Là người đặt nền móng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và quyết tâm thực hiện phương châm: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Thể chế hóa quan điểm này, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhân dân là người chủ thực sự của đất nước bởi nhân dân là lực lượng hùng hậu nhất, to lớn nhất, quý giá nhất, tạo nên sức mạnh to lớn “lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và phát triển đất nước.
Sự tồn tại của bất cứ nhà nước nào cũng không thể thiếu pháp
luật. Pháp luật là phương tiện quan trọng hàng đầu để nhà nước thực hiện quản
lý xã hội. Không có pháp luật, nhà nước không thể thực hiện được chức năng,
nhiệm vụ của mình. Tuy vậy, pháp luật không phải yếu tố duy nhất để nhà nước
thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Pháp luật chỉ có thể phát huy được sức mạnh của
mình khi được mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nỗ lực thực thi trong thực tiễn.
Nếu nhân dân không tuân theo pháp luật thì sẽ không có pháp chế và mọi nỗ lực
của nhà nước sẽ không mang lại hiệu quả. Hệ thống pháp luật tiến bộ mang trong
mình bản chất dân chủ, vì quyền con người, quyền công dân nên đó cũng chính là
công cụ, phương tiện để nhân dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của
mình và ngược lại khi pháp chế được thực hiện nghiêm sẽ xử lý theo pháp luật
các hành vi xâm phạm tới dân chủ, bảo vệ và nuôi dưỡng thực hành dân chủ chân
chính phát triển. Vì thế, việc ban hành pháp luật là quan trọng, nhưng quan
trọng hơn là tổ chức pháp luật trong thực tiễn. “Thực thi pháp luật hiệu lực,
hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”. Sự
nghiêm minh của pháp luật trong thực tiễn chính là hình thức thể hiện của pháp
chế và đòi hỏi phải có sự tham gia của nhân dân, mọi cơ quan, tổ chức.
Dân
chủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với pháp luật, thực hiện pháp luật, phát
huy vai trò, giá trị của pháp luật trong cuộc sống. Dân chủ và thực hành dân
chủ thúc đẩy việc tăng cường pháp chế và sự tăng cường pháp chế là điều kiện
căn bản bảo đảm thực hành dân chủ và kỷ cương xã hội. Nhân dân đóng vai trò
quyết định trong việc bảo đảm pháp chế, nhưng nhân dân không thể đứng trên pháp
luật, pháp chế. Việc tuân theo pháp luật, bảo đảm cho pháp chế được thực thi là
trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để dân chủ
được phát huy trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét