Xây dựng đội ngũ cán bộ - nhân tố quyết định sức mạnh chiến đấu của toàn quân, cũng như tạo tiền đề vững chắc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hiện nay, để có đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp đồng bộ, khoa học, sát hợp với thực tiễn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là vấn đề vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp thiết hiện nay. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, những năm qua, cấp ủy các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ1 với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả. Do vậy, “Tuyệt đại đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, thực sự là lực lượng nòng cốt trong Quân đội nhân dân Việt Nam”2, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, ở một số đơn vị, công tác cán bộ còn có những khuyết điểm, hạn chế, như: quy trình thực hiện chưa đồng bộ, khoa học; nhận xét, đánh giá cán bộ có mặt chưa khách quan, thiếu chính xác; quy hoạch chưa mang tính tổng thể và tầm nhìn dài hạn; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt có trường hợp còn chưa đúng đối tượng, v.v. Vì vậy, đội ngũ cán bộ ở những đơn vị đó còn những hạn chế, bất cập, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa thật sự gương mẫu, uy tín thấp; thậm chí còn “Một số cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, học tập vươn lên, làm việc cầm chừng, cơ hội, thực dụng, gia trưởng, độc đoán, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”3. Để khắc phục những tồn tại đó, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cần được tiếp tục đổi mới, mạnh mẽ và toàn diện; trong đó, chú trọng vào thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao chất lượng khâu lựa chọn cán bộ các cấp. Đây là mắt xích quan trọng, liên quan chặt chẽ đến tất cả các khâu của công tác cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn cán bộ và luôn căn dặn phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ, trọng người có ích cho công việc chung và phải chọn được những người thực sự có tài năng, làm được việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước. Thực tiễn đã chứng minh, lựa chọn cán bộ vừa là vấn đề khoa học, vừa là nghệ thuật, tạo sự phát triển vững chắc và chất lượng của cả đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, chuyển tiếp liên tục, tránh được sự hẫng hụt nguồn nhân lực cán bộ. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và yêu cầu cụ thể xây dựng đơn vị tinh, gọn, mạnh; thực trạng đội ngũ cán bộ, hướng phát triển của từng cán bộ để xây dựng kế hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ. Trong tiến hành, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có chất lượng, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về thu hút những người có phẩm chất, năng lực, những cán bộ có đức, có tài vào nguồn tuyển chọn, tuyển dụng, lựa chọn vào đội ngũ cán bộ trong Quân đội. Ưu tiên tuyển dụng, tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có chuyên ngành đào tạo phù hợp với các ngành nghề Quân đội chưa đào tạo hoặc đào tạo nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Cần thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong lựa chọn, đề nghị bổ sung, bổ nhiệm vào đội ngũ. Đặc biệt, cần coi trọng việc lựa chọn bổ nhiệm cán bộ chỉ huy, quản lý có số dư; người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất người thay thế mình và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện tiêu cực, nể nang, hạ thấp tiêu chuẩn khi lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu của Quân đội trong gần 80 năm qua cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, đào tạo của các nhà trường và bồi dưỡng, rèn luyện tại đơn vị luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trên thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Quân đội hiện nay, tuy có chuyển biến tích cực, song vẫn còn những bất cập, như: việc xác định mục tiêu, nội dung, chương trình, hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; còn có biểu hiện tiêu cực, như: chạy chỉ tiêu, chạy thành tích, chạy điểm, làm triệt tiêu động lực “thực học” phấn đấu vươn lên của một bộ phận cán bộ. Vì vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; đào tạo sau đại học và đào tạo ở nước ngoài. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ, có trình độ học vấn, lý luận chính trị tương ứng, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, lấy đào tạo cơ bản, dài hạn, chính quy theo các chương trình đào tạo tiên tiến làm chủ yếu, kết hợp với đào tạo các trình độ khác để đáp ứng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ, từng bước hạn chế đào tạo ngắn hạn tại các học viện, nhà trường Quân đội. Các cơ sở đào tạo cần đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, nhận thức và hành động sát thực tiễn, học tập trang bị kiến thức và bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, kiên quyết khắc phục tình trạng lười học tập lý luận, chạy theo bằng cấp. Bên cạnh đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường với bồi dưỡng, rèn luyện tại đơn vị, coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện tư duy chính trị, tư duy lãnh đạo, kiến thức quản lý, chỉ huy, khoa học, lý luận, ngoại ngữ, cập nhật thông tin mới, kiến thức mới. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội. Trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải thực hiện đồng bộ các khâu: quy hoạch, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển; trong đó, quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ là những khâu quan trọng nhất. Quản lý chặt chẽ, đánh giá cán bộ đúng thì mới quy hoạch, sử dụng đúng; trách nhiệm này thuộc về cấp ủy, tổ chức đảng nơi cán bộ sinh hoạt, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cán bộ và bản thân cán bộ tự đánh giá. Quá trình nhận xét, đánh giá cán bộ, cấp ủy các cấp phải bám sát Quy định số 89-NQ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đồng thời, phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín để làm thước đo chủ yếu, đảm bảo thực chất, khách quan, minh bạch, công khai kết quả; chống chủ quan, cảm tính, phiến diện. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá đúng cán bộ, cấp ủy các cấp chủ động rà soát, lựa chọn đưa vào quy hoạch, chuẩn bị nguồn đưa đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; tập trung nguồn trong quy hoạch, nguồn cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, nguồn sau đại học và nguồn đào tạo ở nước ngoài; kiên quyết đưa ra khỏi nguồn những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải theo quy hoạch và hướng sử dụng; gắn kết quả học tập, kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao với tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, trước hết là bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy, tính Đảng, tính nguyên tắc trong công tác. Cùng với đó, theo phân cấp quản lý cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ; nắm chắc lịch sử chính trị và vấn đề chính trị hiện nay, chú trọng xem xét về lập trường quan điểm, tư tưởng, phát ngôn, động cơ, thái độ chính trị, đạo đức, lối sống; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, không để bị lợi dụng móc nối, lôi kéo; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cơ hội, bất mãn chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bốn là, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm việc “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền,…”4 và Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII), bảo đảm mọi quyền lực, quyền hạn đều được kiểm soát chặt chẽ và được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn. Quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nâng cao vai trò người đứng đầu trong công tác cán bộ; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đội ngũ cán bộ theo các quy định của Trung ương. Tăng cường kiểm tra, sàng lọc, xử lý, thay thế, miễn nhiệm, cho từ chức người đứng đầu yếu kém về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tín nhiệm thấp, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc trong chỉ đạo, điều hành công việc. Đồng thời, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, nhất là hiện tượng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh tiến lên hiện đại, đòi hỏi tiếp tục được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn, bảo đảm cho đội ngũ này có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên từng cương vị, chức trách, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét