Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Những xu hướng lớn trong quan hệ quốc tế hiện nay

 Hiện nay, do tác động của quá trình toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc khiến quan hệ quốc tế đang đứng trước những thay đổi nhanh chóng chưa từng có trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh. Đây cũng là những vấn đề được nhiều học giả, nhà nghiên cứu quốc tế hết sức quan tâm.

Xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực

Theo giới quan sát quốc tế, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine (từ ngày 24/02/2022) đã trở thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu và Nga. Trong cuộc chiến này, giới lãnh đạo Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) toan tính sẽ buộc Nga “thất bại chiến lược”, lâm vào khủng hoảng toàn diện và tan rã. Từ đó, Washington sẽ xóa bỏ được cản trở lớn nhất đối với những nỗ lực duy trì trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh. Phát biểu trên nhiều diễn đàn quốc tế lớn, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, bởi trật tự này không dân chủ và không sớm thì muộn sẽ phải được thay thế bằng trật tự thế giới đa cực. Trên thực tế, trật tự thế giới đơn cực dựa trên ba trụ cột: vị thế toàn cầu của đồng đô la Mỹ (USD), sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và mô hình Mỹ (hay “các giá trị Mỹ”) đều đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo đó, thế giới đang bước vào kỷ nguyên “phi đô la hóa” nền kinh tế; sức mạnh quân sự của Mỹ bộc lộ những hạn chế cơ bản được thể hiện ở thất bại trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” kéo dài 20 năm ở Afghanistan; vì vậy, “mô hình Mỹ” có thể không phải là sự lựa chọn của đa số các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó nổi lên các cường quốc mới là Trung Quốc và Nga với chủ trương xây dựng trật tự thế giới đa cực và các quốc gia này hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong các liên kết quốc tế, như: Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thu hút hàng chục quốc gia tham gia. Ngoài 05 quốc gia vừa trở thành thành viên từ tháng 01/2024, hiện đang có 40 quốc gia bày tỏ nguyện vọng gia nhập BRICS, 20 quốc gia muốn gia nhập SCO. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, BRICS và SCO có thể là “nguyên mẫu của trật tự thế giới đa cực”, bởi thể chế của những liên kết này được xây dựng trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và những điều luật quốc tế đã được thừa nhận.

NATO tiếp tục mở rộng

Chiến lược của NATO đến năm 2030 đưa ra nhận định, Khối này đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là sự gia tăng không ngừng sức mạnh quân sự của Nga và sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc đang làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trên thế giới dẫn đến cuộc chạy đua giành ưu thế về kinh tế và công nghệ. Để thích ứng với môi trường chính trị và an ninh mới, NATO xác định các hướng hoạt động của liên minh nhằm tăng cường và duy trì sức mạnh quân sự, hướng tới một tổ chức thống nhất về mặt chính trị, áp dụng cách tiếp cận mang tính toàn cầu, xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp, còn Trung Quốc là mối đe dọa mang tính hệ thống, tiếp tục kết nạp các thành viên mới ở châu Âu và mở rộng ảnh hưởng sang châu Á. Theo đó, Mỹ, Anh và Australia chính thức thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) để làm hạt nhân của “NATO châu Á”. Ngoài AUKUS, Mỹ lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập liên minh ba bên tại Hội nghị cấp cao vào ngày 18/8/2023.

Hình thành quan hệ quốc tế mới

Hơn 30 năm sau Chiến tranh lạnh, khi không còn đối đầu giữa hai hệ thống chính trị thế giới và hai khối quân sự lớn nhất thế giới là NATO và Vacsava, trong quan hệ quốc tế hình thành và phát triển theo kiểu mới là “đối tác”, thực chất là quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Quan hệ đối tác có bốn mức: đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện và đối tác đặc biệt. Quan hệ đối tác toàn diện dựa trên 02 tiêu chí cơ bản: (1) có nhiều lĩnh vực hợp tác cùng có lợi nhưng không có những lợi ích có ý nghĩa chiến lược quốc gia; (2) có sự tin cậy lẫn nhau nhưng chưa đến mức tin cậy chiến lược. Quan hệ đối tác chiến lược dựa trên 06 tiêu chí: (1) không có tranh chấp lãnh thổ; (2) có các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi trong một số lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược quốc gia; (3) có đủ độ tin cậy chiến lược; (4) hợp tác lâu dài (có thể nhiều thập kỷ); (5) bình đẳng trong quan hệ quốc tế; (6) có các cơ chế để hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên 09 tiêu chí; trong đó, ngoài 06 tiêu chí của quan hệ đối tác chiến lược có thêm 03 tiêu chí: (1) hợp tác chiến lược trong tất cả các lĩnh vực, giữa tất cả các cấp và các tổ chức; (2) không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa hai nước mà còn liên quan tới nhiều nước trên phạm vi khu vực và toàn cầu; (3) cùng chia sẻ tầm nhìn về việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

Xu hướng khu vực hóa

Khu vực hóa là quá trình nhất thể hóa giữa các nước, các khu vực khác nhau trong cùng một châu lục hoặc giữa các châu lục với nhau trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi và cũng đang trở thành xu thế khách quan bởi nhiều nguyên nhân. Một là, quá trình toàn cầu hóa lâm vào khủng hoảng do Washington muốn biến quá trình này thành quá trình “Mỹ hóa thế giới”. Đây chính là động lực thúc đẩy hình thành các liên kết khu vực để bảo vệ lợi ích của các quốc gia trước sự “xâm lược kinh tế” của Mỹ. Hai , cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa xã hội hóa sản xuất vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đặt ra nhu cầu gỡ bỏ các rào cản trên thị trường và thực hiện liên kết kinh tế giữa các quốc gia. Ba là, sự phát triển không đều trong nền kinh tế thế giới thúc đẩy khu vực hóa kinh tế; trong đó, những quốc gia mạnh nhất về kinh tế muốn lấy đó làm chỗ dựa để giữ vững và tăng cường sức mạnh của mình. Bốn là, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thúc đẩy các nước trong khu vực hình thành các liên kết để bảo vệ thị trường của mình. Biểu hiện nổi bật của xu hướng khu vực hóa gần đây là sự hình thành và phát triển của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Liên minh kinh tế Á - Âu, Liên đoàn các nước Arab, Cộng đồng thống nhất châu Phi, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), v.v.

Chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế thay đổi sâu sắc

Theo đó, chủ quyền quốc gia không còn bó hẹp trong quan niệm truyền thống là chủ quyền địa lý và thể chế chính trị mà mở rộng thêm là chủ quyền không gian kinh tế, chủ quyền không gian số, không gian văn hóa - nghệ thuật, v.v. Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn tự tin tuyên bố bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia theo nghĩa là chủ quyền về địa lý đã được phân định bằng cắm mốc biên giới và chủ quyền chính trị được thể hiện ở thể chế chính trị, nhưng trên thực tế họ đã đánh mất chủ quyền kinh tế, chủ quyền không gian số và chủ quyền văn hóa - nghệ thuật trước sự lan tỏa và xâm nhập của các tập đoàn và công ty xuyên quốc gia có tiềm lực đôi khi còn mạnh hơn cả tiềm lực của một quốc gia.

Bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh và xung đột

Dư luận quốc tế cho rằng, kỷ nguyên sau Chiến tranh lạnh lẽ ra phải là kỷ nguyên hòa bình do không còn đối đầu giữa hai hệ thống chính trị thế giới, nhưng trên thực tế lại trở thành kỷ nguyên chiến tranh và xung đột xuất phát từ cạnh tranh địa chính trị. Các cuộc chiến tranh ở Kosovo (1999), Afghanistan (2000 - 2021), Iraq (2003), Libya (2011), Syria (2011),... và gần đây nhất là xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và giữa Israel - Hamas đã minh chứng cho nhận định này. Theo đó, cạnh tranh địa chính trị đã khiến NATO (đứng đầu là Mỹ) không ngừng “mở rộng” và khước từ yêu cầu đàm phán của Nga để ký Hiệp ước bảo đảm an ninh bình đẳng đã dẫn tới cuộc chiến tranh toàn diện với Nga ở Ukraine. Ở Trung Đông, được sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây khác, Israel không chấp nhận nhà nước Palestine, dẫn tới hậu quả xung đột triền miên giữa hai bên mà đỉnh cao là xung đột với Hamas từ tháng 10/2023 tới nay chưa có dấu hiệu kết thúc, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực.

Nổi lên các thách thức xuyên quốc gia và mang tính toàn cầu

Hiện nay và trong những năm tới nổi lên những thách thức và nguy cơ mang tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể hóa giải được tận gốc. Đó là, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trong không gian thông tin, an ninh lương thực, an ninh thị trường, an ninh tiền tệ, an ninh sở hữu trí tuệ, an ninh giáo dục, an ninh văn hóa, an ninh y tế, v.v. Vì vậy, chưa bao giờ các nước trên thế giới cần hợp tác như hiện nay để hóa giải những thách thức và nguy cơ này.

Thông tin trở thành vũ khí chiến tranh nhận thức

Trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, thông tin từng được coi là “nhánh quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiện nay, thông tin không chỉ là một nhánh quyền lực mà còn trở thành vũ khí của một loại hình chiến tranh mới, được gọi là chiến tranh nhận thức, có tác động làm thay đổi nhận thức của con người về thế giới. Đặc điểm nổi bật của chiến tranh nhận thức là có nguồn lực vô tận, có tác dụng “phi sát thương”, buộc đối phương thất bại mà không cần ký kết hòa bình hay đầu hàng. Mỹ đang chiếm ưu thế trong chiến tranh nhận thức do sở hữu các hãng truyền thông lớn có 90% khối lượng thông tin toàn cầu. Cùng với sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo, chiến tranh nhận thức có khả năng “hủy diệt hàng loạt” hiệu quả hơn rất nhiều vũ khí hạt nhân, có thể buộc đối phương “đầu hàng” hay “chịu thuần phục” mà không gây ra tàn phá vật chất.

Phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu của thời đại

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày toàn bộ khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản đang lâm vào cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, mở đầu từ cuộc khủng hoảng ở Mỹ năm 2008. Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020 đã đưa ra tuyên bố, đã đến lúc chủ nghĩa tư bản thế giới phải tiến hành cuộc tái cấu trúc vĩ đại (Great Reset) hướng tới các giá trị tương đồng với các giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực, như: xóa bỏ bất bình đẳng xã hội, đề cao nhân phẩm con người, xóa bỏ tận gốc tình trạng nghèo đói và thất nghiệp, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế phổ cập toàn dân, v.v. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong lòng các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới, các giá trị của chủ nghĩa xã hội lại đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và cả giới tinh hoa chính trị. Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Gallup (Mỹ) thực hiện năm 2018, có khoảng 57% dân số ở các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới không hài lòng với mô hình chủ nghĩa tư bản hiện hành; có 51% thanh niên Mỹ và 57% đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ có cảm tình với các giá trị của chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đó, Francis Fukuyama - tác giả của luận thuyết về “sự cáo chung của lịch sử” cũng phải thừa nhận rằng mô hình chủ nghĩa tư bản hiện hành đang trên đà suy thoái và phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu của thời đại./.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét