Tiến trình phát triển của Nhà nước và xã hội có những bước thăng trầm ở từng giai đoạn khác nhau nhưng nhân dân luôn giữ vị trí trung tâm, vai trò then chốt trong mọi cuộc cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh, ở đâu và khi nào biết lấy dân làm gốc, chăm lo đến đời sống của nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thì ở đó “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” và nhấn mạnh thêm: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”.
Trong bất kỳ nhà nước nào, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là
đối tượng quản lý. Gốc rễ của quyền lực nhà nước thuộc nhân dân, các cơ quan nhà
nước được nhân dân ủy quyền thực hiện sứ mệnh vinh quang nhưng cũng không kém
phần nặng nề của mình là phục vụ nhân dân theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì
hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nước ta là nước dân chủ, “bao nhiêu lợi
ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công
việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng
chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính
phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do
dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Tinh
thần này được thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Nhận thức rất rõ sự cần thiết của phát huy dân chủ thông qua việc xây
dựng Hiến pháp, nền tảng pháp lý quan trọng hàng đầu đối với các quốc gia, dân
tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đặt ra yêu cầu: “Trước chúng ta đã bị chế độ
quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế,
nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân
chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Theo đó, một trong ba nguyên tắc
quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (Hiến
pháp năm 1946) là bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Tinh thần này xuyên suốt quá
trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và quá trình lập hiến nói
riêng. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Nhà nước bảo đảm và
phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trên cơ sở Hiến pháp, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi
trọng phát huy dân chủ. Đại hội VI của Đảng khẳng định: Đảng lãnh đạo,
nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là nguyên tắc trong quản lý xã hội. Trên
tinh thần đó, thể chế về dân chủ ngày càng được hoàn thiện cả phương diện đường
lối, chính sách và pháp luật, cũng như triển khai thực hiện trong thực tiễn
cuộc sống.
Phát huy dân chủ là một quá trình phát triển từ thấp đến cao,
từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn và được thực hiện trên cả hai phương
diện: người dân tích cực chủ động trong công việc, Nhà nước quản lý xã hội
theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng”. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị phải
được thiết kế sao cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân; cán bộ, công
chức, viên chức là công bộc, đầy tớ của nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức
phải thực sự nhận thức được vị trí, vai trò và thực hiện đúng chức trách của
mình. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn
quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh
việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. “Dân làm chủ thì Chủ
tịch, Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ
cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. “Phải dựa vào dân, lắng
nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải
quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình,
thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và
xử lý nghiêm các sai phạm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét