Nỗi ám ảnh ngày cuối năm

Mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề, thị trường hàng Tết tại các cửa hàng, siêu thị và trên mạng lại nhộn nhịp, trăm giá đua chen. Những món hàng trị giá hàng triệu, thậm chí là chục triệu, trăm triệu đồng được nhiều người săn lùng và trở nên đắt khách hơn thường lệ. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều ngầm hiểu rằng, người ta mua cho gia đình, bản thân thì ít, mà để biếu xén đối tác, cấp trên thì nhiều. Cũng vì thế mà trên các diễn đàn mạng xã hội chuyên về hàng Tết, người bán giờ đây chẳng ngần ngại tư vấn cho khách hàng một cách công khai, nào là món này độc, lạ, quý hiếm, phù hợp tặng sếp lớn; món kia sang trọng, đẳng cấp chuẩn “gu” của sếp nhỏ...

Ngoài đường là vậy, còn về nhà, các cặp vợ chồng nát óc bàn nhau xem biếu lãnh đạo quà gì sao cho độc đáo, “hoành tráng”. Ở công sở thì đồng nghiệp tìm cách thăm dò nhau xem người ta định biếu sếp thứ giá trị mức nào, phong bì dày cỡ nào để mình biết cách xử thế sao cho không bị “đụng hàng” và quan trọng hơn là không thua anh, kém em. Chọn quà Tết tưởng đơn giản vậy mà lại đau đầu vô cùng!

Thực tế, chúc Tết, tặng quà Tết vốn là phép ứng xử rất bình thường từ ngàn xưa của người Việt. Tết xưa, người ta tặng nhau những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, chẳng hạn như cặp bánh chưng, con gà quê, hộp bánh, gói mứt, cành đào... nhằm thể hiện tình cảm chân thành, sự quý trọng và tri ân sự giúp đỡ của cấp trên, đối tác hay bạn hàng sau một năm công tác, hợp tác buôn bán. Cùng với đó là mong muốn gia chủ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm. Quan trọng hơn, khi trao cho nhau những món quà như thế, cả người nhận và người tặng đều cảm thấy thoải mái, gần gũi.

Thế nhưng, dường như cuộc sống hiện đại đã và đang khiến mỹ tục chúc Tết bị biến tướng. Một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nghiễm nhiên coi chúc Tết là “cơ chế xin-cho”. Nói trần trụi ra là nhiều cuộc thăm viếng, tặng quà vào dịp Tết chỉ nhằm mục đích hối lộ, chạy chức, chạy quyền, lo lót, nhờ vả hoặc nịnh hót cấp trên; và cả người đến chúc Tết lẫn người nhận đều ngầm hiểu rằng, đó thực chất chỉ là một cuộc mua bán, trao đổi. Dần dà, việc chúc Tết, tặng quà cấp trên cũng trở thành “luật bất thành văn” ở một số cơ quan, tổ chức. Nếu Tết đến mà không biết “thăm hỏi” sếp có khi bị xem là không biết phép tắc, ngoại giao kém. Và, chả biết đã có tiền lệ hay chưa nhưng người ta thường sợ rằng nếu đứng ngoài dòng chảy này có thể bị “đì” hoặc mất cơ hội phát triển trong công việc.

Vô hình trung, Tết ngày nay không còn đúng nghĩa mà đang trở thành gánh nặng, là nỗi ám ảnh với nhiều cán bộ, đảng viên bởi thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn, sum họp cùng gia đình sau một năm dài làm việc thì họ phải đắn đo, cân đối xem chúc Tết thủ trưởng nào và “đi” bao nhiêu. Chẳng thế mà một người bạn đang công tác trong cơ quan nhà nước từng nói vui với tôi rằng, hễ cứ Tết đến là anh ta chỉ ước mình được trở thành trẻ con, đơn giản vì trẻ con thì Tết không phải lo biếu sếp này, tặng sếp kia.

Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết
Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết. Ảnh minh họa: diendandoanhnghiep.vn. 

 

Hãy trả lại nét đẹp cho chúc Tết!

Để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong chúc Tết là việc rất khó, nhưng không có nghĩa là không thể.

Trên thực tế, chúng ta vẫn nhìn thấy những nét đẹp vốn có của văn hóa chúc Tết. Bằng chứng là vào mỗi dịp cuối năm, nhiều cơ quan, lãnh đạo, đoàn thể vẫn đến thăm và tặng quà cán bộ đã nghỉ hưu. Cũng là những giỏ quà, những lời thăm hỏi, chúc sức khỏe để thể hiện lòng biết ơn thế hệ đi trước đã có cống hiến cho cơ quan, tổ chức, và tuyệt nhiên không mang màu sắc tiêu cực.

Bên cạnh đó, vẫn còn những vị lãnh đạo, cấp trên kiên quyết từ chối nhận quà Tết, đặc biệt là những món quà giá trị cao. Họ coi đó là hành động hối lộ, đút lót, và thậm chí nhân viên nào đến tặng quà còn bị họ đánh giá thấp. Những người này cho rằng cái họ cần ở cấp dưới là năng lực, trách nhiệm trong công việc chứ không phải những chai rượu ngoại đắt tiền hay những chiếc phong bì đầy sức nặng. Đó thực sự là quan điểm rất đáng trân trọng, thể hiện bản lĩnh và sự gương mẫu của người lãnh đạo.

Chỉ có điều, chẳng phải lãnh đạo, cấp trên nào cũng biết từ chối và kiên quyết từ chối như thế!

Nghiêm cấm, xóa bỏ việc lợi dụng chúc Tết, tặng quà Tết để thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là việc cần làm. Cũng vì thế, ngày 1-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định rõ: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình...".

Những năm gần đây, cứ gần tới Tết Nguyên đán, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thường quán triệt về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước về việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8-12-2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó nêu rõ không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Có thể nói, đây được xem là một trong những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn tới nham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động chúc Tết, và sâu xa hơn là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thiết nghĩ, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng nên đề ra quy định về cách thức chúc Tết và nhận quà Tết phù hợp, lành mạnh, qua đó giải tỏa “áp lực Tết” cho cán bộ, công nhân viên và góp phần tạo không khí vui vẻ, thoải mái, môi trường làm việc chuyên nghiệp cho cơ quan mình.

Nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức của mỗi người về văn hóa chúc Tết, bởi rất khó kiểm soát, phát hiện những tiêu cực liên quan tới hành động này, nhất là khi việc chúc Tết, tặng quà đang ngày càng đi theo hướng “mỏng, nhẹ nhưng to tiền” và cũng “tế nhị” hơn trước nhiều.

Trong dòng người hối hả mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang đến gần, vẫn còn không ít người băn khoăn tự hỏi: Khi nào thì chúc Tết mới hết là gánh nặng, mới trở lại là văn hóa ứng xử tốt đẹp như đúng bản chất của nó?