễ cho dân, thậm chí đối với dân còn thể hiện thái độ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Cái thứ vô cảm đó mới đáng sợ, vì nó làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, làm mọt ruỗng văn hóa và đạo đức công vụ, làm giảm sút niềm tin của người dân vào thể chế chính trị.

Công luận từng lên tiếng về không ít câu chuyện vô cảm xảy ra ở nhiều nơi mà nhiều người vẫn chẳng mảy may nghĩ ngợi, động lòng trắc ẩn hay có cử chỉ, hành động nào đó nhằm can ngăn, can thiệp để tránh hậu quả và giúp đỡ, sẻ chia kịp thời với những người gặp nạn.

Trong khi có người vẫn thản nhiên đứng nhìn kẻ gian móc túi trên xe buýt, kẻ mạnh hành hung người yếu thế giữa thanh thiên bạch nhật, thì không ít người lại xúm xít đứng nhìn chỉ trỏ, bàn tán khi gặp một vụ tai nạn giao thông trên đường, một vụ ẩu đả trong làng, ngoài phố. Thậm chí có kẻ còn cầm điện thoại thông minh quay cảnh học sinh đánh hội đồng, hành hạ bạn bè rồi tung lên mạng xã hội làm trò cười cho thiên hạ.

Việc các cơ quan báo chí phản ánh, cảnh báo về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay là cần thiết. Tuy vậy, vẫn còn một số báo, nhất là báo điện tử sa đà vào việc thông tin 3S (shock, sex, scandal) và 4T (tình, tiền, tù, tội), cố ý câu view bằng các từ ngữ mạnh, gây tò mò cho độc giả, như: Kinh hoàng, rúng động, rùng rợn, bỏng mắt, đắng lòng, gây bão, đại họa, thảm cảnh... Theo các chuyên gia tâm lý học, cách thông tin kiểu đó là lợi bất cập hại, vì nếu cơ quan truyền thông thường xuyên thông tin với mật độ dày về những mặt trái, tiêu cực thì sẽ làm cho công chúng dần trở nên chai sạn, thờ ơ, dửng dưng trước những chuyện tồi tệ, độc hại xảy ra trong xã hội. Đó chính là mầm mống nuôi dưỡng bệnh vô cảm trong công chúng.

Để góp phần phòng ngừa, chữa trị bệnh vô cảm trong xã hội, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần chủ động tránh xa thái độ bàng quan, vô cảm trong việc thông tin những mặt trái của xã hội. Nói cách khác, các cơ quan báo chí cần giảm thiểu tần suất, liều lượng thông tin những vấn đề tiêu cực xã hội và gia tăng mức độ, nội dung truyền thông về những tấm gương người tốt-việc tốt, những câu chuyện hay, những hành động đẹp, những cử chỉ giàu văn hóa để góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, lan tỏa những vẻ đẹp nhân văn trong cuộc sống.

Khi thường xuyên được tiếp cận, hấp thụ những thông điệp truyền thông tốt đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng, công chúng sẽ được bồi đắp năng lượng sống tích cực hơn, sẵn sàng góp sức làm những việc tử tế hơn. Đó cũng là việc làm thiết thực của các cơ quan báo chí nhằm chung tay phòng ngừa, đẩy lùi bệnh vô cảm trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét